Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Lo lắng khi bị bệnh tim thiếu máu cục bộ liệu có thừa thãi?

Ngày 22/09/2017
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi được chẩn đoán mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ, hầu hết mọi người đều khá lo lắng. Tuy nhiên, bệnh sẽ không nguy hiểm nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ, hầu hết mọi người đều khá lo lắng. Tuy nhiên, bệnh sẽ không nguy hiểm nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?

Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi cơ tim bị suy yếu, nó là kết quả của bệnh mạch vành (thiểu năng vành, xơ vữa động mạch) hoặc do một cơn nhồi máu cơ tim. Trong bệnh mạch vành, động mạch cung cấp máu cho tim bị thu hẹp lại làm cho cơ tim không đủ máu để duy trì hoạt động và trở nên suy yếu nếu tình trạng thiếu máu diễn ra kéo dài.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra làm cho cơ tâm thất trái (buồng tim phía dưới bên trái) giãn ra, buồng tim tăng kích thước và yếu đi. Điều này làm giảm khả năng bơm máu của tim và dẫn đến suy tim nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng và nguyên nhân của bệnh tim thiếu máu cục bộ

Thiếu máu cơ tim giai đoạn nhẹ thường ít có triệu chứng rõ rệt. Thiếu máu cơ tim do bệnh mạch vành làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim, trong thời gian dài sẽ gây ra các triệu chứng bao gồm:

–  Rất mệt mỏi

–  Khó thở

–  Chóng mặt, đầu lâng lâng, ngất xỉu

–  Đau giữa ngực và nặng ngực (đau thắt ngực) có thể lan tỏa ra xung quanh

–  Trống ngực

–  Sưng (phù) ở chân và bàn chân hoặc bụng

–  Ho

–  Khó ngủ

–  Tăng cân

–  Đổ mồ hôi, nôn ói

Nếu gặp các triệu chứng trên, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bệnh tim tại chuyên khoa của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên để được điều trị kịp thời.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân và cách điều trị 1
Triệu chứng đau giữa ngực và nặng ngực có thể lan tỏa ra xung quanh

Nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành là các nguyên nhân chính gây bệnh tim thiếu máu cục bộ. Bạn sẽ dễ mắc bệnh này hơn nếu gia đình có tiền sử bị bệnh tim, cao huyết áp, mỡ máu cao, béo phì, tiểu đường, bệnh amyloidosis (thoái hóa tinh bột). Nếu bạn có lối sống ít vận động, hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu, bia, chất kích thích thì cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Nam giới bị bệnh tim mạch nhiều hơn so với nữ giới, tuy nhiên với phụ nữ mãn kinh thì số lượng người mắc bệnh giữa hai giới khá tương đương. Nếu bạn là nữ trên 35 tuổi, có sử dụng thuốc tránh thai và hút thuốc lá, bạn có khả năng bị bệnh tim mạch cao hơn so với người khác.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ điều trị thế nào?

Người bệnh cần thay đổi lối sống, kết hợp thuốc điều trị hoặc phẫu thuật. Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ thiếu máu và các triệu chứng mà bạn gặp phải.

Thuốc điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim

Mặc dù không thể chữa khỏi thiếu máu cơ tim cục bộ, nhưng các loại thuốc cũng giúp giảm bớt triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chức năng tim. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sỹ có thể chỉ định:

–  Thuốc chẹn beta (Beta-blocker) để giảm huyết áp và nhịp tim

–  Thuốc chẹn kênh canxi giúp giãn và cải thiện tuần hoàn mạch vành, giảm huyết áp.

–  Các thuốc lợi tiểu: làm giảm huyết áp và loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa. Từ đó làm giảm các triệu chứng như phù, khó thở.

–  Thuốc kiểm soát nhịp tim.

–  Thuốc chống đông máu.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Các loại thuốc cũng giúp giảm bớt triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Phẫu thuật điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ

Bệnh thiếu máu cơ tim có thể được điều trị bằng các phẫu thuật hoặc thủ thuật sau:

–  Cấy máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim hoặc cả hai để đưa nhịp tim trở lại bình thường.

–  Phẫu thuật loại bỏ mảng bám khỏi động mạch vành, khơi thông lòng mạch vành từ đó hồi phục lưu lượng máu đến tim.

–  Nong mạch vành, có thể xạ trị hoặc không.

–  Đặt stent (ống đỡ mạch vành) để giữ cho mạch vành luôn mở.

Trong trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Phẫu thuật này liên quan đến việc lấy một đoạn động mạch/tĩnh mạch khỏe mạnh để làm “cầu nối” qua khu vực mạch vành bị tắc nghẽn. Nó sẽ cho phép máu lưu thông qua các mạch máu mới, đảm bảo đủ cung cấp máu cho cơ tim. Nếu tổn thương tim quá nhiều không thể sửa chữa, bạn cần ghép tim.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Bệnh nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Như vậy, bệnh tim thiếu máu cục bộ có nguy hiểm không phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Nếu bạn chọn lối sống không lành mạnh, không uống thuốc đúng chỉ định, không tái khám định kỳ và không chủ động nâng cao sức khỏe để phòng ngừa các bệnh khác, thì bệnh tim thiếu máu cục bộ sẽ trở nên nguy hiểm và ngược lại.

Nguyệt Hằng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm