Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi: Dấu hiệu và 2 nguyên tắc điều trị

Ngày 21/11/2024
Kích thước chữ

Gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi là tình trạng thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên quá trình điều trị có thể gặp nhiều khó khăn và không mang lại kết quả nhanh chóng.

Gãy xương cẳng tay không chỉ xảy ra ở trẻ em mà người lớn tuổi cũng thuộc nhóm dễ gặp chấn thương trong các hoạt động sinh hoạt, nếu không phát hiện kịp và điều trị ngay từ đầu có thể dẫn đến nhiều biến chứng đe dọa đến sức khỏe. Vậy gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi có thể chữa trị như thế nào? Biện pháp hạn chế nguy cơ chấn thương là gì? Mời bạn đọc cùng theo dõi qua bài viết sau nhé.

Phân loại các dạng gãy xương cẳng tay

Gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi được chia thành 3 vị trí của xương:

  • Gãy ⅓ trên;
  • Gãy ⅓ giữa;
  • Gãy ⅓ dưới.

Bên cạnh vị trí gãy xương, còn được phân theo độ tuổi, phổ biến là nhóm người cao tuổi và nhóm trẻ em. Đối với trẻ em, việc gãy xương cẳng tay có thể bao gồm gãy tạo hình, xương bị cong mà không có đường gãy rõ ràng hoặc gãy cành tươi, khi xương chỉ gãy một bên vỏ và bên còn lại bị uốn cong. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mức độ gãy xương cẳng tay, có thể xác định gãy xương kín hoặc hở.

Gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi: Dấu hiệu và 2 nguyên tắc điều trị 1
Gãy xương cẳng tay thường có 3 vị trí là gãy ⅓ trên, dưới và giữa xương

Tình trạng gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi

Gãy xương cẳng tay ở người lớn tuổi phần lớn do bị tai nạn giao thông hoặc bị té ngã, lúc này theo phản xạ cẳng tay bị đập xuống bề mặt cứng, hoặc giơ tay để đỡ đòn đánh trực tiếp làm gãy ngang một hoặc cả hai xương cẳng tay tại cùng một vị trí.

Tiếp theo là cơ chế gián tiếp khi bị té và chống khuỷu tay xuống làm một hoặc hai xương bị uốn cong gây gãy xương với các vị trí khác nhau, xương trên cao và xương dưới thấp.

Lý giải vì sao xương cẳng tay của người lớn tuổi dễ bị gãy, đầu tiên xuất phát từ bệnh lý loãng xương phổ biến ở người già, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, đây cũng là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ chấn thương khi bị mất thăng bằng, thay đổi dáng đi hoặc bất kỳ tư thế nào, hơn nữa khi loãng xương kết hợp với thoái hóa khớp xương sẽ làm xương dễ gãy hơn nhiều so với người trẻ.

Mặt khác hệ tiêu hóa ở người lớn hoạt động không ổn định, hàm lượng dinh dưỡng cũng không được đảm bảo dẫn đến tốc độ lành xương không nhanh, đặc biệt khi chất lượng xương yếu còn làm tăng khả năng tái gãy lần nữa. Tình trạng này sẽ càng tăng cao nên người bệnh có tiền sử viêm khớp dạng thấp, béo phì, sử dụng đồ uống có cồn, rối loạn nội tiết tố,... Tất cả các vấn đề trên cũng phần nào lý giải vì sao người già rất dễ bị gãy xương, trong đó trường hợp gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi dễ thấy nhất.

Dấu hiệu nhận biết gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi

Ở người cao tuổi các dấu hiệu gãy xương cẳng tay có thể kể đến như:

  • Nhận thấy vị trí vùng gãy bị sưng, có thể kèm theo bầm tím.
  • Tay không cử động được bình thường hoặc có các cử động lạ ở khu vực bị gãy.
  • Cẳng tay có thể bị biến dạng, phần cổ tay có thể bị cong bất thường.
  • Cảm giác đau nhói tại vị trí gãy và cơn đau tăng lên nhiều hơn khi cử động tay.
Gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi: Dấu hiệu và 2 nguyên tắc điều trị 2
Cảm giác đau nhói tại vị trí gãy là dấu hiệu gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi rõ nhất

2 nguyên tắc điều trị gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi

Trong quá trình điều trị gãy xương cẳng tay ở người già, thường tuân theo các bước như sau: Giảm đau, chống sốc nếu cần và nẹp cố định khi chắc chắn xương gãy. Trong đó tùy theo trường hợp cụ thể cũng như các dấu hiệu lâm sàng, sẽ có 2 phương pháp sau:

  • Điều trị không cần phẫu thuật: Khi xương gãy không quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách nắn chỉnh lại xương về đúng vị trí, sau đó bó bột hoặc nẹp để cố định.
  • Điều trị bằng phẫu thuật: Trong trường hợp xương gãy nặng, cần phải phẫu thuật để nối lại các mảnh xương. Bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ như đinh, vít, hoặc khung cố định để giữ xương chắc chắn.
Gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi: Dấu hiệu và 2 nguyên tắc điều trị 3
Gãy xương ở người già có thể điều trị không can thiệp phẫu thuật nếu mức độ nhẹ

Cách phòng ngừa gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi

Gãy xương cẳng tay là vấn đề ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là khi xương trở nên yếu và dễ bị tổn thương hơn. Để phòng ngừa tình trạng này cho người thân của mình, mọi người có thể tham khảo một số cách như sau:

Đối với người cao tuổi

  • Nên sử dụng dép đi lại có độ ma sát lớn hoặc dùng gậy hỗ trợ đi lại và nên thực hiện các hoạt động sinh hoạt nhẹ nhàng, chậm lại.
  • Ưu tiên các giường thấp, vừa tầm với người lớn tuổi, không nên nằm giường cao hoặc nằm võng vì dễ bị trẹo người, nguy hiểm hơn có thể ngã sau khi ngồi dậy
  • Trong khu vực nhà tắm nên có những đồ vịn vì nền gạch ướt dễ bị té.

Đối với gia đình

  • Bố trí phòng nghỉ ở khu vực dễ di chuyển, có nhà vệ sinh gần phòng ngủ, đèn sáng và nền nhà không trơn trượt.
  • Khi không may người lớn tuổi bị té, không nên chủ quan mà hãy đưa đi kiểm tra để được chỉ định chụp Xquang để có cách điều trị phù hợp.
  • Không tự ý uống thuốc hay băng bó tại nhà vì có thể làm tình trạng nặng hơn. Sau khi kiểm tra tại bệnh viện, nếu có gãy xương nên tuân theo chế độ điều trị, tư vấn của bác sĩ để quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc sẽ hiểu được các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng gãy xương cẳng tay ở người cao tuổi trong cuộc sống hàng ngày, từ đó có thể chủ động chăm sóc người thân một cách tốt nhất vì việc gãy xương đối với người lớn tuổi là tai nạn rất nghiêm trọng, hơn nữa quá trình điều trị và chăm sóc cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với người trẻ.

Xem thêm: 

Gãy xương cẳng tay bao lâu thì lành? 

Người già bị gãy xương có nên mổ không?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin