Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

5 nguyên nhân viêm đường tiết niệu: Bạn đã biết chưa?

Ngày 06/06/2024
Kích thước chữ

Viêm đường tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất hiện nay. Vậy bạn đã biết được nguyên nhân viêm đường tiết niệu chưa? Hiểu rõ lý do dẫn đến bệnh sẽ giúp quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh diễn ra hiệu quả hơn.

Viêm đường tiết niệu nếu không được điều trị đúng cách thì sẽ gây viêm nhiễm kéo dài. Thậm chí, các triệu chứng của bệnh còn tiến triển nặng hơn, gây tổn thương các cơ quan xung quanh tiết niệu, sinh dục. Để điều trị được triệt để bệnh lý này, người bệnh cần giải mã được những nguyên nhân viêm đường tiết niệu. Đừng lo lắng, những thông tin hữu ích này sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp qua bài viết dưới đây!

Viêm đường tiết niệu là gì?

Viêm đường tiết niệu hay còn được biết đến là bệnh lý nhiễm trùng tiểu hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Tình trạng này có thể liên quan đến bất kỳ bộ phận nào trong hệ tiết niệu của con người, từ niệu đạo, niệu quản, đến bàng quang và thận.

Dấu hiệu bệnh viêm đường tiết niệu

Trên thực tế, dù là nam hay nữ thì bạn vẫn có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý viêm nhiễm này. Căn bệnh viêm đường tiết niệu được xác định bởi những dấu hiệu đặc trưng như:

  • Cảm giác đau rát vùng niệu đạo khi đi tiểu.
  • Tiểu tiện nhiều lần trong ngày, có thể lên đến 10 lần/ngày.
  • Tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Tiểu ra máu cho thấy tình trạng viêm nhiễm đã diễn biến nghiêm trọng. Lúc này, nước tiểu sẽ có màu sẫm hoặc hồng do có lẫn với máu.
  • Đau nhức vùng lưng và bụng, đặc biệt là quanh rốn và hông.
  • Đau âm ỉ ở vùng lưng, bụng.
  • Người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn nôn, sốt cao, ớn lạnh,...
5 nguyên nhân viêm đường tiết niệu - Bạn đã biết chưa? 1
Viêm đường tiết niệu là bệnh lý rất phổ biến 

5 nguyên nhân viêm đường tiết niệu

Bệnh lý viêm đường tiết niệu có thể bắt nguồn từ 5 nguyên nhân chủ yếu sau:

Nhiễm trùng bàng quang

Bệnh lý này bắt nguồn từ việc cơ quan sinh dục ngoài của người bệnh tiếp xúc với vi khuẩn Escherichia Coli. Lúc này, vi khuẩn sẽ gây viêm niệu đạo, tiếp đó, di chuyển đến bàng quang gây viêm bàng quang. Nếu không được điều trị từ giai đoạn sớm, E. Coli có thể sinh sôi nhanh chóng, lan rộng đến các bộ phận khác trong hệ tiết niệu. Kết quả là người bệnh sẽ không tránh được việc bị viêm đường tiết niệu.

Một số dấu hiệu đặc trưng cho thấy người bệnh bị viêm đường tiết niệu do nhiễm trùng bàng quang có thể kể đến là:

  • Tiểu rắt, tiểu buốt.
  • Lượng nước tiểu ít, có màu sẫm.
  • Tiểu nhiều lần trong ngày.
  • Đau nhức vùng thắt lưng, xương chậu.

Nếu không được điều trị đúng cách, viêm bàng quang có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Viêm cầu thận cấp, vô sinh, hiếm muộn ở cả nam và nữ.

5 nguyên nhân viêm đường tiết niệu - Bạn đã biết chưa? 2
Viêm bàng quang có thể là nguyên nhân viêm đường tiết niệu 

Nhiễm trùng niệu đạo

Viêm niệu đạo xảy ra ở 70% bệnh nhân là nữ giới. Điều này là do vị trí của niệu đạo và âm đạo nằm gần nhau nên vi khuẩn rất dễ lây lan, dẫn đến viêm nhiễm chéo. Hầu hết nguyên nhân viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn niệu đạo là:

  • Không vệ sinh vùng kín đúng cách.
  • Thường xuyên tiếp xúc với các chất làm sạch có nồng độ pH quá cao.
  • Quan hệ tình dục bừa bãi với người mắc các bệnh lây qua đường tình dục mà không có biện pháp bảo vệ.

Nếu bị nhiễm trùng niệu đạo, bạn có thể sẽ phải đối mặt với các dấu hiệu như:

  • Đau rát, ngứa ngáy, khó chịu vùng niệu đạo và bộ phận sinh dục.
  • Nước tiểu có màu sẫm và mùi khai bất thường.
  • Bộ phận sinh dục sưng đỏ, tiết dịch mủ hoặc có huyết trắng.

Đây là nguyên nhân trực tiếp gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ quan sinh sản như: Viêm buồng trứng, viêm vòi trứng, vô sinh, hiếm muộn,...

Nhiễm trùng thận

Viêm đường tiết niệu có thể là một biến chứng khi người bệnh bị nhiễm trùng thận. Viêm bể thận cấp khiến cho vi khuẩn đi đến hệ tiết niệu qua đường nước tiểu gây viêm nhiễm ở đường tiết niệu. Lúc này, người bệnh thường cảm thấy:

  • Đau lưng hoặc đau một bên sườn.
  • Sốt cao, ớn lạnh.
  • Thường xuyên rùng mình.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
5 nguyên nhân viêm đường tiết niệu - Bạn đã biết chưa? 3
Nhiễm trùng thận có thể đi kèm với đau lưng, đau mạn sườn

Nhiễm trùng niệu quản

Một trong những nguyên nhân viêm đường tiết niệu phổ biến nhất phải kể đến là nhiễm trùng niệu quản. Tình trạng này thường bắt nguồn từ sỏi niệu quản cọ xát vào thành niệu đạo gây tổn thương. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng có thể mắc viêm đường tiết niệu sau khi phẫu thuật tán sỏi, đặt ống sonde JJ.

Thay đổi hormone

Sự thay đổi hormone nữ bất thường trong giai đoạn mang thai hoặc mãn kinh sẽ làm thay đổi môi trường cũng như độ pH bên trong đường tiết niệu. Từ đó, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu.

Chính vì lý do này mà viêm đường tiết niệu trong giai đoạn thai kỳ là một trong những tình trạng thường gặp nhất ở mẹ bầu. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời thì có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Bao gồm: Viêm bể thận, sảy thai, sinh non, nhiễm khuẩn sơ sinh,…

5 nguyên nhân viêm đường tiết niệu - Bạn đã biết chưa? 4
Trong quá trình mang thai, mẹ bầu rất dễ bị rối loạn nội tiết 

Các yếu tố nguy cơ gây viêm đường tiết niệu

Bên cạnh những nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu trực tiếp, người bệnh cũng cần phòng ngừa một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đó là:

  • Nhiễm trùng nước tiểu.
  • Phụ nữ trong giai đoạn mang thai.
  • Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.
  • Rối loạn hormone gây mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo.
  • Quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ.
  • Lối sống sinh hoạt kém lành mạnh.
  • Suy giảm nội tiết tố ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc đang mang thai.
  • Vị trí giải phẫu niệu đạo ngắn nằm sát âm đạo tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm.
5 nguyên nhân viêm đường tiết niệu - Bạn đã biết chưa? 5
Bạn cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu

Phương pháp xét nghiệm bệnh viêm đường tiết niệu

Để nhận biết bệnh nhân có đang bị viêm đường tiết niệu hay không, bạn cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, chỉ định bệnh nhân thực hiện những phương pháp xét nghiệm như sau:

Phân tích nước tiểu

Ở người bình thường, bạch cầu máu sẽ nằm trong khoảng 4 - 10 K/UL, còn bạch cầu trong nước tiểu là âm tính. Nếu chỉ số bạch cầu trong máu cao hơn hoặc/và bạch cầu trong nước tiểu dương tính thì chứng tỏ đường tiết niệu của bạn đã bị nhiễm khuẩn.

Khi xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ cũng nhận biết được lượng nitrit trong nước tiểu là âm tính hay dương tính. Nếu dương tính thì nước tiểu đã có chứa vi khuẩn, khiến cho vi khuẩn chuyển hóa nitrat thành nitrit.

Hơn nữa, protein trong nước tiểu bình thường cũng ở mức âm tính. Nếu dương tính thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh thận hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu.

Soi bàng quang

Soi bàng quang là xét nghiệm nhằm khảo sát được các bộ phận của đường tiểu dưới, bao gồm: Niệu đạo, bàng quang,... Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa ống kính nội soi vào bên trong bàng quang. Quá trình soi bàng quang sẽ kéo dài khoảng 10 - 15 phút. Nó cũng không gây đau đớn do người bệnh đã được gây tê tại chỗ.

5 nguyên nhân viêm đường tiết niệu - Bạn đã biết chưa? 6
Soi bàng quang giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân gây bệnh 

Cấy nước tiểu

Cấy nước tiểu có tác dụng xác định lượng vi trùng có trong nước tiểu để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Chụp CT

Chụp CT là phương pháp chụp cắt lớp vi tính. Đây là kỹ thuật chẩn đoán vô cùng hiện đại, giúp xác định những nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu phổ biến, đặc biệt là: Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, u bàng quang,... 

Làm sao để phòng ngừa bệnh viêm đường tiết niệu?

Viêm đường tiết niệu rất khó điều trị dứt điểm nên thường kéo dài dai dẳng. Do đó, để bệnh không tái phát lại, bạn cần áp dụng những biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả và đơn giản tại nhà như sau:

  • Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít nước/ngày để làm loãng nước tiểu. Điều này sẽ kích thích quá trình đào thải độc tố của cơ thể, giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi hệ tiết niệu nhanh chóng hơn.
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách từ trước ra sau. Tốt nhất, bạn nên vệ sinh vùng kín ngay cả sau khi đi tiểu, đi tiêu và sau khi quan hệ tình dục. Cách thực hiện này sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn từ hậu môn đến âm đạo và niệu đạo.
  • Quan hệ tình dục lành mạnh, có sử dụng các biện pháp bảo vệ như: Bao cao su, màng phim tránh thai,...
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh. 
5 nguyên nhân viêm đường tiết niệu - Bạn đã biết chưa? 7
Sử dụng bao cao su khi quan hệ sẽ làm giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu 

Trên đây là những thông tin hữu ích nhất xoay quanh dấu hiệu và nguyên nhân viêm đường tiết niệu. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có được cái nhìn chính xác nhất về căn bệnh viêm đường tiết niệu để xây dựng lối sống lành mạnh, giúp phòng ngừa bệnh và nâng cao sức khỏe toàn diện nhé! 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin