Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm màng ngoài tim là bệnh gì? Có nguy hiểm không? Đối tượng nào dễ mắc?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm màng ngoài tim là tình trạng lớp màng ngoài bảo vệ tim bị viêm, sưng lên. Nguyên nhân dẫn đến viêm màng ngoài tim chủ yếu là do virus, cũng có thể là tự phát hoặc từ những bệnh lý và những thuốc đang sử dụng khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm màng ngoài tim là gì? 

Màng ngoài tim (hay còn gọi là ngoại tâm mạc) là một túi mỏng bao quanh toàn bộ tim và các động mạch lớn. Tính từ ngoài vào trong, màng ngoài tim gồm 2 lớp: 

  • Ngoại tâm mạc sợi.

  • Ngoại tâm mạc thanh mạc: Gồm lá thành, tiếp đến là khoang ngoại tâm mạc (chứa một ít chất lỏng để làm giảm ma sát giữa 2 lớp khi tim đập), sau cùng là lá tạng bao lấy cơ tim.

Màng này giúp bảo vệ tim khỏi sự ma sát, va chạm với các cơ quan xung quanh; thúc đẩy sự hoạt động hiệu quả của tim và ngăn tim di chuyển quá mức lệch khỏi vị trí.

Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm bất kỳ lớp nào của màng tim, gây ra cơn đau ngực. Các dạng viêm màng ngoài tim có thể gặp:

  • Viêm màng ngoài tim cấp: Đây là dạng phổ biến nhất, thường không kéo dài quá 3 tuần, có thể tự phát hoặc do một bệnh lý nào đó.

  • Viêm màng ngoài tim tái phát: Khoảng 30% số người bị viêm màng ngoài tim cấp sẽ bị tái phát.

  • Viêm màng ngoài tim mạn: Đây là tình trạng tái phát ngay khi người bệnh ngừng điều trị với thuốc chống viêm.

  • Tràn dịch màng tim.

  • Chèn ép tim: Do tràn dịch màng tim đột ngột khiến hạ huyết áp và không thể bơm máu về đầy tim. Cần tiến hành cấp cứu ngay lập tức ở trường hợp này.

  • Viêm màng ngoài tim tiến triển chậm (hội chứng Dressler): Thường bị sau khi phẫu thuật tim hoặc các cơn đau tim vài tuần.

  • Viêm màng ngoài tim co thắt: Đây là trường hợp hiếm gặp, có thể phát triển từ viêm màng ngoài tim mạn hoặc sau khi phẫu thuật tim. Lúc đó, màng ngoài tim bị sẹo hoặc bị dính vào tim khiến cơ tim không thể co giãn.

  • Viêm màng ngoài tim co thắt tiết dịch: Đây là tình trạng viêm có kèm cả tràn dịch và co thắt.

Viêm màng ngoài tim phần lớn thường nhẹ và sẽ khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp nghiêm trọng hơn, khi màng tim bị tràn dịch, co thắt, gây chèn ép tim, có thể dẫn đến suy tim nếu không điều trị kịp thời. Do đó, khi có các triệu chứng bất thường trên tim, đặc biệt là đau vùng ngực, bệnh nhân cần gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Viêm màng ngoài tim

Khi viêm màng ngoài tim do vi khuẩn, bạn có thể bị sốt, ớn lạnh, tăng số lượng bạch cầu. Nếu nguyên nhân là do virus, bạn có thể thấy giống như bị cúm và có các triệu chứng ở dạ dày.

Những triệu chứng hay gặp nhất là:

  • Đau ngực là triệu chứng rất thường gặp khi viêm màng ngoài tim, chiếm đến 85 – 90% số người mắc bệnh. Cơn đau này có thể giống với đau tim (đau thắt ngực đột ngột ở giữa hoặc bên trái ngực, sau xương ức, lan đến vai, cổ, cánh tay hoặc hàm);

  • Sốt nhẹ;

  • Suy nhược, mệt mỏi;

  • Khó thở, đặc biệt là khi nằm;

  • Đánh trống ngực;

  • Ho khan;

  • Sưng bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân; sưng bụng.

Các triệu chứng này có thể tệ hơn khi nằm ngửa, thở sâu, ho, nuốt.

Tác động của Viêm màng ngoài tim đối với sức khỏe 

Thông thường viêm màng ngoài tim thường nhẹ và hết sau khoảng 3 tuần. Tuy nhiên, nếu có tràn dịch màng tim gây chèn ép tim, hoặc viêm màng ngoài tim co thắt thì cần can thiệp y tế kịp thời vì có thể dẫn đến suy tim, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc Viêm màng ngoài tim

Khi có tràn dịch màng ngoài tim, cần điều trị ngay vì sự tích tụ chất lỏng ở màng tim có thể gây các biến chứng trên tim mạch. Hơn nữa, lượng dịch quá nhiều sẽ gây chèn ép tim, khiến tim không thể co bóp tống máu ra các cơ quan một cách bình thường, dẫn đến thiếu oxy mô.

Ở các bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim lâu ngày sẽ bị sẹo vĩnh viễn hoặc dày lên ở màng tim, ảnh hưởng đến sự co bóp và hoạt động của tim, có thể dẫn đến suy tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Viêm màng ngoài tim

Nhiễm virus là nguyên nhân của 80 – 90% trường hợp viêm màng ngoài tim. Ngoài ra, bệnh còn còn có thể do các nguyên nhân:

  • Nhiễm khuẩn.
  • Nhiễm nấm.
  • Nhiễm ký sinh trùng.
  • Các vấn đề tim mạch như một cơn đau tim trước đó, từng phẫu thuật tim…
  • Khối u xâm nhập vào màng tim, ung thư.
  • Tổn thương tim.
  • Điều trị bằng bức xạ.
  • Bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ…).
  • Suy giảm miễn dịch, mắc HIV/AIDS.
  • Tác dụng của một số loại thuốc (procainamide, phenytoin, thuốc chống đông, hydralazine…), tuy nhiên trường hợp này hiếm khi xảy ra.
  • Rối loạn chuyển hóa (gout…).
  • Suy thận.
  • Do một số bệnh di truyền (sốt Địa Trung Hải có tính chất gia đình…).

Tuy nhiên, ngoại trừ viêm màng ngoài tim do nhiễm virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, các nguyên nhân còn lại thường khó xác định chính xác. Do đó, những trường hợp này sẽ được chẩn đoán là viêm màng ngoài tim vô căn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Viêm màng ngoài tim?

Người đã từng phẫu thuật tim.

Người có bệnh về tim.

Người từng xạ trị ung thư.

Người suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm màng ngoài tim

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm màng ngoài tim:

  • Tiền sử phẫu thuật tim hoặc bị các cơn đau tim.

  • Tiếp xúc với người đang nhiễm virus, vi khuẩn, nấm…

  • Giới tính: Nam giới có khả năng mắc bệnh cao hơn nữ giới.

  • Tuổi tác: Viêm màng ngoài tim cấp thường gặp ở người 16 – 65 tuổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng ngoài tim

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh cũng như các triệu chứng của bệnh nhân. Ở bệnh nhân viêm màng ngoài tim, bác sĩ dùng ống nghe sẽ có thể nghe được các dấu hiệu do tràn dịch màng tim và tiếng cọ xát của màng ngoài với tim cũng sẽ khác với bình thường. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm chuyên sâu hơn:

  • Chụp X quang ngực, siêu âm tim để xem hình dạng tim và xem có tràn dịch không.

  • Đo điện tâm đồ (ECG) để kiểm tra nhịp tim.

  • Chụp CT hoặc MRI.

  • Thông tim bên phải để đo áp lực từng nơi trong tim.

  • Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu gợi ý viêm.

Phương pháp điều trị viêm màng ngoài tim hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Điều trị viêm màng ngoài tim sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân là do virus, thường bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 3 tuần. Ở hầu hết trường hợp, bệnh nhân chỉ bị viêm màng ngoài tim nhẹ và sớm hồi phục, chỉ cần dùng thuốc chống viêm kết hợp nghỉ ngơi.

Dùng thuốc: 

  • Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp viêm màng ngoài tim do nhiễm khuẩn.

  • Thuốc kháng viêm giảm đau NSAID: Ibuprofen, aspirin… Tùy vào mức độ đau mà bác sĩ sẽ kê liều phù hợp.

  • Colchicine: Giảm viêm, giảm nhẹ triệu chứng và ngừa tái phát bệnh.

  • Thuốc kháng viêm corticosteroid. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, sử dụng corticosteroid có thể làm tăng nguy cơ tái phát viêm màng ngoài tim. Do đó, các bác sĩ thường không khuyên dùng corticosteroid trừ trường hợp nghiêm trọng, không đáp ứng với điều trị thông thường.

Phẫu thuật: 

  • Phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim là liệu pháp cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác, sử dụng trong trường hợp viêm màng ngoài tim tái phát và không đáp ứng với điều trị nào khác.

  • Đặt ống dẫn lưu hoặc mở cửa sổ màng ngoài tim để loại bỏ phần dịch tràn.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Viêm màng ngoài tim

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng (thường là khoảng vài tuần) đến khi hồi phục hẳn.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm hay có bất kỳ cơn đau ngực nào.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Tạm thời ngưng các thuốc có thể là nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không có yêu cầu đặc biệt về chế độ dinh dưỡng ở bệnh nhân viêm màng ngoài tim. Bệnh nhân nên ăn uống đủ chất, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Phương pháp phòng ngừa Viêm màng ngoài tim hiệu quả

Không có biện pháp nào để phòng ngừa viêm màng ngoài tim, đặc biệt là các trường hợp viêm do virus. Nhưng nếu bạn tuân thủ kế hoạch điều trị khi mắc bệnh và tránh dùng corticosteroid thì có thể làm giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Cho đến khi hồi phục hoàn toàn, hãy nghỉ ngơi và tránh các hoạt động thể chất gắng sức. Nếu có bất kỳ dấu hiệu tái phát nào, hãy đến bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt.

Nguồn tham khảo
  1. Mayoclinic: https://www.mayoclinic.org/
  2. Webmd: https://www.webmd.com/heart-disease/guide/heart-disease-pericardial-disease-percarditis
  3. https://www.heart.org/en/health-topics/pericarditis/what-is-pericarditis
  4. MSD manuals: https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Phù bạch huyết

  2. Đau tim

  3. Thân chung động mạch

  4. Rung nhĩ

  5. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp

  6. Tái cực sớm

  7. Viêm mạch

  8. Tai biến mạch máu não

  9. Rối loạn nhịp tim

  10. Nhồi máu cơ tim type 2