Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

5 bước sơ cứu ban đầu gãy xương cần ghi nhớ

Ngày 24/04/2022
Kích thước chữ

Gãy xương có thể để lại di chứng lâu dài. Hãy tìm hiểu ngay quy trình sơ cứu ban đầu gãy xương đúng cách để giảm thiểu nguy cơ để lại di chứng nhé!

Gãy xương được chia làm hai loại, bao gồm gãy xương hở và gãy xương kín. Đối với từng loại gãy, cách sơ cứu ban đầu gãy xương sẽ có sự khác nhau. Mục tiêu chung của sơ cứu gãy xương là giảm đau, chống sốc, ngừa nhiễm khuẩn nếu gãy xương hở và tránh gây thêm tổn thương cho các mô cơ quan lân cận.

Các dấu hiệu nhận biết gãy xương

Đối với trường hợp gãy xương kín - gãy xương nhưng không rách da, có một số dấu hiệu để nhận biết là:

  • Cảm giác đau chói tại điểm gãy.
  • Có thể nhìn thấy xương gãy gồ lên ở dưới da, gây biến dạng so với bình thường.
  • Vùng gãy bị sưng nề. Tình trạng sưng nề tăng theo thời gian, có thể xuất hiện vết bầm tím.
  • Nghe thấy tiếng lạo xạo.
  • Xương gãy bị giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động. 
  • Đối với xương chi bị gãy, chi gãy có thể ngắn hơn chi lành.

Trong trường hợp gãy xương hở, vị trí gãy sẽ bị bầm dập, rách da và cơ, có thể quan sát đầu xương gãy hở ra ngoài. Gãy xương hở là một tình trạng rất nguy hiểm bởi có thể gây mất máu ồ ạt, từ đó dẫn đến sốc. Ngoài gãy xương hở, trường hợp vỡ xương chậu hay gãy xương đùi đều có thể gây sốc dù chỉ là gãy kín. Người bị sốc có biểu hiện: da tái lạnh, vã mồ hôi, tụt huyết áp, không tỉnh táo.

5 bước sơ cứu ban đầu gãy xương cần ghi nhớ 1 Một số kiểu gãy xương thường gặp cần sơ cứu ban đầu gãy xương

Nguyên tắc khi sơ cứu gãy xương

Trong quá trình sơ cứu ban đầu gãy xương, người sơ cứu cần đảm bảo 3 nguyên tắc cơ bản sau:

  • Cầm máu;
  • Giữ người bị nạn bất động;
  • Giảm đau.

Các nguyên tắc trên đều có chung một mục đích là chống sốc cho nạn nhân. Ngăn ngừa việc nạn nhân bị sốc là một yếu tố vô cùng quan trọng để giúp họ tránh được những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Các bước sơ cứu ban đầu cho người bị gãy xương

Khi phát hiện và nhận định được rằng nạn nhân bị gãy xương, cần bình tĩnh và nhanh chóng gọi hỗ trợ y tế đồng thời thực hiện các bước sơ cứu sau:

Bước 1: Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn và tình trạng xương gãy

Bước đầu tiên, cần đánh giá nhanh các dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân như mạch, nhiệt độ, nhịp thở và nhận định tình trạng tri giác của nạn nhân: còn tỉnh, lơ mơ hay kích động.

Ngoài ra, kiểm tra tình trạng tại điểm gãy để xác định mức độ tổn thương mạch máu, tổn thương phối hợp (ngực, bụng, sọ não…) và tổn thương của xương.

5 bước sơ cứu ban đầu gãy xương cần ghi nhớ 2 Quan sát và sờ nhẹ để đánh giá tình trạng gãy của xương

Sau khi đã nhận định được tình trạng nạn nhân, cần giữ cho tinh thần của nạn nhân được ổn định và giải thích khái quát về cách sơ cứu sẽ làm.

Bước 2: Bất động xương gãy

Có thể dùng nẹp hoặc những vật dụng tương tự như thanh gỗ, tre, cành cây thẳng… để cố định vào phía trên và phía dưới của ổ gãy. Nẹp cần được cố định chặt vào chi hoặc cơ thể thành một khối.

5 bước sơ cứu ban đầu gãy xương cần ghi nhớ 3 Bất động xương gãy bằng các dụng cụ thẳng, vững chắc giống nẹp

Đối với xương gãy hở, việc kéo nắn xương lại vị trí đúng có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. Do đó, cần phải cố định xương gãy hở đúng ở tư thế gãy. Nếu xuất hiện các tổn thương của mạch máu, cần cầm máu và băng vết thương bằng gạc hoặc tấm vải sạch trước khi bất động xương gãy.

Khi đặt nẹp cố định lên da của nạn nhân, cần có đệm lót bằng vải hoặc bông tại vị trí đầu nẹp và đầu xương.

Lưu ý, không nên cố cởi quần áo nạn nhân. Nếu cần bộc lộ vết thương để cố định, cần cởi từ bên lành rồi dùng kéo cắt đồ theo đường chỉ hoặc cắt bỏ.

Bước 3: Cố định chi ở tư thế cơ năng

Tư thế cơ năng được định nghĩa là tư thế co nghỉ của các bó cơ. Trong đó, tư thế cơ năng của tay là tư thế gập góc 90 độ, còn của chân là tư thế duỗi thẳng.

Bước 4: Kiểm tra và đảm bảo mạch máu được lưu thông

Sau khi bất động xương gãy, cần kiểm tra lại mạch máu phía dưới điểm cố định để đảm bảo máu được lưu thông, tránh gây ra tình trạng tím tái, hoại tử do phần dưới không được dẫn máu đến.

Bước 5: Đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất

Khi đưa người bị nạn đến bệnh viện, cần lưu ý đảm bảo an toàn vận chuyển, không làm xê dịch hay va chạm vào điểm gãy.

Một số lưu ý khi sơ cứu ban đầu gãy xương

Gãy xương có thể gây ra rất nhiều hậu quả từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể gây tử vong. Do đó, khi sơ cứu ban đầu gãy xương, cần hết sức lưu ý một số vấn đề sau:

  • Khi chưa đánh giá được hết các tổn thương, đặc biệt là tổn thương liên quan đến cột sống, không được vội di chuyển người bị nạn.
  • Không được cố xác định có gãy xương hay không bằng cách ấn vào vùng tổn thương để tìm tiếng lạo xạo.
  • Không được kéo chỗ xương gãy về trục thẳng để cố định mà nên để nạn nhân ở tư thế ít đau nhất, thường là tư thế gãy.
  • Kiểm tra lại mạch đập phía dưới vị trí cố định là một bước vô cùng quan trọng.
  • Người sơ cứu cần đảm bảo vô khuẩn trước và sau khi sơ cứu vết thương bị chảy máu bằng cách mang găng tay và rửa tay sạch sẽ.

Trên đây là 5 bước sơ cứu ban đầu gãy xương mà ai cũng cần nắm rõ để có thể nhanh chóng xử lí khi gặp phải tình huống này trong đời sống hàng ngày. Hy vọng bài viết trên có thể đem lại cho bạn những thông tin mà bạn đang tìm kiếm. Chúc bạn đọc thật khỏe mạnh và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin về sức khỏe mới nhất nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin