Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Dấu hiệu hạ đường huyết: Nhận biết và xử lý hiệu quả

Ngày 26/08/2024
Kích thước chữ

Hạ đường huyết là một tình trạng y tế phổ biến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những dấu hiệu hạ đường huyết, giúp bạn nhận biết và xử lý khi không may gặp phải tình trạng hạ đường huyết. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Hạ đường huyết là tình trạng mức đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Việc nhận biết các biểu hiện hạ đường huyết là vô cùng quan trọng để có thể can thiệp đúng lúc và ngăn ngừa những hậu quả không mong muốn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu dấu hiệu hạ đường huyết và các cách để phòng tránh.

Hạ đường huyết là gì? Có nguy hiểm không?

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng mức đường (glucose) trong máu giảm dưới mức bình thường. Glucose là nguồn năng lượng chủ yếu của cơ thể, đặc biệt là cho bộ não và hệ thần kinh. Khi lượng đường trong máu giảm quá thấp, nồng độ glucose huyết tương < 70 mg/dL (< 3,8 mmol/L) cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khác nhau của hạ đường huyết.

Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Hạ đường huyết có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được nhận biết và xử lý kịp thời. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như co giật, mất ý thức và tổn thương não vĩnh viễn. Việc hiểu rõ về hạ đường huyết và biết cách xử lý khi gặp phải là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe.

 Dấu hiệu hạ đường huyết: Nhận biết và xử lý hiệu quả 1
Hạ đường huyết nếu không được xử lý sớm sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng

Nguyên nhân bị hạ đường huyết

Hạ đường huyết có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những nguyên nhân trực tiếp liên quan đến bệnh tiểu đường đến những thói quen sinh hoạt hằng ngày. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

  • Sử dụng quá nhiều insulin: Đối với những người bị bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 thường phải tiêm insulin để kiểm soát mức đường huyết. Tuy nhiên, sử dụng quá liều insulin so với nhu cầu có thể làm mức đường trong máu giảm đột ngột.
  • Bỏ bữa hoặc ăn quá ít: Người bệnh tiểu đường cần phải duy trì chế độ ăn uống đều đặn để đảm bảo mức đường huyết ổn định. Bỏ bữa hoặc ăn không đủ gây thiếu hụt glucose, dẫn đến hạ đường huyết.
  • Hoạt động thể lực quá mức: Hoạt động thể lực gia tăng tiêu thụ glucose, nếu không được bù đắp bằng chế độ ăn uống phù hợp có thể gây ra hạ đường huyết, đặc biệt ở người bệnh tiểu đường.
  • Sử dụng rượu: Rượu có thể cản trở gan sản xuất glucose, làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, nhất là khi uống rượu trong khi bụng đói.
  • Mắc các bệnh suy gan hoặc suy thận: Các bệnh lý này có thể làm cơ thể giảm khả năng sản xuất và lưu trữ glucose hoặc giảm khả năng lọc thải insulin dẫn đến hạ đường huyết.
  • Thiếu hụt hormone: Một số rối loạn hormone như thiếu hụt cortisol, hormone tăng trưởng, hoặc glucagon có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết.
  • Tương tác với thuốc: Một số loại thuốc, khi kết hợp với thức ăn không đủ dinh dưỡng hoặc cùng mắc các bệnh lý khác, có thể gây hạ đường huyết, ngay cả ở người không bị tiểu đường.
  • Rối loạn ăn uống: Các triệu chứng của rối loạn ăn uống như bỏ bữa quá lâu cũng có thể kéo theo tình trạng hạ đường huyết.

Các dấu hiệu hạ đường huyết

Nhận biết sớm các dấu hiệu hạ đường huyết là vô cùng quan trọng để xử lý kịp thời và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm. Các triệu chứng của hạ đường huyết thường được chia thành hai nhóm chính: triệu chứng nhẹ và triệu chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng nhẹ

Cảm giác đói: Đây là dấu hiệu đầu tiên nhiều người cảm nhận khi bị hạ đường huyết. Cảm giác đói có thể xuất hiện đột ngột và dữ dội.

Run rẩy và tim đập nhanh: Khi mức đường huyết giảm, hệ thần kinh phản ứng bằng cách kích hoạt tuyến thượng thận, dẫn đến tình trạng run rẩy và tim đập nhanh.

Đổ mồ hôi: Hạ đường huyết có thể làm bạn đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt là vào ban đêm.

Nhức đầu và chóng mặt: Mức đường huyết thấp có thể gây ra nhức đầu và chóng mặt, làm bạn cảm thấy choáng váng.

 Dấu hiệu hạ đường huyết: Nhận biết và xử lý hiệu quả 2
Chóng mặt là dấu hiệu thường gặp khi hạ đường huyết

Triệu chứng nghiêm trọng

Buồn nôn và nôn mửa: Khi tình trạng hạ đường huyết trầm trọng, bạn có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa.

Mệt mỏi và yếu đuối: Thiếu hụt năng lượng từ glucose có thể làm bạn cảm thấy rất mệt mỏi và yếu đuối.

Lú lẫn và khó tập trung: Mức đường huyết thấp kéo dài làm ảnh hưởng đến não bộ, làm bạn khó tập trung, cảm thấy lú lẫn và mất khả năng nhớ.

Thay đổi hành vi và tâm trạng: Một số người có thể trở nên cáu kỉnh, lo lắng hoặc thậm chí trầm cảm khi bị hạ đường huyết.

Mất ý thức và co giật: Nếu tình trạng hạ đường huyết không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến mất ý thức, co giật và nguy hiểm đến tính mạng.

Ai dễ bị hạ đường huyết?

Hạ đường huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng có một số nhóm người có nguy cơ cao hơn như:

Người mắc bệnh tiểu đường: Những người bị tiểu đường, đặc biệt là type 1, sử dụng insulin hoặc một số loại thuốc chữa tiểu đường, có nguy cơ cao gặp phải tình trạng hạ đường huyết.

Người có chế độ ăn không đều đặn: Những người thường xuyên bỏ bữa, ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc có chế độ ăn uống không cân bằng dễ gặp phải hạ đường huyết.

Người hoạt động thể lực nhiều: Những người có cường độ tập luyện cao, đặc biệt là vận động viên, nếu không cân đối chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể bị hạ đường huyết.

Người uống rượu: Những người uống rượu nhiều và không ăn uống đủ chất có nguy cơ hạ đường huyết do rượu ảnh hưởng đến sản xuất glucose từ gan.

Người già: Người cao tuổi có thể có cơ thể kém nhạy cảm với các dấu hiệu sớm của hạ đường huyết hoặc có thể có các bệnh lý nền phức tạp làm gia tăng nguy cơ.

Cách xử lý khi bị hạ đường huyết

Nhận biết và xử lý kịp thời

Khi bạn cảm thấy các triệu chứng của hạ đường huyết, điều đầu tiên cần làm là kiểm tra mức đường huyết. Hãy sử dụng máy đo đường huyết để xác định xem mức đường huyết của bạn có dưới 70 mg/dL hay không. Nếu kết quả cho thấy mức đường huyết thấp, bạn cần thực hiện các biện pháp cấp cứu ngay lập tức. Một giải pháp hiệu quả là ăn hoặc uống những thức ăn giàu glucose như kẹo, nước ngọt, nước trái cây, hoặc viên glucose. Bạn chỉ cần khoảng 15 gram đường để giúp nâng mức đường huyết trở lại bình thường.

 Dấu hiệu hạ đường huyết: Nhận biết và xử lý hiệu quả 3
Kiểm tra mức đường huyết thường xuyên để kiểm soát tình trạng bệnh kịp thời

Sau khi đã ăn hoặc uống có chứa đường, hãy nghỉ ngơi trong khoảng 15-20 phút, sau đó kiểm tra lại mức đường huyết để đảm bảo rằng nó đã trở lại mức an toàn. Nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể bạn có đủ thời gian để hấp thu glucose và phục hồi. Nếu mức đường huyết vẫn còn thấp, bạn có thể cần ăn thêm một chút nữa và tiếp tục theo dõi cho đến khi cảm thấy tốt hơn.

Điều trị dài hạn

Nếu bạn thường xuyên gặp phải tình trạng hạ đường huyết, điều quan trọng là bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc insulin. Bác sĩ cũng có thể giúp bạn xây dựng chế độ ăn uống và kế hoạch tập luyện phù hợp để duy trì mức đường huyết ổn định. Chẳng hạn, bạn có thể cần thay đổi thói quen ăn uống bằng cách duy trì chế độ ăn uống đều đặn và cân bằng, không bỏ bữa và kiểm soát lượng đường trong khẩu phần ăn.

Hoạt động thể dục rất tốt cho sức khỏe tổng thể, nhưng bạn cần chọn những bài tập phù hợp với tình hình sức khỏe của mình. Đừng tập quá sức, vì điều này có thể dẫn đến hạ đường huyết. Nếu bạn uống rượu, hãy hạn chế hoặc tránh uống, đặc biệt là khi bụng đói, vì rượu có thể làm giảm mức đường huyết một cách nguy hiểm.

 Dấu hiệu hạ đường huyết: Nhận biết và xử lý hiệu quả 4
Nếu thường xuyên hạ đường huyết cần gặp ngay bác sĩ để được thăm khám kịp thời

Nhận biết các triệu chứng sớm và thực hiện các biện pháp xử lý đúng cách có thể giúp bạn tránh được những biến chứng nguy hiểm của hạ đường huyết. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, hãy tiếp tục cập nhật thêm các bài viết khác của Long Châu để có thêm những kiến thức bổ ích khác về sức khỏe nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin