Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Cần làm gì khi vết thương chảy máu không ngừng? Cách sơ cứu khi bị thương

Ngày 11/08/2024
Kích thước chữ

Vết thương chảy máu không ngừng là tình trạng cần được xử lý ngay lập tức, vì nó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì sao vết thương chảy máu không ngừng và làm thế nào để sơ cứu? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Vết thương chảy máu không ngừng là một tình trạng y khoa cấp tính và đáng lo ngại, đòi hỏi phải được xử lý kịp thời và đúng cách. Nếu không được chăm sóc ngay lập tức, vết thương này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Quá trình đông máu hoạt động như thế nào?

Quá trình đông máu là một cơ chế bảo vệ sinh lý bình thường của cơ thể, nhằm ngăn chặn mất máu gây ảnh hưởng đến huyết áp, tuần hoàn và tính mạng. Nó diễn ra theo 4 giai đoạn chính:

  • Mạch máu co lại: Khi có tổn thương, các mạch máu nhỏ tại chỗ sẽ co nhỏ lại để hạn chế lưu lượng máu đến khu vực bị ảnh hưởng và lượng máu chảy ra ngoài.
  • Hoạt động của tiểu cầu: Tại vị trí thành mạch bị tổn thương, các tín hiệu hóa học sẽ thu hút tiểu cầu đến và kết dính lại với nhau.
  • Hoạt động của protein trong máu: Các protein của yếu tố đông máu sẽ kích thích sản xuất ra fibrin, một chất giống như sợi tạo thành cục máu đông.
  • Tan máu đông: Sau khi cục máu đông lấp kín vùng mạch máu bị tổn thương, nó sẽ bị sẹo hóa và tan dần để lòng mạch được thông thoáng, mạch máu tiếp tục hoạt động bình thường.

Quá trình đông máu là một cơ chế tự nhiên và quan trọng của cơ thể, giúp duy trì sự toàn vẹn của hệ thống tuần hoàn máu.

Vì sao vết thương chảy máu không ngừng và cách sơ cứu khi bị thương 1
Quá trình đông máu là cơ chế bảo vệ bình thường của cơ thể

Chảy máu bất thường là tình trạng quá trình đông máu diễn ra không theo quy luật sinh lý bình thường. Nguyên nhân có thể do thiếu hụt tiểu cầu hoặc các yếu tố đông máu khác.

Tuy nhiên, lượng máu chảy và thời gian cầm máu phụ thuộc vào vị trí, độ sâu và hình dạng của vết thương. Điều này khiến việc xác định ngưỡng thời gian cụ thể của triệu chứng chảy máu kéo dài trở nên khó khăn.

Nguyên nhân dẫn đến vết thương chảy máu không ngừng

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chảy máu không ngừng và khó cầm máu. Những nguyên nhân này có thể bắt nguồn từ yếu tố di truyền, tình trạng sức khỏe bên trong cơ thể người bệnh, hoặc do tác động từ môi trường bên ngoài.

  • Rối loạn đông máu là một trong những nguyên nhân quan trọng. Đây là những bệnh lý bất thường về các yếu tố đông máu, thường di truyền trong gia đình như bệnh Hemophilia hay bệnh Von Willebrand.
  • Giảm số lượng tiểu cầu cũng có thể dẫn đến chảy máu kéo dài. Tình trạng này có thể gặp trong các bệnh lý như xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, suy tủy xương, nhiễm trùng mạn tính hoặc tiền sản giật ở phụ nữ mang thai.
  • Yếu tố liên quan đến thành mạch máu cũng là một nguyên nhân quan trọng. Thành mạch yếu, xơ vữa hoặc quá mỏng sẽ dễ bị tổn thương và khó co lại khi có chảy máu, gây ra chảy máu kéo dài. Điều này thường gặp ở người cao tuổi, suy dinh dưỡng hoặc gầy yếu.
  • Một số loại thuốc như aspirin, clopidogrel hoặc heparin, warfarin cũng có thể gây ra chảy máu không cầm nếu sử dụng với liều quá cao. Những loại thuốc này thường được dùng để dự phòng tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
  • Người mắc các bệnh lý về gan, như xơ gan hoặc suy gan, cũng dễ gặp vấn đề chảy máu kéo dài do chức năng gan suy giảm, không đủ khả năng tổng hợp các yếu tố đông máu.
  • Thiếu vitamin K là một nguyên nhân khác, vì vitamin K đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Tình trạng thiếu vitamin K có thể do rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kém hấp thu, sử dụng kháng sinh kéo dài hoặc bệnh gan mật.
  • Cuối cùng, sốt xuất huyết cũng có thể gây ra chảy máu kéo dài do giảm tiểu cầu nặng, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Vì sao vết thương chảy máu không ngừng và cách sơ cứu khi bị thương 2
Giảm số lượng tiểu cầu cũng có thể dẫn đến vết thương chảy máu không ngừng

Các bệnh lý liên quan khi chảy máu không ngừng

Chảy máu lâu cầm có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng. Một số tình trạng sức khỏe liên quan đến tình trạng này bao gồm:

  • Xơ gan và suy gan: Những bệnh lý liên quan đến gan có thể dẫn đến rối loạn đông máu và chảy máu kéo dài.
  • Rối loạn đông máu bẩm sinh: Các bệnh di truyền như bệnh Von Willebrand hoặc Hemophilia gây ra các vấn đề về đông máu, dẫn đến chảy máu khó cầm.
  • Các bệnh liên quan đến huyết học: Bạch cầu cấp, suy tủy xương và xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch cũng có thể gây ra tình trạng chảy máu lợi kéo dài.
  • Nhiễm khuẩn huyết: Các nhiễm trùng nghiêm trọng trong máu có thể dẫn đến rối loạn đông máu và chảy máu khó cầm.
Vì sao vết thương chảy máu không ngừng và cách sơ cứu khi bị thương 3
Vết thương chảy máu không ngừng có thể là biểu hiện của bệnh xơ gan

Vì vậy, nếu gặp phải tình trạng chảy máu kéo dài và khó cầm, cần được kiểm tra và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Vết thương chảy máu không ngừng có nguy hiểm không?

Vết thương chảy máu không ngừng là tình trạng đáng lo ngại và cần được chăm sóc cấp thiết. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng:

  • Suy tuần hoàn: Mất nhiều máu sẽ gây rối loạn lưu thông máu, ảnh hưởng đến sự cung cấp oxy và dinh dưỡng cho các cơ quan.
  • Hạ huyết áp: Huyết áp giảm mạnh do mất nhiều máu có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
  • Giảm tưới máu não: Thiếu máu lên não có thể dẫn đến tổn thương không thể hồi phục.
  • Giảm tưới máu thận: Mất nhiều máu sẽ ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận, dẫn đến suy thận.

Cách sơ cứu khi vết thương chảy máu không ngừng

Cách sơ cứu vết thương chảy máu không ngừng:

  • Bước 1: Di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm gây chảy máu.
  • Bước 2: Rửa nhẹ nhàng vết thương bằng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc nước sát khuẩn.
  • Bước 3: Sử dụng gạc vô khuẩn, vải sạch hoặc quần áo sạch để băng ép chặt vết thương, giữ nguyên tư thế.
  • Bước 4: Nhanh chóng gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Vì sao vết thương chảy máu không ngừng và cách sơ cứu khi bị thương 4
Nên sử dụng gạc vô khuẩn để băng ép chặt vết thương

Khi xử lý trường hợp chảy máu không cầm, cần tránh các hành động sau:

  • Không tự ý rút dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhân nếu chảy máu do dị vật đâm thủng. Việc này có thể làm tình trạng chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Không bỏ tay đang giữ vết thương hoặc thay gạc cầm máu mới. Việc này có thể khiến máu lại chảy ra.
  • Không bôi bất kỳ thuốc hoặc lá gì lên vết thương. Việc này có thể gây ra các phản ứng không mong muốn.
  • Không dùng băng quá chặt gây cản trở lưu thông máu, dẫn đến tình trạng lạnh đầu chi và hoại tử.

Thay vào đó, cần giữ vết thương bằng cách ấn mạnh vào nó để cầm máu và tìm cách đưa nạn nhân đến cơ sở y tế sớm nhất có thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Chảy máu không ngừng và khó cầm là tình trạng cấp cứu, vì vậy cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức để được chăm sóc kịp thời. Không nên tự ý cầm máu tại nhà vì vết thương có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến mất máu quá nhiều. Đặc biệt, hãy đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu sau:

  • Vết thương nghiêm trọng.
  • Máu liên tục chảy mà không ngừng.
  • Người dễ chảy máu, như chảy máu cam.
  • Người bệnh sốt xuất huyết kèm theo các triệu chứng như rong kinh kéo dài trên 7 ngày, cường kinh, chảy máu giữa chu kỳ, nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.

Địa chỉ khám chữa khi vết thương chảy máu không ngừng

Nếu gặp phải những dấu hiệu chảy máu khó cầm, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín gần nhất, chẳng hạn như:

  • Tại TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Vết thương chảy máu không ngừng là một tình trạng y khoa cấp tính và đáng lo ngại, vì vậy việc chăm sóc sơ cứu kịp thời là rất cần thiết. Cần áp dụng các biện pháp như băng ép và đưa người bị thương đến cơ sở y tế để được chăm sóc chuyên nghiệp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng, giữ an toàn cho tính mạng người bị thương.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin