Long Châu

Bệnh tổ đỉa ngón chân: Những điều cần lưu ý

Ngày 28/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tổ đỉa là một trong những bệnh da liễu phổ biến nhất hiện nay, đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện các mụn nước trên bề mặt da. Bệnh tổ đỉa ngón chân tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, nhưng nó gây ngứa và khiến bệnh nhân đặc biệt khó chịu.

Việc không nắm rõ các đặc điểm của bệnh tổ đỉa ngón chân rất dễ khiến bạn nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác. Vì vậy, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về những điều cần lưu ý của bệnh tổ đỉa ngón chân ở bài viết dưới đây nhé!

Bệnh tổ đỉa ngón chân là gì?

Tổ đỉa là một dạng viêm da dẫn đến xuất hiện các mụn nước gây ngứa ở bề mặt da. Chúng thường có xu hướng mọc ở lòng bàn tay, bàn chân nhưng có thể lan rộng ra các vùng da xung quanh. Đặc biệt, tổ đỉa rất dễ mọc ở các ngón chân vì đây là vị trí tiếp xúc trực tiếp với những nơi có vệ sinh không được đảm bảo, dễ thấy nhất ở những nông dân làm việc trực tiếp trên đồng ruộng.

Các nốt mụn gây khó chịu và càng gãi càng ngứa. Mụn mọc từng đám và gây rất nhiều phiền toái cho người bệnh, khiến họ mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày. 

Bệnh tổ đỉa ngón chân: Những điều cần lưu ý 1 Hình ảnh bệnh tổ đỉa ngón chân

Triệu chứng của bệnh tổ đỉa ngón chân

Những triệu chứng có thể là:

  • Ban đầu, xuất hiện các nốt mụn nước nhỏ (đường kính khoảng 3mm) trên đầu các ngón chân. Chúng mọc dày đặc trên bề mặt da và kết hợp với nhau tạo thành mụn nước lớn.
  • Các mụn nước có thể gây ngứa, đau,... và khó chịu hơn sau khi tiếp xúc với xà phòng, nước hoặc các chất kích thích khác. Khi gãi mạnh chúng sẽ vỡ ra và giải phóng chất dịch bên trong khiến cho da trở nên cứng và cuối cùng là nứt da. 
  • Trong một số trường hợp khác, có thể gây ra tình trạng sưng hạch bạch huyết. 
  • Móng chân bị ảnh hưởng có thể bị biến đổi hình dạng.
Bệnh tổ đỉa ngón chân: Những điều cần lưu ý 2
Móng chân bị biến dạng khi xuất hiện tổ đỉa ở ngón chân

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa ngón chân

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa ngón chân vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp: 

  • Nhiễm vi khuẩn liên cầu và vi khuẩn Proteus: Độc tố từ các loại vi khuẩn này có thể kích thích bệnh tổ đỉa và một số bệnh da liễu mãn tính bùng phát một cách dày đặc.
  • Nhiễm nấm kẽ chân: Vùng da chân là nơi dễ bị phơi nhiễm nấm. Vi nấm gây hại đến các lớp tế bào sừng của da khiến da suy yếu và dễ bị kích thích khi có tác động hoặc kích thích bên ngoài.
  • Dị ứng thuốc và hóa chất: Khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên lạ, hệ miễn dịch có xu hướng tăng tiết kháng thể IgE trong huyết tương, hoạt hóa các tế bào tiền viêm, giải phóng các hoạt chất trung gian vào da và niêm mạc gây bùng phát tổ đỉa.
  • Di truyền: Bố mẹ hay người thân trong gia đình bị viêm da cơ địa hay mề đay thì nguy cơ bị tổ đỉa ở thể hệ sau càng lớn hơn.
  • Bị rối loạn thần kinh giao cảm: Những người có hội chứng bệnh này thường nhạy cảm với các tác nhân gây viêm da hơn bình thường.
  • Làm việc trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, nhiều chất tẩy rửa, hóa chất, nóng ẩm khiến da thường phải tiết nhiều mồ hôi gây viêm da. 
Bệnh tổ đỉa ngón chân: Những điều cần lưu ý 3 Nông dân là đối tượng xuất hiện bệnh tổ đỉa ngón chân thường xuyên

Bệnh tổ đỉa ngón chân có nguy hiểm không?

Mức độ phổ biến của bệnh tổ đỉa

Hiện nay, bệnh tổ đỉa là một loại bệnh da liễu phổ biến thứ 3 trên thế giới do nguyên nhân gây ra bệnh rất đa dạng. Theo thống kê tương đối, bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em ở khu vực thành thị hoặc các nước phát triển, và tỷ lệ hiện mắc đã tăng lên trong 30 năm qua: Lên đến 20% ở trẻ em và 1-3% ở người lớn tại các nước phát triển.

Bệnh tổ đỉa có lây không?

Tổ đỉa là bệnh viêm da mãn tính, trong đó những nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là yếu tố di truyền, chức năng nội tạng và hoạt động quá mức của hệ miễn dịch. Do đó, bệnh lý này có khả năng lây truyền dọc từ cha mẹ sang con cái nhưng không có khả năng lây nhiễm ngang – ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp với vùng da tổn thương của người bệnh.

Các biến chứng nguy hiểm thường gặp của bệnh tổ đỉa ngón chân

Thông thường tổ đỉa sẽ biến mất trong một vài tuần mà ít để lại biến chứng. Nhưng nếu người bệnh thường xuyên gãi mạnh và không giữ vệ sinh vùng da bị viêm thì sẽ gây ra cảm giác khó chịu, kéo dài thời gian hồi phục. Ngoài ra, vùng da bị viêm có thể để lại sẹo hay thâm đáng kể. Các trường hợp nặng sẽ gây hoạt tử, thay đổi hình dạng da.

Cách chữa bệnh tổ đỉa ngón chân

Điều trị sử dụng thuốc

Tùy thuộc vào từng mức độ của bệnh mà có những phương pháp điều trị phù hợp:

  • Thuốc bôi da Corticosteroid: Kem và thuốc mỡ corticosteroid có thể giúp nhanh chóng làm biến mất các mụn nước. Sau khi bôi thuốc có thể chườm ấm để tăng cường sự hấp thu của thuốc. Tuy nhiên, sử dụng nhóm thuốc này dài hạn có thể gây ra tác dụng phụ đối với da.
  • Liệu pháp ánh sáng: Là liệu pháp đặc biệt kết hợp tiếp xúc tia cực tím với các loại thuốc Psoralene giúp cho làn da tiếp nhận tốt hơn các lợi ích từ loại ánh sáng này như giảm chức năng của các tế bào miễn dịch, ức chế các chất tiền viêm và thành phần trung gian, từ đó giúp giảm viêm và ngứa ngáy.
  • Thuốc bôi da ức chế miễn dịch: Như tacrolimus và pimecrolimus cho những người không muốn dùng steroid. Tuy nhiên, loại thuốc này có một tác dụng phụ là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
  • Tiêm botulinum toxin: Sử dụng cho các trường hợp bệnh nghiêm trọng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Cần chú ý:

  • Giữ vệ sinh vùng da nhằm hạn chế viêm nhiễm.
  • Không gãi mạnh lên vùng viêm mụn nước và các vùng da viêm đỏ.
  • Hạn chế tiếp xúc với những nơi có nồng độ hóa chất cao, điều kiện khắc nghiệt, vệ sinh không sạch sẽ.
  • Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh và giờ giấc sinh hoạt khoa học nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể. 
  • Giảm căng thẳng thần kinh.
  • Bảo vệ sức khỏe một cách chủ động và tránh tiếp xúc với người mắc các bệnh viêm nhiễm. 
  • Bổ sung nhiều Vitamin A là một trong những chế độ dinh dưỡng ngăn ngừa tổ đỉa

Trên đây là bài viết của Nhà Thuốc Long Châu về những điều cần lưu ý khi bị bệnh tổ đỉa ngón chân. Rất hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích và cần thiết. Hãy theo dõi trang web của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật sớm nhất những tin tức hữu ích khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm