Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Vỡ tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 24/01/2025
Kích thước chữ

Vỡ tim là tình trạng nguy hiểm mà nếu gặp phải có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để tìm hiểu về vấn đề sức khỏe nghiêm trọng này.

Vỡ tim là một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm của nhồi máu cơ tim. Hầu hết các trường hợp vỡ tim có nguy cơ tử vong cao, tuy nhiên, phẫu thuật có thể cứu sống một số bệnh nhân, giúp họ tiếp tục sống khỏe mạnh trong nhiều năm. Trong một số trường hợp không thể phẫu thuật, các phương pháp xâm lấn tối thiểu hoặc sử dụng thuốc và thiết bị y tế có thể hỗ trợ tạm thời cho đến khi phẫu thuật được thực hiện.

Vỡ tim là gì?

Vỡ tim là một biến chứng xảy ra khi các thành phần của tim như thành, cơ hoặc van tim bị rách hoặc tách rời. Biến chứng này có thể xảy ra trong quá trình hoặc sau nhồi máu cơ tim, thường gặp nhất trong khoảng 5 - 10 ngày đầu sau cơn đau tim.

Nguy cơ vỡ tim cao hơn ở những người:

  • Là nữ giới;
  • Đang mắc bệnh cao huyết áp;
  • Có cơn đau ngực tái phát nhiều lần;
  • Chậm trễ nhập viện khi có dấu hiệu đau ngực;
  • Đang trải qua cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên;
  • Trên 60 tuổi;
  • Có bệnh xơ vữa động mạch trên nhiều mạch máu;
  • Đang mắc bệnh suy tim, đột quỵ, hoặc bệnh thận mãn tính.

Về dịch tế học thì có khoảng 30% người tử vong đột ngột sau nhồi máu cơ tim bị vỡ tim. Trong các trường hợp vỡ tim thì có khoảng 10 - 20% trường hợp vỡ thành tự do của tâm thất trái, dưới 0,4% trường hợp vỡ vách ngăn giữa hai tâm thất.

Vỡ tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Người lớn tuổi thường có nguy cơ vỡ tim cao

Nguyên nhân và triệu chứng vỡ tim

Vỡ tim thường là hậu quả trực tiếp của một cơn nhồi máu cơ tim. Sau đây là các nguyên nhân chính:

  • Tổn thương cơ tim do nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim làm thiếu máu và oxy cung cấp đến một phần cơ tim, làm cho vùng cơ tim dễ bị tổn thương.
  • Áp lực tim lớn: Sau nhồi máu cơ tim, vùng cơ bị tổn thương không còn khả năng chịu lực từ nhịp đập của tim, dẫn đến nguy cơ rách hoặc vỡ.
  • Thiếu can thiệp y tế kịp thời: Những người không điều trị sớm sau nhồi máu cơ tim có nguy cơ cao hơn bị vỡ tim.
  • Tình trạng bệnh lý đi kèm: Các bệnh lý như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, suy tim mãn tính, và bệnh thận mãn tính làm tăng nguy cơ vỡ tim.
  • Cấu trúc tim yếu: Ở một số người, cấu trúc tim yếu do tuổi tác (trên 60 tuổi) hoặc các rối loạn van tim cũng có thể dẫn đến vỡ tim khi có cơn nhồi máu cơ tim.
  • Can thiệp y tế trước đó: Một số trường hợp xảy ra vỡ tim sau các thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật liên quan đến tim mạch.
Vỡ tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Xơ vữa động mạch là một trong các nguyên nhân gây vỡ tim

Vỡ tim là một tình trạng nguy hiểm, và các triệu chứng thường xuất hiện nhanh chóng, gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau ngực dữ dội: Là triệu chứng điển hình và thường xảy ra đột ngột. Cảm giác đau có thể lan sang cánh tay trái, hàm, hoặc lưng.
  • Sốc tim: Xảy ra khi tim không thể bơm máu hiệu quả, dẫn đến huyết áp giảm mạnh. Các dấu hiệu bao gồm da tái nhợt, lạnh, mồ hôi nhiều, nhịp tim nhanh hoặc không đều.
  • Ngưng tim: Tim ngừng đập hoặc ngừng bơm máu, gây mất ý thức ngay lập tức. Nếu không cấp cứu kịp thời, ngưng tim thường dẫn đến tử vong.
  • Suy tim cấp tính: Tim không thể bơm máu đầy đủ đến các cơ quan trong cơ thể. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Phù phổi hoặc suy hô hấp: Khi máu tích tụ trong phổi do rối loạn chức năng tim, dẫn đến tình trạng khó thở, ho ra máu, hoặc phù nề. Phổi có thể bị ngập nước (phù phổi cấp), gây nguy cơ tử vong cao.
  • Chèn ép tim (tràn dịch màng tim cấp tính): Khi máu rò rỉ ra ngoài thành tim và tích tụ trong màng tim. Gây áp lực lên tim, khiến tim không thể bơm máu hiệu quả.

Chẩn đoán và điều trị vỡ tim

Vỡ tim thường được chẩn đoán thông qua các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm hình ảnh. Bác sĩ có thể nghe tim bằng ống nghe và phát hiện tiếng thổi bất thường, sau đó chỉ định các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác tình trạng.

Các phương pháp chẩn đoán phổ biến bao gồm: Siêu âm tim qua thành ngực (TTE) hoặc siêu âm tim qua thực quản (TEE). Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp mạch vành, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ tim (MRI) để đánh giá mức độ tổn thương và vị trí vỡ.

Vỡ tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Các chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ rất nhiều trong việc xác định nguyên nhân, vị trí gây vỡ tim

Phương pháp điều trị chính cho vỡ tim là phẫu thuật. Tuy nhiên, trong những trường hợp khẩn cấp, bác sĩ có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ cơ học hoặc kê đơn thuốc để duy trì hoạt động của tim trước khi tiến hành phẫu thuật.

Một số nhóm thuốc được sử dụng để điều trị các triệu chứng như:

Song song với việc dùng thuốc thì các biện pháp can thiệp bằng các máy như sử dụng các thiết bị như ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể), máy bơm bóng trong động mạch chủ, và thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD). Đối với trường hợp tổn thương nhỏ, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp đóng lỗ thủng bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu. Trong khi đó, phẫu thuật mở để vá vùng vỡ vẫn là lựa chọn ưu tiên trong hầu hết các trường hợp.

Vỡ tim là một tình trạng rất nguy hiểm. Vỡ thành tự do của tim thường gây tử vong nhanh chóng, trong khi vỡ vách ngăn liên thất dù có thể phẫu thuật sửa chữa nhưng vẫn mang tỷ lệ tử vong sau mổ cao, lên đến 43%. Với các trường hợp vỡ cơ van tim, phẫu thuật sửa chữa có tiên lượng tốt hơn.

Mặc dù nguy cơ tử vong cao, bệnh nhân vẫn có cơ hội sống sót nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những ca phẫu thuật sửa chữa thành công có thể giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Để giảm nguy cơ vỡ tim, điều quan trọng là phải nhận biết và điều trị kịp thời các dấu hiệu nhồi máu cơ tim.

Nếu bạn xuất hiện triệu chứng đau ngực hoặc có tiền sử nhồi máu cơ tim, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức. Bên cạnh đó nên kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, cholesterol và xơ vữa động mạch cũng góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này.

Vỡ tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Vỡ tim sau phẫu thuật vẫn có tiên lượng tốt tùy vào vị trí vỡ tim và sự chủ động kịp thời của người bệnh

Như vậy bài viết đã thông tin đầy đủ cho bạn về vỡ tim bao gồm nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị. Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, hãy chú ý đến các dấu hiệu bất thường, duy trì lối sống lành mạnh và luôn sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi cần thiết. Sự chủ động của bạn chính là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro và kéo dài tuổi thọ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.