Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách phân biệt bệnh ghẻ nước và tổ đỉa thông qua các triệu chứng

Ngày 28/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Những điểm tương đồng về triệu chứng khiến nhiều người nhầm lẫn ghẻ nước và tổ đỉa là cùng một bệnh dẫn đến sai lầm trong điều trị khiến bệnh lan rộng và khó chữa hơn. Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin giúp bạn dễ dàng phân biệt ghẻ nước và tổ đỉa để có hướng khắc phục bệnh hiệu quả.

Hiện nay, ghẻ nước và tổ đỉa là những bệnh lý nhiễm trùng da phổ biến nhiều người mắc phải. Cả 2 tình trạng này đều gây nổi mụn nước khiến người bệnh khó chịu, ngứa ngáy kéo dài và mất dần tự tin trong cuộc sống. 

Thông tin chung về bệnh ghẻ nước

Nguyên nhân

Bệnh ghẻ nước do tạp khuẩn Sarcoptes scabiei hominis (dân gian hay còn gọi là cái ghẻ) gây ra. Chúng có kích thước vô cùng nhỏ (0.3 – 0.5mm), sống ký sinh trên da người, đào hang và đẻ trứng khiến người mắc gặp nhiều vấn đề về da liễu.

Vị trí mụn ngứa

Mụn ghẻ nước xuất hiện ở khu vực ký sinh trùng làm tổ, thường là vùng da non như: Thắt lưng, đùi trong, cơ quan sinh dục, kẽ ngón tay, ngón chân… Nếu là trẻ dưới 2 tuổi mụn ngứa có thể xuất hiện trên toàn thân.

Mách bạn cách phân biệt ghẻ nước và tổ đỉa
Bệnh ghẻ nước ở trẻ dưới 2 tuổi có thể xuất hiện toàn thân

Khả năng lây lan

Bệnh ghẻ nước có lây không? Ghẻ nước không chỉ lan rộng ra các vùng da lành trên cơ thể mà còn là căn bệnh truyền nhiễm thể lây qua nhiều đường khác nhau như:

  • Trực tiếp: Ôm hôn, nắm tay, tiếp xúc, quan hệ tình dục với người bệnh.
  • Gián tiếp: Ngủ chung, sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bị ghẻ nước.

Do đó, bệnh có thể trở thành dịch nếu không được ngăn chặn và kiểm soát tốt.

Tìm hiểu chung về bệnh tổ đỉa

Nguyên nhân

Cho tới nay nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa vẫn chưa được ghi nhận rõ ràng. Nhưng vẫn có một số yếu tố được đánh giá có khả năng khiến bệnh bùng phát bao gồm: Dị ứng, di truyền, trầm cảm, stress, môi trường ô nhiễm… 

Vị trí mụn ngứa tổ đỉa

Mụn ngứa do tổ đỉa gây ra có thể mọc rải rác hoặc tập trung thành đám hay mảng trên da. Tuy nhiên, chúng thường chỉ khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay khu vực kẽ ngón tay, kẽ ngón chân.

Mách bạn cách phân biệt ghẻ nước và tổ đỉa 1
Bệnh tổ đỉa vẫn chưa ghi nhận được nguyên nhân rõ ràng

Khả năng lây lan

Tổ đỉa là bệnh lý ngoài da có xu hướng khởi phát đột ngột, dai dẳng, dễ tái phát, gây ngứa ngáy khó chịu. Tuy nhiên, bệnh này không có khả năng lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp.

Phân biệt tổ đỉa và ghẻ nước thông qua triệu chứng

Triệu chứng của bệnh ghẻ nước

  • Mụn nước mọc rải rác: Tại những khu vực cái ghẻ đi qua, làm tổ sẽ hình thành mụn nước mọc nông và rải rác trên bề mặt vùng da tổn thương.
  • Ngứa về đêm: Dấu hiệu phân biệt bệnh ghẻ nước và tổ đỉa dễ thấy nhất là cơn ngứa do cái ghẻ gây ra thường diễn ra vào buổi đêm. Đây là thời điểm loại tạp khuẩn này hoạt động tích cực nhất để đào hang, đẻ trứng gây ngứa ngáy dữ dội cho người bệnh.
  • Ngứa nhiều khi vận động: Khi làn da ẩm ướt, ghẻ nước có thể gây ngứa ngáy hơn đặc biệt là lúc cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Tình trạng ngứa cũng diễn tiến phức tạp, nghiêm trọng hơn khi người bệnh tiếp xúc với nước bẩn, nước mưa hoặc khi cơ thể nóng lên.
  • Hình dáng mụn nước: Mụn ghẻ nước với kích thước nhỏ, thường có hình tròn nổi bật và quầng tối màu xung quanh. Nếu tinh mắt có thể quan sát thấy mụn nước kèm theo rãnh rất nhỏ dài 2 - 4mm.
  • Mụn dễ vỡ: Mụn nước do ký sinh trùng ghẻ cái gây ra có lớp da bọc mỏng chứa chất dịch trong nên khá dễ vỡ.
  • Mức độ lan rộng nhanh: Cái ghẻ đi tới đâu sẽ tấn công sẽ gây ra mụn và ngứa ngáy tới khu vực đó. Càng gãi nhiều thì mụn ghẻ nước sẽ càng lan rộng sang các vùng da lân cận. 
  • Mụn ở vùng sinh dục: Tổ đỉa chỉ xảy ra ở những vùng da ẩm ướt trong khi đó cái ghẻ có thể sinh sôi ở mọi vị trí trên cơ thể. Do đó, ghẻ nước cũng có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục tạo ra những nốt mụn đỏ sẫm và gây ngứa ngáy dữ dội.
Mách bạn cách phân biệt ghẻ nước và tổ đỉa 2
Mụn bệnh ghẻ nước rất dễ vỡ

Dấu hiệu của bệnh tổ đỉa

  • Da nổi mụn nước: Làn da của người bệnh tổ đỉa sẽ nổi nhiều mụn nước không có nhân nhỏ li ti. Chúng khá sần sùi khiến vùng da bị bệnh nổi sạm và nổi cục. Khác với ghẻ nước, mụn ngứa tổ đỉa nằm ẩn sâu dưới da, rất khó vỡ vì có lớp da bọc dày bảo vệ. 
  • Nhiễm khuẩn mụn nước: Khi các mụn nước tổ đỉa tập trung thành mảng dày sẽ tạo thành bọng nước trên da. Nếu nhận thấy các nốt mụn này bắt đầu sưng đỏ, chuyển màu đục thì có thể mụn tổ đỉa đã bị nhiễm trùng.
  • Vùng da bị nóng rát: Bệnh tổ đỉa đặc trưng bởi những cơn ngứa tiến triển không dứt, kéo dài âm ỉ, càng gãi càng ngứa. Từ đó hình thành các vùng tổn thương do ma sát làm cho bề mặt da sưng tấy, đau, nóng rát do các mảng bong tróc gây ra.
  • Đóng vảy trên bề mặt: Tình trạng này xảy ra sau khi mụn vỡ hoặc xẹp khiến bề mặt da bị khô và bong thành từng mảng. Lúc này vùng da bị bệnh đóng thành vảy sừng vàng đục và dày tương tự như vết chai sạn rất mất thẩm mỹ.
  • Biến dạng móng: Tổ đỉa cũng có thể gặp phải ở móng tay và móng chân những bộ phận này bị biến dạng và ảnh hưởng kéo theo.

Mức độ nguy hiểm của ghẻ nước hay tổ đỉa

Mức độ nguy hiểm của ghẻ nước

Ghẻ nước là bệnh lý da liễu tương đối nguy hiểm, nếu cái ghẻ vẫn còn ký sinh trên da thì mụn ngứa không thể tự khỏi. Khi không can thiệp điều trị, mụn ghẻ nước sẽ vỡ ra gây nhiễm trùng kèm theo các biểu hiện chảy mủ, viêm tấy, viêm nang lông, viêm hạch… thậm chí dẫn tới viêm cầu thận cấp. Ngoài ra, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến nguy cơ chàm hóa da.

Mách bạn cách phân biệt ghẻ nước và tổ đỉa 3
Ghẻ nước hay tổ đỉa đều tác động xấu với sức khỏe

Tổ đỉa có nguy hiểm không?

Tuy không phải là căn bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng những triệu chứng khó chịu do mụn nước tổ đỉa gây ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Những biến chứng thường gặp bao gồm: Nhiễm trùng ngoài da, mụn chứa mủ, sưng tấy, đau nhức, nóng sốt toàn thân, nổi hạch cổ, bẹn, biến dạng móng…

Chăm sóc, phòng ngừa ghẻ nước và tổ đỉa

Tuy là hai bệnh lý khác nhau nhưng để chăm sóc, phòng ngừa ghẻ nước và tổ đỉa tái phát, bạn đều cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Vệ sinh tay chân, cơ thể đúng cách mỗi ngày.
  • Thường xuyên làm sạch nhà cửa, vệ sinh đồ đạc, giường chiếu, chăn gối và giữ môi trường xung quanh luôn thoáng mát, sạch sẽ.
  • Tránh xa môi trường bị ô nhiễm.
  • Không tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất hay chất tẩy rửa mạnh.
  • Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân với người khác.
  • Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, kiêng đồ tanh, đồ uống có cồn và cả chất kích thích.
  • Vận động, tập thể thao hàng ngày để tăng cường sức khỏe thể lực.
  • Nếu trong gia đình có người bị ghẻ nước, để hạn chế bệnh lây lan cần cách ly và điều trị tích cực.

Ghẻ nước và tổ đỉa tuy khác nhau nhưng đều là bệnh da liễu gây nhiều khó chịu cho người bệnh, dễ tái phát. Do đó, khi xuất hiện triệu chứng bệnh, cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác bệnh lý là ghẻ nước hay tổ đỉa. Từ đó áp dụng phương pháp điều trị phù hợp để cải thiện bệnh nhanh chóng.

Minh QA

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm