Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh Brucellosis: Những thông tin quan trọng cần biết

Ngày 28/12/2023
Kích thước chữ

Brucellosis là bệnh truyền nhiễm, khó phân biệt và khó chẩn đoán với các bệnh lý nhiễm trùng khác. Bệnh được thấy phổ biến ở những quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt ở Châu Á, Trung Đông, Đông và Bắc Phi, Mỹ La tinh. Vậy bệnh Brucellosis là gì? Có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào?

Bệnh Brucellosis hay còn gọi là sốt làn sóng, sốt Địa Trung Hải, sốt Malta hoặc Gibraltar, được lây truyền từ động vật sang người qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc các sản phẩm từ động vật đó. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Brucellosis được xem là một trong những bệnh lây truyền từ động vật sang người không được quan tâm nhất.

Nguyên nhân gây bệnh Brucellosis

Bruscella sp là các vi khuẩn gram âm, nội bào, hiếu khí đã gây ra bệnh Brucellosis hay còn gọi là bệnh Brucella. Vi khuẩn Brucella có đặc điểm không nhân lên bên ngoài vật chủ, nhưng có thể tồn tại trong thai (bị sảy) hoặc nhau thai đông lạnh nhiều năm, tồn tại trong điều kiện ẩm ở nhiệt độ 10 - 15°C nhiều tháng và tồn tại ở nhiệt độ 45 - 50°C trong nhiều giờ.

Các sinh vật gây bệnh Brucellosis cho con người là B. melitensis (từ dê và cừu), B. suis (từ lợn), B. abortus (từ gia súc). Riêng vi khuẩn B. canis (từ chó) gây ra các ca bệnh lẻ tẻ. Trong số các loài Brucella, B. melitensis và B. suis hay gây bệnh hơn.

Tuy bệnh Brucellosis khá nguy hiểm nhưng chỉ lây từ động vật sang người mà không lây từ người sang người.

Bệnh Brucellosis: Những thông tin quan trọng cần biết 1
Bruscella sp là các vi khuẩn gram âm, nội bào, hiếu khí đã gây ra bệnh Brucellosis

Triệu chứng Brucellosis

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài trung bình khoảng 2 tuần, một số bệnh nhân có thời kỳ ủ bệnh có thể ngắn, kéo dài khoảng vài ngày hoặc vài tháng.

Bệnh khởi phát cấp tính với các triệu chứng hay gặp là sốt cao, nổi cơn ớn lạnh, gai lạnh, cơn rét run. Kèm theo sốt thường là các triệu chứng toàn thân khác như đau mỏi người, đau lưng, đau mỏi cơ xương khớp, mệt mỏi, khó chịu. Các triệu chứng này cũng giống như các bệnh nhiễm trùng khác nên khó phân biệt. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bệnh có thể khởi phát từ từ, kéo dài và các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, đau nhức cơ, chán ăn, ngủ kém, sốt thất thường, đặc biệt là sốt về chiều tối,… Triệu chứng sốt khi bị Brucellosis thường kéo dài từ 1 đến 5 tuần, một số người bệnh có thể giảm sốt một thời gian, sau đó sốt quay trở lại và lặp lại chu kỳ trên.

Khi bệnh ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng bệnh biểu hiện ở nhiều cơ quan. Chẳng hạn triệu chứng rối loạn tiêu hóa (chán ăn, sụt cân, đau vùng bụng, kèm theo táo bón hoặc có thể tiêu chảy); lách to, gan to; áp xe gan. Có trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng dẫn lưu não thất - ổ bụng trong phúc mạc hoặc bị viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát. Sản phụ có thể bị sảy thai, nam giới có thể bị viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn.

Triệu chứng khác có thể gặp như ho, khó thở, đau ngực kiểu màng phổi. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chụp X-quang ngực không ghi nhận tổn thương trên phim.

Những bệnh nhân bị bệnh Brucellosis nặng xuất hiện triệu chứng viêm màng não, viêm não. Triệu chứng thần kinh này có thể từ nhẹ như đau đầu, buồn nôn, thay đổi tính tình đến nặng như rối loạn ý thức, hôn mê.

Có thể gặp hội chứng Guillain-Barre, xuất huyết dưới nhện, được chẩn đoán dựa vào biến loạn dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ não, chụp cắt lớp và các thăm dò thần kinh khác.

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là triệu chứng rất nặng với các biểu hiện sốt kéo dài, sốt thất thường, thiếu máu, đau tức ngực, khó thở, nghe thấy tiếng thổi tại tim. Có thể thấy bất thường hình thái khi siêu âm Doppler tim và van tim. Bệnh nhân có thể tử vong do viêm nội tâm mạc nếu không điều trị kịp thời.

Ngoài ra bệnh còn biểu hiện trên da như viêm da, nổi ban sần đỏ, nổi ban xuất huyết với các tổn thương không đặc hiệu.

Do bệnh Brucellosis khó chẩn đoán và khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác nên có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các biến chứng gồm:

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn;
  • Viêm khớp;
  • Nam giới bị viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn;
  • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

Đường lây truyền Brucellosis

Những con đường có thể lây bệnh Brucellosis sang người gồm:

  • Sữa của động vật bị nhiễm bệnh xuất hiện trực khuẩn Brucella. Nếu nguồn sữa đó không được tiệt trùng, khi chế biến sữa thành các sản phẩm như sữa tươi, phô mai, bơ, kem sẽ trở thành nguồn lây bệnh cho người sử dụng các sản phẩm này.
  • Trực khuẩn Brucella không những có ở trong sữa mà còn xuất hiện trong các mô, cơ quan của động vật bị nhiễm bệnh. Khi sử dụng thực phẩm từ thịt và nội tạng của động vật bị nhiễm bệnh chưa được nấu chín hoặc chưa được chế biến kỹ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Con đường xâm nhập vào cơ thể người của trực khuẩn Brucella có thể qua các vết thương trên da, cụ thể là các vết thương hở, bị trầy xước hoặc tiếp xúc với máu, nước tiểu, dịch tiết, mô của động vật đang nhiễm bệnh. Ngoài ra nguyên nhân mắc bệnh có thể do hít phải vi khuẩn lưu hành trong không khí.
  • Bệnh Brucellosis không lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, một số trường hợp sinh con có thể lây từ mẹ sang con hoặc qua sữa mẹ khi nuôi con bú.
Bệnh Brucellosis: Những thông tin quan trọng cần biết 2
Chế phẩm từ sữa được làm từ sữa không tiệt trùng sẽ là nguồn lây bệnh cho người sử dụng

Đối tượng nguy cơ mắc Brucellosis

Mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh Brucellosis, cụ thể gồm các đối tượng sau:

  • Những đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn cả là những người thường tiếp xúc nhiều với các loài động vật (bác sĩ thú y, người chăn nuôi, nông dân, người giết mổ gia súc, người buôn bán gia súc gia cầm, chủ trang trại, thợ săn).
  • Những người thích đi du lịch, di chuyển thường xuyên, lên vùng rừng núi hoặc đi qua hay sống tại vùng đang có dịch bệnh lưu hành.
  • Các nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về động vật.
Bệnh Brucellosis: Những thông tin quan trọng cần biết 3
Bác sĩ thú y nằm trong nhóm đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn cả

Các phương pháp điều trị Brucellosis

Khi bị bệnh Brucellosis, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh bao gồm:

  • Doxycycline (Acticlate, Doryx, Adoxa, Monodox, Vibra-Tabs, Oracea, Vibramycin);
  • Streptomycin;
  • Ciprofloxacin (Cipro) hoặc Ofloxacin;
  • Rifampin (Rifadin);
  • Sulfamethoxazole/Trimethoprim (Bactrim);
  • Tetracycline;
  • Gentamycin.

Để ngăn ngừa bệnh tái phát, người bệnh phải uống kháng sinh trong nhiều tuần. Tình trạng tái phát thường xảy ra trong sáu tháng đầu tiên sau khi điều trị với tỷ lệ tái phát sau điều trị là khoảng 5 - 15%.

Mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, bệnh nhân mới hồi phục. Người bệnh có thể khỏi bệnh hoàn toàn nếu được điều trị trong vòng một tháng kể từ khi xuất hiện triệu chứng bệnh.

Phòng ngừa Brucellosis

Các biện pháp để phòng tránh bệnh Brucellosis gồm:

  • Uống sữa đã tiệt trùng để tránh vi khuẩn gây bệnh. Bạn không nên ăn pho mát ủ ít hơn 3 tháng hoặc được làm từ sữa sống.
  • Nên đeo kính và găng tay cao su khi tiếp xúc với động vật hoặc xác động vật có thể bị nhiễm để che chắn các vết thương. Rửa tay, dụng cụ sạch sẽ sau khi làm việc.
  • Hiện tại không có vaccine phòng ngừa bệnh Brucellosis cho người. Không dùng vaccine cho động vật cho người vì có thể gây nhiễm trùng cho người. Khả năng miễn dịch sau khi mắc bệnh chỉ kéo dài khoảng 2 năm.
  • Dùng thuốc kháng sinh sau khi tiếp xúc với nguồn có thể lây bệnh để phòng ngừa. Các loại thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc gồm rifampin, doxycycline, ciprofloxacin, streptomycin, sulfamethoxazole/trimethoprim hoặc tetracycline.
Bệnh Brucellosis: Những thông tin quan trọng cần biết 4
Bạn nên uống sữa đã tiệt trùng để tránh vi khuẩn gây bệnh

Tóm lại, bệnh Brucellosis là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và không có vaccine phòng bệnh cho người. Do đó những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh cần chú ý các biện pháp phòng tránh hoặc khi đã nhiễm bệnh cần điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin