Bệnh mù màu còn được gọi là rối loạn sắc giác, là một bệnh lý về mắt với biểu hiện đặc trưng là làm cho người bệnh không thể phân biệt được một số màu sắc với nhau dù vẫn có thể nhìn rõ mọi vật.
Biểu hiện bệnh mù màu
Ánh sáng mặt trời được chia thành 3 nhóm màu chính là màu đỏ (630nm), màu vàng - lục (520nm), màu cam - tím (450nm). Bình thường, mắt có khả năng phân biệt được màu sắc do sự cảm giác màu ứng với mỗi bước sóng riêng biệt nhờ ba bộ tế bào nón của mắt, mỗi tế bào sẽ nhạy cảm nhất với một bước sóng nhất định. Ứng với bộ ba tế bào là bộ ba màu sắc với bước sóng khác nhau: Đỏ (575nm), xanh lục (540nm), tím (430nm). Bệnh mù màu chính là do các tế bào này mất khả năng nhận biết, mẫn cảm với màu sắc.
Người mắc bệnh mù màu có các triệu chứng chủ yếu về sự nhầm lẫn màu sắc. Bệnh nhân không có khả năng phân biệt một số màu nhất định, nhưng với những màu sắc còn lại vẫn phân biệt được. Triệu chứng này tùy vào thể bệnh mù màu, có thể mù màu đỏ - xanh lục hoặc xanh lục - vàng hoặc mù đa sắc cả với ba màu này. Trong đó mù màu đỏ - xanh lục là phổ biến nhất. Những người mù hai màu thường hay nhầm lẫn màu đỏ và màu xanh lá với nhau, ví dụ như người bệnh khó phân biệt được hai quả táo đỏ, quả táo xanh với nhau, hoặc màu đỏ với màu xanh của đèn giao thông.
Hiểu đơn giản thì bệnh mù màu là người bệnh nhìn màu này trong khi người bình thường sẽ nhìn ra màu khác
Trường hợp nặng, mù màu đa sắc làm người mắc không nhìn thấy màu gì khác, mọi vật đều chỉ có màu đen và trắng. Vì bệnh không gây nhiều triệu chứng nguy hiểm gì nên nhiều trẻ nhỏ đôi khi không biết bản thân bị mù màu do mắc từ bé, đã thích nghi với môi trường, đến tận khi đi học mới phát hiện ra.
Mù màu có nguy hiểm không?
Như mô tả bên trên, bệnh mù màu chỉ gây nên các triệu chứng về sự khó khăn trong nhận biết màu sắc mà hoàn toàn không gây giảm thị lực. Do đó, bệnh không gây nguy hiểm tính mạng ngay, mà chủ yếu gây ra các trở ngại trong cuộc sống thường ngày cũng như trong công việc. Đối với trẻ nhỏ, mù màu làm ảnh hưởng quá trình học tập của trẻ.
Với người lớn, bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, từ những việc đơn giản như chọn hoa quả, hay quần áo, hay chọn nhầm vật dụng,… đến những nhầm lẫn, tai nạn nghiêm trọng như gây tai nạn giao thông do nhầm màu đèn, ảnh hưởng đến các công việc quân sự hay cứu hộ (nhận nhầm phao hiệu),…
Tuy nhiên có nhiều người mắc bệnh thường bị từ nhỏ, bẩm sinh, họ có cách nhận biết phân biệt màu dựa trên hình ảnh khác. Ví dụ như để nhận biết đèn giao thông thay vì dựa màu sắc, họ nhận biết dựa vào vị trí ở trên cùng, ở giữa, ở dưới cùng hoặc với đèn giao thông nằm ngang bên trai, ở giữa, hay bên phải.
Bệnh cũng gây trở ngại trong lựa chọn công việc với người bệnh. Ở nhiều quốc gia, mù màu có thể khiến người mắc không đủ điều kiện làm một số công việc như bộ đội công an, phi công lái máy bay, lái tàu hỏa,…
Test mù màu hay được sử dụng để phát hiện bệnh
Bệnh mù màu có chữa được không?
Câu trả lời cho câu hỏi "bệnh mù màu có chữa được không" hiện tại là "không". Thực tế hiện nay chưa có phương pháp nào được chứng minh, công nhận có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn bệnh mù màu. Tuy nhiên, có các biện pháp hỗ trợ, khắc phục bớt hậu quả của mù màu gây ra như sau:
-
Đối với trẻ nhỏ bị mù màu, cần được thông báo đến nhà trường, giáo viên phụ trách về tình trạng khó khăn mà trẻ gặp phải về việc phân biệt màu sắc, để có sự hỗ trợ, thay đổi một số dụng cụ học tập, phương pháp giảng dạy để phù hợp với trẻ hơn. Ở lớp mầm non, do trẻ còn nhỏ chưa có sự thích nghi, thầy cô cần chú ý quan tâm hơn đến trẻ để giúp trẻ tránh phải tai nạn không đáng có do sự nhầm lẫn màu sắc.
-
Đối với bệnh mù màu do nguyên nhân tác dụng phụ của thuốc hoặc do biến chứng bệnh nền cũ, bệnh có thể cải thiện được khi ngừng dùng thuốc hoặc kiểm soát được bệnh nguyên gây ra.
-
Kính lọc màu với tính năng làm tăng độ tương phản giữa các màu sắc mà người bệnh không phân biệt được, nhờ đó giúp người bệnh có thể dễ dàng nhận biết màu sắc hơn. Đây là một sản phẩm mới được nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống cho người mắc mù màu. Tuy nhiên, cần lưu ý vai trò của kính lọc màu chỉ hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng, chứ không có khả năng điều trị triệt để căn nguyên bệnh.
-
Bên cạnh biện pháp hỗ trợ trên, điều quan trọng hơn nữa là người bệnh, đặc biệt là người mù màu nặng nhiều màu, cần học tìm cách sống chung thích nghi cùng với tình trạng kém phân biệt màu sắc này. Thay vì nhớ màu đèn, chúng ta học ghi nhớ thứ tự vị trí của đèn giao thông, nhờ vậy người bệnh có thể tuân thủ đúng luật an toàn giao thông dù trong tình trạng không thể nhận biết được các màu của đèn.
Bệnh mù màu có chữa được không? Đáp án là không thể chữa hết triệt để
Phòng tránh bệnh mù màu
Vì là bệnh không thể điều trị triệt để nên việc phòng tránh mắc bệnh cần được đặt lên hàng đầu. Để phòng tránh mắc bệnh mù màu, chúng ta áp dụng các biện pháp sau:
-
Khám, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân như kiểm tra bộ nhiễm sắc thể, sơ đồ phả hệ trước khi kết hôn. Điều này là cần thiết đối với gia đình từng có người mắc vì bệnh mù màu bẩm sinh là bệnh di truyền, gen bệnh là gen lặn nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X.
-
Khi tiếp xúc, làm việc môi trường nhiều hóa chất cần có trang thiết bị đầy đủ, bảo hộ cho mắt.
-
Không tự ý sử dụng các thuốc theo kinh nghiệm mà không do bác sĩ ra chỉ định.
-
Điều trị, kiểm soát các bệnh lý nội khoa có thể dẫn đến mù màu như đái tháo đường, tăng nhãn áp, một số bệnh lý tim mạch,…
-
Khi có vấn đề về thị lực, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc tiến hành thăm khám kiểm tra ngay.
Nếu bạn không may gặp phải dấu hiệu khó phân biệt màu sắc, điều cần làm ngay là hãy đến bệnh viện, cơ sở y tế kiểm tra để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác và sớm nhất. Trẻ nhỏ trước khi đi học cần được kiểm tra toàn diện về mắt gồm đánh giá thị lực và phân biệt màu. Nhà thuốc Long Châu hy vọng rằng bài viết này đã giải đáp được thắc mắc cho bạn đọc về vấn đề: "Bệnh mù màu có chữa được không?".
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp