Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh rung giật nhãn cầu bẩm sinh là gì?

Ngày 05/07/2022
Kích thước chữ

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh xuất hiện lúc trẻ còn nhỏ và thường phát hiện khi trẻ mới sinh hoặc khi trẻ được 6 đến 12 tuần tuổi. Rung giật nhãn cầu là tình trạng mà mắt nhìn không cố định, khiến trẻ không thể kiểm soát được.

Rung giật nhãn cầu chỉ các vận động dao động lặp đi lặp lại của nhãn cầu, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt tuy nhiên không do chủ ý của cơ thể. Rung giật này có thể là những dao động ngang, dọc hoặc thậm chí là những dao động xoay tròn. Khi bị rung giật nhãn cầu còn làm cho trẻ không thể nhìn rõ vật thể và có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng nhìn sau này.

Bình thường để chúng ta nhìn rõ được một vật, cần sự phối hợp của ba yếu tố chính. Bao gồm: Sự định thị vị trí của hệ thống thị giác, sự phản xạ tiền đình mắt và sự phối hợp các dây thần kinh điều chỉnh cơ vận nhãn. Khi có sự mất cân bằng của những yếu tố này sẽ dẫn đến tình trạng nhãn cần bị rung giật bất thường.

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh là gì?

Rung giật nhãn cầu là hiện tượng chuyển động bất thường theo nhịp của mắt, dao động của nhãn cầu bị lặp lại, có nhịp, có chu kỳ và không chủ ý. Tình trạng chuyển động rung giật nhãn cầu này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Hiện tượng này có thể do sự bất thường của hệ thống tiền đình (liên quan đến tai trong) hoặc có liên quan tới sự bất thường một phần hoặc toàn bộ hệ thống thị giác (liên quan đến mắt).

Đối với rung giật nhãn cầu bẩm sinh, thường xuất hiện lúc trẻ còn nhỏ khoảng 6 đến 12 tuần tuổi. Tình trạng này thường liên quan đến tình trạng thị lực kém do nguyên nhân tại cơ quan mắt như đục thể thủy tinh bẩm sinh, mắt lác và thiểu sản thần kinh thị giác… Tình trạng này có thể do di truyền và thường được phát hiện khi trẻ dưới 1 tuổi. Nếu bệnh được chẩn đoán mức độ nhẹ thường không cần điều trị cũng như thường không gây ra bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nặng có thể gây khó khăn cho quá trình nhìn và cần có các biện pháp khắc phục.

Bệnh rung giật nhãn cầu bẩm sinh là gì?1 Rung giật nhãn cầu bẩm sinh thường liên quan đến tình trạng thị lực kém tại cơ quan mắt

Đặc điểm rung giật nhãn cầu bẩm sinh

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh xuất hiện vào lúc trẻ sinh ra và khi bị tình trạng này, hai mắt của trẻ chuyển động cùng nhau khi chúng đưa qua đưa lại – tương tự như chuyển động lắc lư của quả lắc. Hầu hết các loại rung giật nhãn cầu bẩm sinh cũng được phân loại là các dạng mắt lé, có nghĩa là mắt trẻ không nhất thiết hoạt động cùng nhau vào mọi lúc. Dưới đây là một số đặc điểm nhận biết:

  • Thị lực nhìn gần tốt hơn so với nhìn xa. Một số trường hợp thị lực có thể vẫn tốt, trường hợp thị lực kém khi có kèm theo những tổn hại đường dẫn truyền thị giác hướng tâm như: Bạch tạng, mù màu, mù bẩm sinh Leber, đục thể thủy tinh, không có mống mắt, bệnh lý võng mạc bẩm sinh...
  • Rung giật nhãn cầu cùng hướng, theo chiều ngang và được duy trì ngay cả khi nhìn lên hoặc nhìn xuống, có thể liên tục hoặc ngắt quãng, rung giật theo kiểu quả lắc hay lò xo ở nhiều hướng nhìn khác nhau.
  • Rung giật nhãn cầu trở thành kiểu lò xo khi nhìn sang hai bên. Tốc độ pha nhanh cùng hướng với hướng nhìn và tăng dần tốc độ ở pha chậm khi được phát hiện qua máy ghi chuyển động nhãn cầu.
  • Tuy nhiên, tình trạng này có thể có vùng trung hòa. Tại đó, rung giật nhãn cầu có thể giảm hoặc hết. Ở vùng này, rung giật nhãn cầu theo kiểu quả lắc hoặc lò xo, khi thì hết rung giật, khi thì có sự thay đổi hướng đột ngột và không có hãm.
  • Rung giật nhãn cầu giảm hoặc mất khi quy tụ, rung giật tăng lên khi định thị hoặc khi tập trung vào vật tiêu, mất đi khi ngủ hoặc khi gây mê.
  • Thường có thể gặp kèm theo tình trạng lác và có tật khúc xạ đi kèm.
  • Rung giật nhãn cầu ẩn là hình thái rung giật chỉ xuất hiện khi che một mắt, cần chú ý đo thị lực cho những trường hợp có rung giật ẩn bởi vì khi che một mắt sẽ gây rung giật nhãn cầu và giảm thị lực ở mắt không được che. Lúc này, có thể dùng kính cộng hoặc kính sương mờ số cao để che mắt khi kiểm tra thị lực.
Bệnh rung giật nhãn cầu bẩm sinh là gì?2 Rung giật nhãn cầu bẩm sinh cũng được phân loại theo dạng mắt lé

Nguyên nhân rung giật nhãn cầu bẩm sinh

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh có thể không tìm ra nguyên nhân gây ra khiếm khuyết cảm thụ thị giác. Tình trạng này thường xuất hiện do bất thường của hệ vận nhãn. Do đó, khi kiểm tra trẻ không bị tổn thương ở hoàng điểm, võng mạc và thị thần kinh nên thị lực vẫn tốt.

Hội chứng rung giật nhãn cầu bẩm sinh còn có thể là do di truyền. Mắt trẻ có xu hướng di chuyển theo kiểu xoay ngang. Lúc này bệnh thường xuất hiện trong vòng 2 – 3 tháng đầu đời của trẻ, bệnh thường xảy ra ở 1 hoặc 2 mắt. Dạng này thường nhẹ và thường do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây ra. Do đó, trẻ cần được đến bệnh viện uy tín thăm khám nhằm tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn cũng như có hướng điều trị kịp thời.

Điều trị rung giật nhãn cầu bẩm sinh

Đôi khi, rung giật nhãn cầu bẩm sinh sẽ giảm dần khi trẻ lớn dần và không cần áp dụng một biện pháp can thiệp điều trị nào. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn dần nhưng không khỏi, ở thể nhẹ thì có thể áp dụng một số biện pháp làm giảm rung giật nhãn cầu đơn như:

  • Đeo mắt kính thông thường, chú ý không được đeo kính áp tròng cho trẻ, vì khi nhãn cầu rung giật cọ sát giữa kính và giác mạc sẽ dễ gây tổn thương giác mạc.
  • Thiết kế vật dụng và không gian trong nhà thoáng, tránh gây rối tầm nhìn của trẻ và điều kiện trong nhà nên đủ ánh sáng.
  • Có thể cho trẻ sử dụng những loại sách có in kích thước chữ lớn và tăng kích thước chữ trong máy tính hoặc điện thoại.
Bệnh rung giật nhãn cầu bẩm sinh là gì?3 Trẻ bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh cần được đến bệnh viện uy tín thăm khám kịp thời

Nếu trường hợp nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực cũng như chất lượng cuộc sống, bệnh có thể cần phải được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Phương pháp này thường làm giảm các vị trí vô hiệu, hạn chế trẻ phải nghiêng đầu và cải thiện tính thẩm mỹ cho trẻ. Bên cạnh đó, một số trẻ bị rung giật nhãn cầu được điều trị thành công bởi phương pháp phản hồi sinh học. Phương pháp này là một kỹ thuật liên quan trí não và cơ thể.

Trên đây là một số thông tin về bệnh rung giật nhãn cầu bẩm sinh. Hi vọng với những kiến thức trên đây, các bậc phụ huynh có thể nhận biết bệnh tình của con trẻ một cách sớm nhất và có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.