Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chẩn đoán hạ đường huyết định kỳ để cải thiện một cuộc sống khỏe mạnh hơn

Ngày 19/07/2024
Kích thước chữ

Hạ đường huyết, một tình trạng bệnh lý, xảy ra khi nồng độ glucose trong máu rơi xuống dưới mức bình thường, đối lập với tăng đường huyết. Nếu bạn đã được chẩn đoán hạ đường huyết mà không được điều trị ngay, nó sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Đường huyết thấp có thể làm rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương và dẫn đến những tình trạng nguy hại hơn. Thông tin về nguyên nhân gây ra, phương pháp chẩn đoán hạ đường huyết và các biện pháp phòng ngừa sẽ có trong bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu.

Thế nào là hạ đường huyết?

Hạ đường huyết, theo định nghĩa trong y khoa, là tình trạng nồng độ glucose trong huyết tương giảm xuống dưới 70 mg/dL. Tuy nhiên, có thể không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho đến khi nồng độ này giảm thêm xuống dưới 55 mg/dL. Khi điều này xảy ra, bạn đang trải qua một tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng và cần phải được cấp cứu ngay lập tức.

Trước khi đi sâu vào nguyên nhân gây ra hạ đường huyết, hãy cùng khám phá về glucose. Glucose có thể được coi là nguồn năng lượng ưu tiên của cơ thể. Nó có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Sau khi tiêu hóa thức ăn, glucose được hấp thụ vào máu. Máu đưa glucose đến tất cả các cơ quan trong cơ thể và glucose sẽ chịu trách nhiệm sản sinh năng lượng duy trì hoạt động của tế bào.

  • Trong quá trình trên, insulin đóng một vai trò quan trọng như một “người vận chuyển”, chịu trách nhiệm di chuyển glucose từ dòng máu đến các tế bào của cơ thể.
  • Mặt khác, khi nguồn glucose sắp hết, nếu không được bổ sung từ bên ngoài, cơ thể sẽ sử dụng đến nguồn glucose dự trữ, tồn tại dưới dạng glycogen, nằm tại gan. Một hormone khác có tên là glucagon có nhiệm vụ chuyển hóa glycogen thành glucose và sau đó phân phối chúng vào dòng máu.

Đây là cơ chế mà cơ thể sử dụng để duy trì sự cân bằng của glucose trong máu cho đến khi chúng ta tiếp tục bữa ăn tiếp theo.

Chẩn đoán hạ đường huyết định kỳ để cải thiện một cuộc sống khỏe mạnh hơn 1
Insulin và glucagon là hai hormone chịu trách nhiệm điều tiết lượng glucose trong máu

Tại sao bạn lại bị hạ đường huyết?

Mỗi nhóm đối tượng khác nhau có những yếu tố riêng biệt có thể ảnh hưởng đến cân bằng glucose trong cơ thể. Có vẻ hơi lạ lùng khi nghe điều này nhưng tình trạng hạ đường huyết lại thường gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) nhiều hơn ở những bệnh nhân khác.

Với nhóm không mắc bệnh tiểu đường

Có một số yếu tố có thể gây hạ đường huyết ở những người không bị tiểu đường, đó là:

  • Một số loại thuốc: Ví dụ như các thuốc chẹn beta hay thuốc ức chế men chuyển ACE.
  • Một số bệnh lý: Bao gồm viêm gan nặng, xơ gan, suy thận, nhiễm trùng nặng và bệnh tim.
  • Suy dinh dưỡng hoặc nhịn đói lâu ngày, cơ thể đã dùng hết glycogen dự trữ.
  • Uống quá nhiều rượu: Nếu uống rượu mà không ăn gì, gan không thể biến đổi glycogen thành glucose.
  • Một số bệnh ung thư: Nếu khối u xuất hiện ở tụy có thể làm tăng sản xuất quá nhiều insulin, khiến lượng glucose tiêu hao quá nhanh mà không bổ sung kịp.

Với nhóm mắc bệnh tiểu đường

Khi bị tiểu đường, cơ thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ra hoặc sử dụng insulin. Mục tiêu điều trị cho bệnh tiểu đường là bổ sung trực tiếp insulin hoặc sử dụng thuốc để làm tăng nồng độ insulin trong máu. Các loại thuốc này nếu hoạt động quá mức sẽ có thể khiến cho đường huyết của bạn sụt giảm đột ngột, ví dụ:

  • Thuốc nhóm Meglitinides, phổ biến là Repaglinide và Nateglinide.
  • Thuốc nhóm Sulfonylurea thế hệ cũ (Chlorpropamide, Tolazamide, Tolbutamide) có thể làm hạ đường huyết nặng hơn các thuốc thế hệ mới.
  • Một số loại thuốc khi phối hợp cùng nhau cũng sẽ gây ra tình trạng hạ đường huyết, ví dụ:
    • Phối hợp thuốc nhóm chẹn alpha-glucosidase, Thiazolidinedione hoặc Metformin với các thuốc nhóm Sulfonylurea hoặc với insulin.
    • Phối hợp các thuốc trị tiểu đường với Allopurinol, Probenecid hoặc Warfarin.

Ngoài thuốc là nguyên nhân làm đường huyết hạ quá mức ở người bị tiểu đường, có một số yếu tố khác cũng góp phần vào việc này, đó là:

  • Không ăn uống ngay sau khi tiêm insulin mà chờ quá lâu;
  • Trong bữa ăn có quá nhiều đường đơn;
  • Ăn muộn hơn bình thường;
  • Chỉ uống rượu mà không ăn bất kỳ thứ gì.

Các trường hợp hạ đường huyết khác

Ngoài hai nhóm trên, có một số trường hợp khác cũng có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết:

  • Hạ đường huyết phản ứng: Là tình trạng hạ đường huyết trong vòng 2 - 4 giờ sau khi ăn. Thông thường lúc này cơ thể sẽ tự động điều chỉnh lượng glucose về mức bình thường.
  • Hạ đường huyết đói: Xảy ra khi bạn không ăn uống gì trong một thời gian dài.
  • Hạ đường huyết trong thai kỳ: Có thể xảy ra nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ.
  • Hạ đường huyết về đêm: Tình trạng đường huyết thấp trong lúc ngủ có thể do bạn uống rượu, dùng quá nhiều insulin hoặc hoạt động thể chất quá mức trước khi ngủ.
  • Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc sinh non có nguy cơ cao hơn.
Chẩn đoán hạ đường huyết định kỳ để cải thiện một cuộc sống khỏe mạnh hơn 2
Mỗi nhóm đối tượng khác nhau có những yếu tố riêng biệt có thể ảnh hưởng đến cân bằng glucose trong cơ thể

Xét nghiệm chẩn đoán hạ đường huyết được thực hiện như thế nào?

Hãy cùng khám phá xem bạn có thể được chẩn đoán hạ đường huyết như thế nào trong phần tiếp theo.

Xét nghiệm chẩn đoán hạ đường huyết do tiểu đường

Nếu bạn là người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là trong khoảng thời gian bạn vừa mới được chẩn đoán và bắt đầu điều trị, việc gặp phải các đợt hạ đường huyết có thể phổ biến. Do đó, việc cần thiết hàng đầu khi đã bị tiểu đường là bạn cần quản lý nghiêm ngặt mức độ glucose trong máu của mình.

Hạ đường huyết được phân thành ba mức độ sau:

  • Mức 1 (nhẹ): < 70 mg/dL (< 3,8 mmol/L) nhưng ≥ 54 mg/dL (≥ 3 mmol/L).
  • Mức 2 (trung bình): < 54 mg/dL (< 3 mmol/L).
  • Mức 3 (nặng): Là trường hợp thay đổi tình trạng thể chất và/hoặc tinh thần, cần được người khác trợ giúp ngay.

Bạn có thể theo dõi đường huyết ngay tại nhà với các loại thiết bị đo đường huyết, đặc biệt cần kiểm tra ngay khi bạn gặp bất kỳ biểu hiện nào của đường huyết thấp (run rẩy, chóng mặt, khó chịu, buồn nôn, nhịp tim nhanh). Nếu chỉ số trên thiết bị đo nằm dưới mức 70 mg/dL (hoặc 3,8 mmol/L), có thể xác nhận rằng bạn đang bị hạ đường huyết.

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là độ tin cậy của các máy thử đường huyết tại nhà đều chỉ mang tính tương đối và chúng có thể không phát hiện ra được những tình trạng nguy hiểm tiềm ẩn. Vì vậy, tốt nhất là bạn vẫn nên thực hiện những chẩn đoán hạ đường huyết với bác sĩ định kỳ để có thể đề ra kế hoạch điều trị hợp lý và kịp thời.

Xét nghiệm chẩn đoán hạ đường huyết không do tiểu đường

Với nhóm đối tượng không điều trị tiểu đường, chẩn đoán hạ đường huyết đòi hỏi bác sĩ phải xác nhận “Bộ ba Whipple” (Whipple's triad) hoặc xác nhận bạn bị đường huyết thấp trong thời gian nhịn ăn. Để xác nhận “Bộ ba Whipple”, bạn phải đáp ứng đồng thời ba điều kiện sau:

  • Các triệu chứng hạ đường huyết;
  • Mức glucose huyết tương thấp, < 55 mg/dL (3.05 mmol/L), tại thời điểm các triệu chứng xảy ra;
  • Triệu chứng giảm đi sau khi được bổ sung dung dịch đường tiêm tĩnh mạch (Dextrose).
Chẩn đoán hạ đường huyết định kỳ để cải thiện một cuộc sống khỏe mạnh hơn 3
Có thể dùng các thiết bị đo để chẩn đoán hạ đường huyết

Phòng ngừa tình trạng hạ đường huyết

Có một số điều bạn có thể làm để ngăn ngừa khỏi hạ đường huyết, việc này đặc biệt quan trọng đối với người bị tiểu đường.

Với nhóm đối tượng tiểu đường

Nếu đã mắc phải tiểu đường, bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong hành vi và lối sống để giữ lượng đường trong máu được ổn định:

  • Ăn tối thiểu 3 bữa chính mỗi ngày, được phân bổ đều, và kết hợp với các bữa ăn nhẹ giữa các bữa chính.
  • Tập thể dục trong khoảng 30 phút - 1 giờ sau bữa ăn.
  • Kiểm tra kỹ càng liều lượng insulin và thuốc trị tiểu đường trước khi bạn sử dụng.
  • Luôn mang theo một số loại carbohydrate có tác dụng nhanh, như kẹo hoặc nước trái cây để có thể nhanh chóng bổ sung lượng đường trong máu khi cần.

Với các nhóm đối tượng khác

Nếu bạn không bị tiểu đường, có thể nhờ bác sĩ tư vấn trong trường hợp bạn muốn điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục của mình. Sau đây là một số gợi ý bạn có thể tham khảo:

  • Thêm vào chế độ ăn của bạn các bữa ăn nhỏ và thức ăn nhẹ;
  • Chế độ ăn bao gồm protein, chất béo và giàu chất xơ;
  • Giới hạn lượng thực phẩm có chứa đường cao trong chế độ ăn.
Chẩn đoán hạ đường huyết định kỳ để cải thiện một cuộc sống khỏe mạnh hơn 4
Có thể bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn để ngăn ngừa hạ đường huyết

Hạ đường huyết có thể trở thành một tình huống cấp cứu nếu tình hình trở nên nghiêm trọng và không được can thiệp kịp thời. Việc nắm bắt được nguyên nhân và phương pháp chẩn đoán hạ đường huyết sẽ cung cấp cho chúng ta thông tin quý giá về tình trạng bệnh này, từ đó xác định hướng giải quyết và biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.