Thuốc là thành phần chính khi điều trị bệnh, thế nhưng có tới 10-20% người sử dụng bị bệnh dị ứng thuốc, gây nhiều trở ngại cho việc điều trị.
1. Biểu hiện của bệnh dị ứng thuốc
Bệnh dị ứng thuốc là gì?
Dị ứng thuốc là tình trạng cơ thể phản ứng quá mức có hại cho người bệnh khi dùng hoặc tiếp xúc với thuốc, do đã từng có giai đoạn mẫn cảm. Bệnh dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng, nó có tính mẫn cảm chéo và hay xảy ra trên người có cơ địa dị ứng.
Biểu hiện của bệnh
Một số triệu chứng khi bệnh nhân bệnh dị ứng thuốc là: cơ thể bỗng nổi ban đỏ ngứa, nhất là các vùng quanh mắt, miệng, gan bàn chân, bàn tay và cả da đầu… Hoặc một số triệu chứng khác như bốc hỏa ở vùng mặt, trên ngực, có thể đi kèm với tình trạng ngạt, sổ mũi, đỏ mắt và chảy nước mắt…
Biểu hiện của dị ứng thuốc là bỗng nổi ban đỏ các vùng quanh mắt, mặt...
Ngoài ra, một số triệu chứng tiền dị ứng thuốc có biểu hiện như: người bệnh có cảm giác bồn chồn, lo lắng, toát mồ hôi sau khi dùng thuốc. Sau đó, có cảm giác khó thở như vướng gì đó ở họng. Tình trạng nặng hơn sẽ sốt cao tới 38 – 39 độ C, kèm theo cảm giác mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, thậm chí đau sưng khớp và nổi nhiều hạch. Đối với cơ địa từng người khác nhau, bệnh dị ứng thuốc có thể ở mức độ nhẹ tới nặng, thậm chí rất nặng, có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
2. Vì sao bị bệnh dị ứng thuốc
Histamine là một chất có sẵn trong cơ thể chúng ta như máu, các mô ở dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine, không có hoạt tính. Khi có chất lạ đi vào cơ thể người sẽ dễ bị dị ứng thì nối tĩnh điện bị cắt đứt. Điều này làm histamine được phóng thích tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn cơ thể, làm giãn mạch gây tụt huyết áp; tác động lên tim làm tim đập nhanh còn lên não sẽ gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ; lên hô hấp thì làm co thắt khí phế quản gây nghẹt thở…Vì thế các thuốc chống lại dị ứng thường được gọi chung là nhóm Anti- histamine.
3. Biện pháp điều trị đề phòng
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, mọi người cần nhớ không tùy ý sử dụng thuốc bất kì nếu không có hướng dẫn sử dụng và đơn thuốc bác sĩ. Bạn cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dung và không tự ý mua thuốc sử dụng, nhất là thuốc kháng sinh hay một số loại thuốc chuyên khoa đặc trị, cả thuốc nhỏ mắt hoặc bôi da cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Chủ động thông báo trực tiếp cho bác sĩ nếu cơ thể có dấu hiệu mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bệnh dị ứng thuốc cũng như có một số biểu hiện tiền dị ứng, bạn cần lập tức ngưng sử dụng thuốc và tới bệnh viện để điều trị. Lưu ý, không được tự điều trị ở nhà theo cảm tính hoặc bằng các phương pháp dân gian.
Bạn phải chủ động báo bác sĩ bạn dị ứng thuốc nào hoặc làm xét nghiệm để biết
Bệnh dị ứng thuốc có tác động khá nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh. Do đó, trước khi điều trị bệnh gì bạn phải chú ý mình dị ứng loại thuốc nào và sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ để tránh gặp phải biến chứng xấu.
Thanh Hoa