Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh trĩ để lâu có sao không?

Ngày 18/11/2021
Kích thước chữ

Bệnh trĩ để lâu có sao không là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân mắc trĩ. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh trĩ có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh trĩ được coi là căn bệnh ngày càng phổ biến hiện nay. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là lối sống và sự chủ quan trong việc phòng và điều trị bệnh. Vậy bệnh trĩ là gì? Bệnh trĩ để lâu có sao không?

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ là bệnh có thể gặp ở bất cứ ai, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Trĩ thường xuất hiện ở các đệm mạch máu nằm bên trong ống hậu môn, dưới niêm mạc hậu môn. Các đệm mạch này được cấu tạo bởi các xoang tĩnh mạch, các thông nối động - tĩnh mạch, động mạch, sợi collagen, tế bào sợi, sợi thần kinh,... Các tĩnh mạch này căng to quá mức gây sưng phù, đau rát thì đây chính là bệnh trĩ. Bệnh trĩ được phân thành hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại.

Bệnh trĩ để lâu có sao không1

Bệnh trĩ để lâu có sao không và nguy hiểm như thế nào?

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh trĩ?

Muốn biết bệnh trĩ để lâu có sao không, trước tiên bạn cần hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ. Theo các chuyên gia cho biết, bệnh trĩ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là ở những người từ 30 - 60 tuổi. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam giới chiếm đến 61%.

Bệnh trĩ có thể xuất phát từ các yếu tố, nguy cơ như:

  • Tư thế đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại.
  • Di truyền.
  • Táo bón kinh niên.
  • Người bị rối loạn chức năng của ruột, thí dụ hội chứng kích thích ruột.
  • Phụ nữ thời kỳ mang thai và sau khi sinh con.
  • Các dây chằng vùng hậu môn bị giãn ra do tuổi tác cao.
  • Người mắc các bệnh liên quan đến hậu môn như: u bướu của chậu hông, tăng áp lực tĩnh mạch cửa hậu môn, đường về của máu tĩnh mạch bị cản trở.

Dấu hiệu của bệnh trĩ là gì?

Bạn có thể nhận biết mình có khả năng mắc bệnh trĩ không qua các triệu chứng sau:

  • Đại tiện bị chảy máu nhưng không đau. Ban đầu bạn chỉ thấy một lượng máu nhỏ ở hậu môn sau đó lượng máu tăng dần lên. Khi máu chảy nhỏ giọt hay thành tia bạn cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
  • Hay bị kích thích và ngứa ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn.
  • Búi trĩ bị tắc mạch hoặc bị sa nghẹt gây sưng đau.
  • Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện, có thể xuất hiện ngoài hậu môn thường xuyên khi bệnh trở nặng.
  • Ngày càng khó chịu, đau rát ở hậu môn theo sự tiến triển của búi trĩ.

Bệnh trĩ để lâu có sao không2

Thường xuyên chảy máu khi đại tiện là một trong các dấu hiệu của bệnh trĩ.

Bệnh trĩ để lâu có sao không?

Bệnh trĩ để lâu có sao không? Câu trả lời chắc chắn là có. Bệnh trĩ là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, bệnh trĩ có thể gây những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Cụ thể là:

  • Đi cầu ra máu tươi: Triệu chứng này có nhiều mức độ khác nhau, giai đoạn đầu máu chảy kín, dính vào phân hay giấy vệ sinh. Trong trường hợp bệnh nặng hơn, máu sẽ chảy nhỏ giọt hay bắn thành tia. Nếu tình trạng chảy máu kéo dài có thể gây ra tình trạng thiếu máu mãn tính, đôi khi còn nguy hiểm đến sức khỏe.
  • Trĩ tắc mạch, sa trĩ tắc mạch: Nguyên nhân là do sự hình thành đột ngột cục máu đông trong lòng mạch trĩ. Dấu hiệu bạn có thể nhận biết là xuất hiện những cơn đau dữ dội trong ống hậu môn hoặc vùng hậu môn. Khi búi trĩ sa và bị mắc kẹt, các mạch máu cung cấp cho búi trĩ sẽ bị tắc. Triệu chứng này thường kèm theo viêm phù nề niêm mạc vùng hậu môn - trực tràng.
  • Nhiễm khuẩn các búi trĩ xảy ra khi các hốc hậu môn bị viêm nhiễm: Các triệu chứng hay gặp phải như ngứa hay nóng rát, rỉ ướt hậu môn. Khi đó, trực tràng người bệnh rất đau, các hốc hậu môn đỏ rực phù nề, cơ thắt hậu môn thít chặt. Trường hợp bệnh trở nặng, búi trĩ trở nên viêm loét, hoại tử, nếu không được xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Bệnh trĩ để lâu có sao không 3

Trĩ ngoại tắc mạch gây khó khăn khi đi đại tiện.

Khi nào người bệnh trĩ cần đến bệnh viện?

Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh trĩ, bạn nên đến bệnh viện thăm khám ngay để được tư vấn và điều trị theo toa thuốc tại nhà. Trong trường hợp trĩ nặng, người bệnh cần phẫu thuật hoặc làm các thủ thuật loại bỏ búi trĩ, kết hợp điều trị bằng thuốc kê đơn tại bệnh viện.

Nếu mắc phải các biến chứng nặng như chảy máu thành tia, hậu môn có biểu hiện hoại tử, hậu môn kích thích đau rát, người bệnh phải đến ngay bệnh viện để được bác sĩ can thiệp và điều trị kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Qua các thông tin trên, mọi người đã biết và trả lời được câu hỏi: Bệnh trĩ để lâu có sao không? Hy vọng điều này đã giúp bạn hiểu hơn cũng như biết cách để nhận biết sớm căn bệnh này và biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Ngân Lâm

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Bệnh trĩ