Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Bà bầu ăn chân gà được không? Những lưu ý khi ăn chân gà

Ngày 03/07/2024
Kích thước chữ

Chân gà là món ăn khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là trong các buổi tiệc tùng hoặc bữa ăn nhẹ. Mẹ đang thèm ăn chân gà nhưng lo lắng không biết liệu bà bầu ăn chân gà được không?

Theo một số kinh nghiệm dân gian, mẹ bầu ăn chân gà trong giai đoạn thai kỳ thì em bé sinh ra có thể bị chân vòng kiềng. Cũng có ý kiến cho rằng chân gà không có chất dinh dưỡng, vì vậy món ăn này hoàn toàn không có lợi ích gì cho phụ nữ mang thai. Vậy bà bầu ăn chân gà được không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp câu hỏi này trong bài viết dưới đây.

Thành phần dinh dưỡng của chân gà

Chân gà thường được xem là bộ phận kém ngon và thậm chí có thể bị bỏ đi khi chế biến các món ăn từ thịt gà. Tuy nhiên, đây lại là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thành phần của chân gà chủ yếu là các mô liên kết, da, gân, sụn và xương. Với khoảng 70 gam (2 cái) chân gà sẽ chứa:

  • Lượng calo: 150;
  • Chất đạm: 14 gam;
  • Chất béo: 10 gam;
  • Carb: 0,14 gam;
  • Canxi: 5%;
  • Phốt pho: 5%;
  • Vitamin A: 2%;
  • Vitamin B9: 15%.

Khoảng 70% tổng lượng protein trong chân gà là collagen, một loại protein cấu trúc giúp cung cấp hình dáng, sức mạnh và đề kháng cho da, cơ, gân, xương và dây chằng. Ngoài ra, chân gà cũng cung cấp nhiều vitamin B9, giúp hỗ trợ tổng hợp DNA và ngăn ngừa các biến chứng bất thường khi sinh cho mẹ bầu.

Bà bầu ăn chân gà được không? Những lưu ý khi ăn chân gà
Chân gà có thành phần chủ yếu là collagen

Bà bầu ăn chân gà được không?

Với thành phần dinh dưỡng như trên, liệu bà bầu ăn chân gà được không? Câu trả lời là hoàn toàn có nhưng nên ăn vừa đủ và chế biến đúng cách để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Ngoài ra, hiện nay, không có cơ sở khoa học nào chứng minh việc ăn chân gà khi mang bầu sẽ làm em bé sinh ra có chân vòng kiềng hay ảnh hưởng đến ngoại hình. Vì vậy, mẹ bầu có thể yên tâm khi thưởng thức chân gà.

Bà bầu ăn chân gà được không? Một số món ngon từ chân gà cho phụ nữ mang thai 2
Bà bầu ăn chân gà được không là thắc mắc của nhiều chị em

Một số lợi ích sức khỏe của chân gà

Mặc dù chân gà không chứa thịt nhưng chúng vẫn mang lại nhiều tác dụng cho sức khỏe, nhờ vào hàm lượng collagen dồi dào. Một số lợi ích mà chân gà mang lại cho mẹ bầu như:

Cải thiện làn da

Chân gà chứa nhiều collagen, giúp duy trì độ đàn hồi của da và giảm thiểu vết rạn da trong thời kỳ mang thai. Collagen được biết đến như một “thần dược” cho làn da của phụ nữ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng collagen giúp cải thiện độ đàn hồi, độ ẩm, chữa lành nhanh chóng các tổn thương trên da và ngăn ngừa da lão hóa hiệu quả. 

Các nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy collagen có thể làm giảm sự hình thành nếp nhăn do tác hại của tia cực tím B (UVB) từ ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, khi bà bầu ăn chân gà, sẽ cung cấp axit hyaluronic và chondroitin sulfate giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa.

Giảm đau khớp

Nhiều nghiên cứu cho thấy collagen và hợp chất chondroitin sulfate trong chân gà có thể kích thích tái tạo mô và giảm các triệu chứng viêm khớp. Bà bầu bị đau khớp háng sau sinh ăn chân gà cũng có thể giúp giảm đau hiệu quả.

Ngăn ngừa loãng xương

Collagen giúp cải thiện mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Lượng collagen trong chân gà giúp kích thích các tế bào tạo xương, duy trì cấu trúc xương khỏe mạnh, từ đó giảm nguy cơ loãng xương.

Bà bầu ăn chân gà được không? Một số món ngon từ chân gà cho phụ nữ mang thai 3
Lượng collagen trong chân gà giúp giảm nguy cơ loãng xương

Giảm triệu chứng nghén khi mang thai

Trong giai đoạn mang bầu, nhiều mẹ có triệu chứng ốm nghén, chán ăn nhưng lại rất thích món chân gà. Nguyên nhân là vì chân gà không có thịt, không gây ngán. Bên cạnh đó, chân gà có thể chế biến thành nhiều món ăn kích thích khẩu vị và dinh dưỡng cho bà bầu. Do đó, bà bầu ăn chân gà có thể giúp giảm triệu chứng ốm nghén hiệu quả.

Những lưu ý khi ăn chân gà dành cho mẹ bầu

Phần trên đã giải đáp cho độc giả câu hỏi liệu bà bầu ăn chân gà được không? Vậy khi ăn chân gà mẹ cần lưu ý điều gì? Chân gà không chỉ được chế biến thành những món ăn ngon, giòn, ít ngán, mà còn mang lại nhiều lợi ích, dần trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, dù có nhiều lợi ích tuyệt vời nhưng ăn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thừa cân và sử dụng chân gà không đảm bảo vệ sinh có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên lưu ý một số điểm sau khi ăn chân gà:

  • Mua chân gà sạch: Nên mua ở những cửa hàng uy tín, có chứng nhận kiểm định hoặc những địa chỉ có nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa rõ ràng. Mẹ bầu nên kiểm tra kỹ trước khi mua, tránh mua những chân có phần da đã bị chai cứng, quá bẩn, vì đây là dấu hiệu của khâu vệ sinh kém.
  • Sơ chế sạch sẽ: Chân gà là phần tiếp xúc trực tiếp với đất và chất bẩn, nên khi mua về cần được vệ sinh kỹ qua nhiều bước. Nếu không được làm sạch tốt, chân gà có thể trở thành nguy cơ gây ra rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến cả thai nhi.
  • Kiểm soát lượng ăn: Dù là loại thực phẩm có lợi cho bà bầu nhưng chân gà cũng chứa khá nhiều cholesterol và chất béo. Tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt là về cân nặng.
  • Chế biến đúng cách: Chân gà thường được chế biến thành nhiều món như chân gà chiên mắm, chân gà nướng, chân gà ngâm sả tắc... Tuy nhiên, mẹ bầu nên chọn những phương pháp chế biến ít dầu mỡ và ít tẩm ướp gia vị. Việc sử dụng các món ăn nhiều dầu mỡ hoặc có nhiều gia vị có thể gây hiện tượng khó tiêu, nóng trong và táo bón.
Bà bầu ăn chân gà được không? Một số món ngon từ chân gà cho phụ nữ mang thai 4
Mẹ bầu nên tránh đồ ăn chiên ngập dầu hoặc tẩm ướp nhiều gia vị

Một số món ăn ngon từ chân gà cho bà bầu

Sau khi đã tìm hiểu rõ bà bầu ăn chân gà được không, hẳn nhiều mẹ thắc mắc về các món ăn bổ dưỡng từ loại thực phẩm này. Dưới đây là một số món chế biến từ chân gà thơm ngon và dinh dưỡng mà mẹ bầu có thể tham khảo:

  • Chân gà luộc: Chân gà được luộc chín, dùng kèm với nước sốt me chua ngọt hoặc nước mắm pha chanh để làm món khai vị hay ăn kèm cơm.
  • Chân gà hầm thuốc bắc: Món này được hầm lâu để chiết xuất hết dưỡng chất từ các loại thuốc bắc, giúp bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe cho mẹ bầu.
  • Chân gà nấu canh: Chân gà nấu cùng với rau củ và nấm để tạo thành một nồi canh dịu nhẹ, giàu chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.
  • Chân gà hầm sả gừng: Chân gà hầm cùng với sả và gừng, mang lại hương vị thơm ngon và có tác dụng giúp giảm đau nhức cơ thể.

Những món ăn từ chân gà cung cấp nhiều dinh dưỡng và lành mạnh cho mẹ bầu nhưng cần lưu ý chế biến sạch sẽ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hy vọng bài viết trên đã giải đáp thỏa mãn thắc mắc liệu bà bầu ăn chân gà được không. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin về sức khỏe khi mang thai, mẹ nhé! 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin