Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều người lo sợ nên việc mua thịt về trữ đông 1 lần để ăn lâu dài là không tránh khỏi. Nhưng bạn đã bảo quản thịt trong tủ lạnh đúng cách và thời gian tối đa cho một lần trữ đông là bao nhiêu để đảm bảo sức khỏe?
Khi dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan tỏa trên diện rộng thì có hàng triệu gia đình đang lo lắng vì sợ ăn nhầm thịt bẩn, thịt nhiễm bệnh. Điều này làm gia tăng lượng người mua thịt sạch số lượng lớn ở các cửa hàng uy tín để tích trữ ở ngăn đông tủ lạnh ăn dần trong 1 - 2 tháng. Thậm chí, nhiều gia đình còn lầm tưởng tủ lạnh có thể bảo quản thức ăn bao lâu cũng được nên trong tủ lạnh lúc nào cũng đầy nghẹt thức ăn dự trữ từ ngày này qua ngày khác.
Nhưng nếu chưa có kiến thức về cách bảo quản thịt, thịt vẫn bị giảm chất lượng và bạn sẽ gặp những mối nguy gây hại sức khỏe khi ăn thịt không được bảo quản đúng cách.
Không thể loại bỏ thịt lợn ra khỏi danh sách các nguyên liệu chế biến món ăn, nhưng bạn cũng không nên mua lượng thịt lớn để về trữ đông lâu dài. Theo TS Nguyễn Huy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm cho biết, tủ lạnh thường chỉ có tác dụng tạm ngưng và làm chậm quá trình phát triển vi khuẩn trong một khoảng thời gian nhất định chứ không thể bảo quản thực phẩm vĩnh viễn.
Nếu nhà nước có phương án xây dựng kho quốc gia bảo quản lạnh như đề xuất của Bộ NN&PTNT, với nhiệt độ lên tới -50 độ C thì thịt lợn có thể bảo quản được 6 tháng đến 1 năm. Nhưng tủ lạnh thông thường ở các hộ gia đình với mức nhiệt chỉ từ -12 đến -18 độ C thì chỉ bảo quản thịt tối đa 2 - 3 tuần. Đây là thời gian hợp lý để thịt vẫn giữ độ tươi ngon và chất dinh dưỡng, nếu để lâu hơn thịt sẽ mất chất.
TS Thịnh cũng lưu ý thêm, thời gian 2 - 3 tuần chỉ áp dụng cho chất lượng thịt tốt, thịt mới giết mổ, tươi mới. Nếu người dân mua thịt bày bán ở chợ nhiều tiếng đồng hồ, đã bị nhiễm khuẩn thì thời gian bảo quản sẽ ngắn hơn.
Để rã đông hiệu quả, TS Thịnh khuyến cáo có thể rã đông bằng lò vi sóng, hay đơn giản hơn là bỏ thịt đông xuống ngăn mát tủ lạnh trước nửa ngày hoặc rã đông ở nhiệt độ thường vài tiếng trước khi chế biến.
Bên cạnh đó, thịt sau khi đã rã đông cũng không nên cấp đông trở lại dù không dùng hết. Vì khi rã đông, vi khuẩn đã phát triển trở lại và nhiễm thêm vi khuẩn mới, ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.
Do đó, trước khi bảo quản trong ngăn đông, cần chia thịt thành từng miếng nhỏ hoặc theo nhu cầu sử dụng của 1 lần rồi gói riêng, cất riêng thành từng hộp nhỏ.
Độ lạnh trong ngăn mát không thể tiêu diệt vi khuẩn mà chỉ làm chậm sự phát triển của chúng. Ngăn mát thường có dung tích lớn nhất và trữ nhiều loại thực phẩm nhất. Nếu sử dụng sai cách, bạn có thể biến tủ lạnh nhà mình thành ổ chứa vi khuẩn do bị nhiễm chéo.
Theo BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, không nên để thức ăn sống cùng với thức ăn chín vì sẽ rất dễ nhiễm vi khuẩn.
Trong trường hợp bạn phải để thực phẩm ở ngăn mát để dùng ngay hoặc để rã đông, nên bảo quản nó trong hộp kín và tách biệt với các thực phẩm khác. Do ngăn mát có độ lạnh không đều, ngăn dưới lạnh hơn ngăn trên, trong cùng ngăn thì bên trong lạnh hơn bên ngoài, nên với những thực phẩm dễ hỏng, bạn nên ưu tiên để ở vị trí lạnh hơn.
Hoàng Minh
Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh
Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.