Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh máu khó đông có nguy hiểm không?

Ngày 28/03/2021
Kích thước chữ

Bệnh máu khó đông có nguy hiểm không là băn khoăn của rất nhiều người khi người bệnh thường gặp khó khăn trong việc cầm máu khi có vết thương một khi mắc bệnh máu khó đông.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi “Bệnh máu khó đông có nguy hiểm không”.

Bệnh máu khó đông là gì?

Bệnh máu khó đông hay còn gọi là rối loạn đông máu di truyền (Hemophilia), được coi là một bệnh hiếm gặp. Bệnh máu khó đông khiến cho máu loãng, không đông lại được như bình thường. Có 3 loại bệnh máu khó đông:

  • Bệnh Hemophilia A (do thiếu yếu tố VIII)
  • Bệnh Hemophilia B (do thiếu yếu tố IX)
  • Bệnh Hemophilia C (tình trạng hiếm gặp 5%)

Để giải thích rõ hơn về các trường hợp máu khó đông thì các nhà khoa học cho biết rằng, yếu tố VIII hoặc yếu tố IX là các protein quan trọng giúp đông máu. Tuy nhiên, khi nồng độ 2 yếu tố này giảm quá thấp sẽ gây nên các rối loạn đông máu, dẫn đến máu loãng. Nếu mắc bệnh máu khó đông, người bệnh có thể bị chảy máu lâu bình thường một khi bị thương. Nguy hiểm hơn, nếu bị chảy máu trong cơ thể như ở đầu gối, mắt cá chân và khuỷu tay, chúng có thể ảnh hưởng đến nội tạng và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh máu khó đông khá đa dạng, bao gồm:

  • Chảy máu quá nhiều từ các vết thương hoặc sau phẫu thuật;
  • Chảy máu không rõ nguyên nhân;
  • Xuất hiện nhiều vết bầm tím lớn;
  • Sau khi tiêm chủng thì chảy máu bất thường;
  • Có máu trong nước tiểu hoặc phân;
  • Đau hoặc sưng các khớp xương.

Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập ở trên đây khi mắc bệnh máu khó đông.

Bệnh máu khó đông có nguy hiểm không 1Bệnh máu khó đông là một bệnh hiếm gặp.

Bệnh máu khó đông có nguy hiểm không?

Bệnh máu khó đông được đánh giá là một căn bệnh hết sức nguy hiểm. Nguyên nhân là bởi những vấn đề sau đây:  

Bệnh máu khó đông do di truyền

Nguyên nhân gây ra bệnh máu khó đông là do di truyền. Trẻ sinh ra có nguy cơ cao mang gen bệnh và có thể tiếp tục di truyền cho thế hệ sau nếu không chú ý tầm soát và sàng lọc trước sinh. Bởi vậy, mức độ nguy hiểm của căn bệnh này rất lớn khi nó có thể di truyền sang cả thế hệ tiếp theo.

Tỷ lệ chẩn đoán, điều trị không cao

Ước tính có trên 6.200 người mắc bệnh máu khó đông trên toàn Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế số bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị chỉ nằm trong khoảng 50%. Người bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng khó lường như biến dạng khớp, tàn tật,... Trong khi đó, bệnh nhân hoàn toàn có thể sinh hoạt như người bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực.

Bệnh máu khó đông có nguy hiểm không 2Bệnh máu khó đông có nguy hiểm không? Bệnh gây nguy hiểm vì tỷ lệ chẩn đoán, điều trị không cao.

Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra

Người bị máu khó đông dễ bị chảy máu ở nhiều nơi trên cơ thể như nướu răng, đường tiêu hóa, bàng quang, trong cơ bắp,... Bệnh nhân có thể thấy những vết bầm ở nơi dễ va chạm như cánh tay, cẳng chân, khuỷu tay, khớp gối, cổ chân và vai. Nguy hiểm hơn cả là chảy máu trong khớp. Nếu không được điều trị sớm bằng cách bù yếu tố đông máu bị thiếu hụt thì khớp của bệnh nhân sẽ bị ứ máu, sưng đỏ, nóng đau, sau đó dẫn tới viêm khớp thoái hóa bán cấp và mãn tính, gây biến dạng khớp.

Nghiêm trọng hơn nữa, với chỉ một chấn thương rất nhỏ như đứt tay, người bị bệnh máu khó đông cũng có thể chảy máu không kiểm soát, tàn tật hoặc nguy hiểm tới tính mạng.

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị máu khó đông triệt để

Cho đến thời điểm hiện tại, máu khó đông vẫn là căn bệnh chưa có biện pháp chữa trị tận gốc. Việc điều trị chủ yếu phụ thuộc vào việc bổ sung yếu tố đông máu suốt đời cho bệnh nhân. Đồng thời, hầu hết bệnh nhân máu khó đông khi tới các bệnh viện lớn đều là khi bệnh đã diễn biến nặng, khớp sưng to, đau buốt. Việc điều trị vào lúc này cũng rất tốn kém và cần thời gian lâu dài.  

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, phần lớn bệnh nhân máu khó đông tử vong trước năm 13 tuổi. Ngược lại, người bệnh có thể sống lâu như người bình thường nếu được điều trị đúng cách. Mặc dù vậy, thực tế tại Việt Nam, các trường hợp mắc bệnh máu khó đông thường được phát hiện muộn và không có điều kiện chữa trị nên tuổi thọ trung bình của họ chỉ vào khoảng 24 tuổi.

Bệnh máu khó đông có nguy hiểm không 3Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách điều trị triệt để máu khó đông.

Mặc dù vô cùng hiếm gặp nhưng bệnh máu khó đông được đánh giá là một trong những căn bệnh nguy hiểm bậc nhất vì không thể điều trị triệt để, tiềm ẩn nguy cơ tàn tật và thậm chí là gây tử vong sớm. Do đó, công tác tầm soát và phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm thiểu mức độ nguy hiểm của bệnh máu khó đông.

Hường

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:máu khó đông