Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hạ đường huyết buồn nôn có nguy hiểm không?

Ngày 16/08/2024
Kích thước chữ

Buồn nôn là một trong những triệu chứng thường gặp khi bị hạ đường huyết. Hạ đường huyết buồn nôn thường xảy ra ở người bị tiểu đường hoặc cũng có thể do những nguyên nhân khác gây ra. Vậy hạ đường huyết buồn nôn có nguy hiểm không? Xử trí như thế nào khi bị buồn nôn do hạ đường huyết?

Ở những người đang điều trị bệnh tiểu đường hay đái tháo đường, lượng đường huyết quá thấp hoặc quá cao đều gây ra các triệu chứng điển hình như buồn nôn. Trong đó, hạ đường huyết buồn nôn là phổ biến nhất. Tình trạng này xảy ra khi đường huyết xuống dưới 70 mg/dL, người bệnh ăn ít carbohydrate nhưng không điều chỉnh lượng insulin hoặc không phù hợp với hoạt động thể chất của cơ thể. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về hạ đường huyết buồn nôn cũng như cách xử trí và phòng ngừa tình trạng này.

Vài nét về hạ đường huyết

Đường huyết chính là nồng độ glucose trong máu. Đây cũng chính là một dạng năng lượng được chuyển hóa từ thức ăn do cơ thể nạp vào giúp cơ thể hoạt động bình thường. Chỉ số đường huyết ở người bình thường được đo tại 3 mốc thời gian gồm:

  • Đường huyết trước khi đi ngủ từ 110 đến 150mg/dL.
  • Đường huyết lúc đói từ 70mg/dL đến 92 mg/dL.
  • Đường huyết sau khi ăn 2 giờ nhỏ hơn 120mg/dL.
Hạ đường huyết buồn nôn có nguy hiểm không? 1
Buồn nôn là triệu chứng điển hình khi bị hạ đường huyết

Theo đó, hạ đường huyết là tình trạng lượng glucose trong máu đo được dưới mức 70 mg/dL. Tình trạng này thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt với những người phải điều trị bằng insulin. Ngoài ra, hạ đường huyết còn có thể gặp ở những người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao quá sức nhưng chế độ ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng, người đang mắc bệnh mạn tính,… Tùy theo mức độ hạ đường huyết mà các triệu chứng xuất hiện sẽ khác nhau từ nhẹ tới nặng.

Nguyên nhân và triệu chứng hạ đường huyết

Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, hạ đường huyết buồn nôn có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Đối với người bị bệnh tiểu đường, hạ đường huyết có thể do:

  • Người bệnh dùng quá liều hoặc sai loại insulin.
  • Người bệnh không xác định chính xác thời điểm ăn và dùng insulin.
  • Thường xuyên bỏ bữa hoặc ăn muộn hơn bình thường.
  • Chế độ ăn uống không cân bằng giữa 4 nhóm chất gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và chất xơ.
  • Người bị tiểu đường uống rượu nhưng không ăn.
  • Người bị tiểu đường nhưng vận động quá sức.
Hạ đường huyết buồn nôn có nguy hiểm không? 2
Dùng insulin quá liều cũng có thể gây ra hạ đường huyết

Với những người không bị tiểu đường, hạ đường huyết có thể do:

  • Hạ đường huyết sau ăn do bữa ăn quá xa khiến cơ thể không đủ glucose, dễ gây hạ đường huyết.
  • Nhịn đói quá lâu: Đây là nguyên nhân khiến cơ thể không được cung cấp đủ lượng dưỡng chất cần thiết để tạo ra glucose dẫn đến hạ đường huyết.
  • Uống quá nhiều rượu: Tình trạng này cản trở quá trình giải phóng glycogen ở gan khiến lượng glucose trong máu bị giảm.
  • Mắc bệnh lý viêm gan, xơ gan, nhiễm trùng,... khi tiến triển xấu có thể gây ra hạ đường huyết.
  • Cơ thể sản xuất quá mức insulin.
  • Cơ thể bị thiếu hụt một số hormone do rối loạn tuyến thượng thận và khối u tuyến yên.

Khi lượng đường huyết xuống thấp sẽ kích hoạt giải phóng epinephrine gây các triệu chứng điển hình như đổ mồ hôi, tim đập mạnh, buồn nôn, nôn, da tái nhợt, lo lắng, tê lưỡi, tê môi,... Trường hợp lượng đường máu tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của não khiến người bệnh bị mờ mắt, nói lắp, buồn ngủ, khó tập trung,... Nặng hơn khi hạ đường huyết kéo dài có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Trong số các triệu chứng kể trên, hạ đường huyết buồn nôn rất phổ biến khi đường huyết thấp hơn 70mg/dL.

Khi hạ đường huyết buồn nôn có sao không?

Thông thường, hạ đường huyết buồn nôn không phải là tình trạng nguy hiểm nếu không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên chủ quan bởi những đợt hạ đường huyết có thể thường xuyên tái phát và tăng dần mức độ. Vì thế, nếu không phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời thì hạ đường huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Một số vấn đề nguy hiểm do hạ đường huyết như sa sút trí tuệ, rối loạn nhịp tim, tổn thương não, hôn mê, ngừng tim,...

Cách xử trí hạ đường huyết buồn nôn

Hạ đường huyết buồn nôn không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để chắc chắn buồn nôn do hạ đường huyết, người bệnh có thể kiểm tra lượng đường trong máu nếu chỉ số đường huyết dưới 70 mg/dL, hãy ăn hoặc uống thực phẩm chứa 15g Carbohydrate. Sau khoảng 15 phút, tiến hành đo lại đường huyết nếu chỉ số vẫn dưới 70 mg/dL thì lặp lại quy trình trên cho đến khi chỉ số đường huyết lớn hơn 100 mg/dL. Sau mỗi 60 phút cần kiểm tra chỉ số đường huyết để tránh tình trạng đường huyết bị hạ trở lại.

Một số loại thức ăn có hàm lượng 15g Carbohydrate dễ tìm và tiện lợi gồm:

  • 1/2 cốc nước ngọt;
  • 1/2 cốc nước ép trái cây;
  • 2 đến 3 viên đường;
  • 1 cốc sữa;
  • 5 đến 6 viên kẹo ngọt;
  • Khoảng 15ml hoặc 1 thìa canh đường, mật ong.
Hạ đường huyết buồn nôn có nguy hiểm không? 3
Uống 1 cốc sữa giúp bổ sung Carbohydrate giảm tình trạng hạ đường huyết

Khi bị hạ đường huyết buồn nôn, mục tiêu quan trọng nhất là phát hiện sớm và xử trí đúng cách nhằm tăng đường huyết về mức an toàn càng nhanh càng tốt để giảm các biến chứng và cải thiện triệu chứng.

Để giảm nguy cơ buồn nôn do hạ huyết áp, người bị bệnh tiểu đường cần tuân thủ uống thuốc theo đơn, ăn uống đủ chất, tránh bỏ bữa, kiêng rượu bia, bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng hạ đường huyết buồn nôn. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách xử trí đúng khi bị buồn nôn do hạ đường huyết gây ra. Để đảm bảo an toàn, người thường xuyên bị hạ huyết áp nên chuẩn bị sẵn các loại đồ ăn, đồ uống giúp tăng lượng đường trong nhà hoặc mang theo bên người khi ra ngoài để xử trí kịp thời khi đường máu giảm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin