Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Hạ đường huyết có nguy hiểm không? Làm sao để dự phòng?

Ngày 27/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hạ đường huyết có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Là một biến chứng của đái tháo đường, hạ đường huyết gây khó khăn trong việc tuân thủ điều trị cho bệnh nhân. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những người không mắc bệnh tiểu đường hoặc do nhiều nguyên nhân khác. Nếu không được xử lý kịp thời, hạ đường huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với tăng đường huyết.

Tình trạng hạ đường huyết xuất hiện khi nồng độ đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường. Đây là một trong các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường, nhưng cũng có thể là một cảnh báo cho những vấn đề sức khỏe khác. Vậy hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Hạ đường huyết là gì?

Trước khi tìm hiểu hạ đường huyết có nguy hiểm không, bạn cần biết hạ đường huyết là gì? Chỉ số Glucose phản ánh nồng độ đường đơn có trong máu, thường được đo bằng millimoles trên liter (mmol/L) hoặc milligrams trên deciliter (mg/dL). Mức đường huyết thường tăng sau khi ăn và giảm khi tập thể dục, vận động thường xuyên hoặc nhịn đói.

Hạ đường huyết có nguy hiểm không? Làm sao dự phòng? - 1
Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi mức glucose máu giảm dưới chỉ số quy định

Đường huyết thấp được xác định khi mức đường trong máu thấp hơn 70 mg/dL (3.9 mmol/L), là tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu. Tình trạng giảm đường huyết có thể tiếp diễn và dẫn đến trạng thái hôn mê và tổn thương não.

Hạ đường huyết xảy ra khi mức glucose máu giảm dưới 50 mg/dL (2.7 mmol/L). Tình trạng hạ đường huyết thường xảy ra trong trường hợp người bệnh tiểu đường sử dụng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết quá liều, tập luyện quá sức hoặc bỏ bữa sau khi dùng thuốc. Ngoài ra, tụt đường huyết cũng có thể xảy ra ở những người luyện tập thể dục vượt quá sức mà không duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và ở những người bị các bệnh lý cấp tính hoặc thay đổi sức khỏe như mang thai.

Nguyên nhân gây hạ đường huyết đột ngột

Nguyên nhân gây hạ đường huyết đột ngột ở bệnh nhân đái tháo đường

  • Không tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc quá liều hướng dẫn của bác sĩ hoặc tự ý thêm thuốc, đặc biệt là quá liều insulin.
  • Giai đoạn đầu điều trị đái tháo đường, khi mức đường máu chưa ổn định.
  • Nhịn ăn quá mức hoặc hoạt động thể lực quá sức.
  • Điều trị bệnh tiểu đường kèm theo bệnh suy thận, bệnh tim mạch và sử dụng các loại thuốc như: Chẹn beta và giãn mạch vành.

Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người không mắc bệnh đái tháo đường

  • Cơ thể sản sinh quá nhiều insulin do tăng sản hoặc u tế bào beta ở tụy.
  • Xuất hiện u ngoài tụy tạng.
  • Nhịn ăn quá mức, suy dinh dưỡng hoặc nghiện rượu.
  • Hạ đường huyết do các bệnh lý nội tiết như: Bệnh ở tuyến thượng thận.
  • Bất thường trong chuyển hóa cơ thể.
  • Do lạm dụng insulin để tự tử.
Hạ đường huyết có nguy hiểm không? Làm sao dự phòng? - 2
Nhịn ăn quá mức có thể là nguyên nhân gây hạ đường huyết

Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Vậy hạ đường huyết có nguy hiểm không? Hạ đường huyết là tình trạng rất nguy hiểm. Theo các bác sĩ và chuyên gia, biến chứng hạ đường huyết đột ngột nguy hiểm hơn rất nhiều so với tăng đường huyết, đặc biệt là với bệnh nhân đái tháo đường. Nếu tình trạng này xảy ra ban đêm, đặc biệt là ở người già có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.

Hạ đường huyết có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh, thậm chí gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ. Cơ thể chúng ta chỉ sử dụng đường glucose làm nguồn năng lượng chính cho não bộ. Do đó khi hạ đường huyết xảy ra, hệ thần kinh có thể bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng như: Suy giảm tri giác, co giật, hôn mê và trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể gây tử vong.

Đặc biệt, các biểu hiện của hạ đường huyết đột ngột ở bệnh nhân đái tháo đường và người cao tuổi, thường không rõ ràng và khó nhận diện. Việc tìm hiểu, nhận biết sớm các dấu hiệu cũng như cách xử lý kịp thời khi mức đường huyết bắt đầu hạ là rất quan trọng và cần thiết. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương não bộ và hạn chế sự nguy hiểm của tình trạng hạ đường huyết.

Dấu hiệu của hạ đường huyết

Bên cạnh thắc mắc hạ đường huyết có nguy hiểm không, người bệnh cũng cần quan tâm đến các dấu hiệu hạ đường huyết để có hướng đề phòng và xử lý kịp thời.

Hạ đường huyết mức độ nhẹ

  • Bệnh nhân cảm thấy đói cồn cào, đau bụng, xót ruột…
  • Mệt mỏi, toàn thân vã mồ hôi.
  • Người bệnh thấy cơ thể yếu hơn bình thường, hoạt động trí tuệ giảm sút, lú lẫn, thay đổi tính tình, dễ bị kích động. Đôi khi, có cảm giác dị cảm, tê bì tay chân, nhìn một hoá hai...
Hạ đường huyết có nguy hiểm không? Làm sao dự phòng? - 3
Tê bì tay chân có thể là biểu hiện của hạ đường huyết mức độ nhẹ

Hạ đường huyết mức độ nặng

  • Các dấu hiệu suy giảm thần kinh như: Kích động mạnh, lú lẫn cấp tính có dấu hiệu liệt nửa người (giả đột quỵ) hoặc dấu hiệu thần kinh khu trú.
  • Xuất hiện các cơn co giật, có thể diễn ra liên tục hoặc ngắt quãng.
  • Rối loạn ý thức nặng, có thể kéo theo hôn mê sâu.
  • Bệnh nhân có thể gặp tình trạng vật vã, xuất hiện những dấu hiệu đặc biệt như: Tăng trương lực cơ toàn thân.
  • Bệnh thậm chí tiến triển thành hôn mê kéo dài (phù não) hoặc di chứng tinh thần kinh vĩnh viễn (bệnh não sau cơn hạ đường huyết).

Biến chứng bệnh hạ đường huyết

Các biến chứng của hạ đường huyết phần nào giúp chúng ta hiểu hạ đường huyết có nguy hiểm không? Hạ đường huyết có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng, bao gồm:

Biến chứng về tim mạch

Hạ đường huyết có thể gây ra các vấn đề liên quan đến tim mạch như: Thiếu máu cục bộ của cơ tim, loạn nhịp tim hoặc suy tim. Nguyên nhân của hiện tượng này là do mức đường trong máu giảm đột ngột, kích thích hệ thống giao cảm thượng thận sản xuất ra catecholamin, làm tăng sức co bóp cơ tim, tăng nhịp tim và lượng máu cung cấp cho tim, đồng thời giảm lưu lượng máu đi qua mạch vành.

Hạ đường huyết có nguy hiểm không? Làm sao dự phòng? - 4
Hạ đường huyết có thể gây ra các biến chứng tim mạch

Hạ đường huyết cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình tiết ra cytokin gây viêm, chức năng nội mô, đông máu và tiêu sợi huyết, dẫn đến tăng nguy cơ hình thành đông máu nội mạch và huyết khối ở người bệnh đái tháo đường.

Suy giảm nhận thức

Khi hạ đường huyết xuất hiện, việc cung cấp glucose đến não bị gián đoạn. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như: Suy giảm nhận thức, suy chức năng não, thiếu máu não cục bộ, mất trí nhớ và rối loạn điều hòa của tiểu não.

Tăng nguy cơ chấn thương

Biến chứng hạ đường huyết này rất hay gặp ở người bệnh đái tháo đường cao tuổi. Những triệu chứng như: Suy giảm nhận thức, tay chân run do mức đường huyết quá thấp có thể gây ra tai nạn ngã, gây thương tổn gãy xương, trật khớp, chấn thương sọ não và tổn thương mô mềm.

Hội chứng chết trên giường

Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 đang điều trị bằng insulin. Hội chứng này mô tả những trường hợp tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân ở người trẻ mắc bệnh này. Nguyên nhân được cho là do hạ đường huyết đột ngột, thường xảy ra ban đêm kèm theo rối loạn nhịp tim.

Dự phòng hạ đường huyết như thế nào?

Để dự phòng tái phát hạ đường huyết sau khi đã giải quyết tình trạng này, bệnh nhân cần tuân thủ những biện pháp sau đây:

  • Để giảm nguy cơ hạ đường huyết cần xây dựng chế độ ăn uống điều độ, cân bằng các bữa ăn với lượng carbohydrate được khuyến nghị bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Trước khi tập thể dục cần đảm bảo ăn đủ lượng carbohydrate và có bữa ăn nhẹ trong quá trình tập nếu cần.
  • Ăn các bữa ăn nhẹ khi cảm thấy đường huyết quá thấp hoặc xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh.
  • Thông báo tình trạng bệnh đái tháo đường với những người sống hoặc làm việc cùng để họ có thể hỗ trợ và biết cách xử lý khi bệnh nhân bất tỉnh.
  • Theo dõi và kiểm soát đường huyết theo đề xuất của bác sĩ.
  • Tập thể dục vừa sức và luôn quan sát cơ thể để tránh quá tải. Tránh hoạt động thể lực quá mức.
  • Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý điều chỉnh hoặc bỏ thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn.
  • Không uống rượu hoặc bia.
  • Luôn mang theo một vài viên glucose khi điều trị đái tháo đường.
Hạ đường huyết có nguy hiểm không? Làm sao dự phòng? - 5
Chú ý theo dõi và kiểm soát đường huyết theo chỉ dẫn của bác sĩ

Các biến chứng nguy hiểm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát đường huyết và phần nào giải đáp thắc mắc hạ đường huyết có nguy hiểm không. Nhận biết sớm các dấu hiệu của hạ đường huyết để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe là việc làm cần thiết. Để bảo vệ sức khỏe, cần tuân thủ các biện pháp dự phòng tái phát để hạn nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm liên quan đến hạ đường huyết đối với người bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin