Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh xã hội là gì? Các bệnh xã hội phổ biến và cách phòng ngừa bệnh

Ngày 24/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh xã hội là một thuật ngữ y khoa chỉ những căn bệnh nguy hiểm và có khả năng cao lây lan trong cộng đồng. Vậy có những bệnh xã hội phổ biến nào và cách phòng ngừa bệnh xã hội là gì?

Đôi khi người thân thiết với bạn nhất lại là nguồn lây lan của nhiều bệnh xã hội. Đây cũng là một nguyên nhân tại sao bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi chọn bạn tình, hạn chế tối đa việc quan hệ tình dục với nhiều người mà nên chung thủy một vợ một chồng để tránh nguy cơ mắc bệnh xã hội và nguy cơ trở thành nguồn lây của người khác. 

Bệnh xã hội là gì?

Theo thuật ngữ y khoa, bệnh xã hội được hiểu là những căn bệnh nguy hiểm, có tính lây lan cao trong cộng đồng. Đường lây truyền chủ yếu xuất phát từ con đường tình dục không an toàn. Đa số là các bệnh như: Bệnh giang mai, bệnh sùi mào gà, bệnh HIV/AIDS, bệnh lậu…

Ngày nay, bệnh lao - một căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe xã hội cũng bị xếp vào hàng ngũ của bệnh xã hội. Bệnh xã hội lây qua đường tình dục hay còn được gọi với cái tên là bệnh hoa liễu. Theo thống kê, ước tính có khoảng 20 bệnh xã hội mang tính phổ biến và gây nguy hiểm cho bạn qua con đường quan hệ tình dục.

Bệnh xã hội nguy hiểm như thế nào?

Bệnh xã hội là những căn bệnh nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Nhóm bệnh truyền nhiễm trong bệnh xã hội được chia làm 2 loại:

  • Bệnh xã hội có khả năng điều trị: Đây là nhóm bệnh có thể điều trị và có tỉ lệ chữa khỏi cao như bệnh viêm âm đạo, bệnh chlamydia, bệnh giang mai, bệnh sùi mào gà…
  • Bệnh xã hội khó điều trị: Nhóm các bệnh khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn hoặc không có khả năng chữa khỏi như HIV/AIDS, bệnh viêm gan B…

Bệnh xã hội là những loại bệnh có khả năng lây lan rất cao đặc biệt qua đường tình dục không an toàn như giao hợp hoặc quan hệ tình dục bằng miệng. Hay thậm chí, việc tiếp xúc với khăn tắm, quần áo ướt, chỗ ngồi trong nhà vệ sinh cũng có nguy ở bị lây nhiễm ký sinh trùng trichomonas - ký sinh trùng gây bệnh qua đường sinh dục. 

Bệnh xã hội gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người mắc Bệnh xã hội và những nguy cơ tiềm ẩn

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh xã hội

Bất cứ ai đã từng hoặc đang quan hệ tình dục không an toàn đều có tỷ lệ cao mắc các bệnh xã hội. Một số nhóm đối tượng có nguy cơ lớn như:

  • Quan hệ tình dục với nhiều người.
  • Quan hệ tình dục không an toàn hoặc quan hệ tình dục với người đã từng có nhiều đối tác tình dục.
  • Không dùng biện pháp an toàn trong khi quan hệ tình dục.
  • Tiêm chích chung một bơm kim tiêm.
  • Những đối tượng hành nghề mại dâm, mua bán tình dục.
Đối tượng mắc bệnh xã hội Dùng chung bơm kim tiêm là một trong những nguyên nhân lây bệnh xã hội

Tỷ lệ nhiễm bệnh ngày càng nhiều do bệnh xã hội thường ít có triệu chứng rõ ràng, khó nhận biết để phòng ngừa. Một số người bệnh tự ti, mặc cảm nên dấu bệnh, không đi thăm khám để chữa trị làm tình trạng bệnh nặng hơn và nguy cơ lây lan lớn.

Hiện nay, những người trẻ tuổi hay thậm chí là trẻ vị thành niên có ít kiến thức về tình dục an toàn nhưng lại quan hệ tình dục bừa bãi khiến nguy cơ mắc bệnh xã hội tăng cao hơn so với những nhóm tuổi khác.

Một số bệnh xã hội phổ biến

Bệnh chlamydia

Nhiều người mắc phải bệnh chlamydia do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra chủ yếu qua đường tình dục do giao hợp hoặc bằng miệng. Cả nam giới và nữ giới đều có nguy cơ mắc chlamydia trong trực tràng do quan hệ tình dục bằng đường hậu môn hay lây lan từ âm đạo. 

Trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm chlamydia, trẻ cũng sẽ bị nhiễm từ mẹ ngay sau khi sinh ra. Trẻ bị nhiễm bệnh có thể bị nhiễm trùng mắt hay viêm phổi nghiêm trọng. Bà bầu mắc chlamydia thường có nguy cơ lớn bị sinh non. Do đó, khi mang thai bạn nên khám và kiểm tra xem mình có bị mắc bệnh hay không và điều trị kịp thời nếu nhiễm bệnh.

Đa số những người nhiễm chlamydia thường không có triệu chứng rõ rệt ở khoảng thời gian đầu, khi đó cơ thể có mầm bệnh sẽ lây sang bạn tình. Chi khi đến vài tuần sau khi nhiễm bệnh mới có biểu hiện rõ hơn. Phụ nữ khi bị nhiễm chlamydia thường có triệu chứng như dịch âm đạo có màu sắc và khí vị thất thường, khi đi tiểu có cảm giác nóng rát bộ phận sinh dục. Tương tự ở nam giới cũng có những biến đổi như đi tiểu có hiện tượng nóng rát, dương vật chảy dịch, sưng đau ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. 

Nếu nghi ngờ bản thân hay bạn tình có nguy cơ bị nhiễm chlamydia thì hãy đến khám bệnh ngay. Bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Để càng lâu, thời gian chữa bệnh càng dài.

Bệnh xã hội phổ biến: Bệnh chlamydia Bệnh chlamydia thường không có triệu chứng rõ rệt trong khoảng thời gian đầu mắc bệnh

Bệnh sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà là bệnh xã hội phổ biến lây qua đường tình dục bởi chủng virus HPV. Bệnh có biểu hiện là tình trạng xuất hiện những mụn cóc ở trong bộ phận sinh dục. Những người quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ bằng miệng đều có nguy cơ mắc sùi mào gà.

Bệnh thường phát triển trong âm thầm, khó phát hiện bằng mắt thường, với nữ giới các mụn cóc rất nhỏ và có màu giống da, thường xuất hiện trong nốt sùi âm hộ, xung quanh bộ phận tử cung, hậu môn, thành âm đạo hoặc cổ tử cung. Ở nam giới, những nốt sùi rõ rệt hơn phát triển ở dương vật, hậu môn hoặc tinh hoàn.

Khi mắc bệnh đều có một số triệu chứng như:

  • Bộ phận sinh dục xuất hiện nốt sùi nhỏ.
  • Mọc nhiều nốt thành từng đám như súp lơ.
  • Ngứa và khó chịu ở bộ phận sinh dục.
  • Có nguy cơ chảy máu khi quan hệ sinh dục.

Bệnh sùi mào gà nằm trong danh mục có thể chữa khỏi nhưng cũng dễ tái phát nhiều lần nếu tình trạng lây nhiễm HPV không được kiểm soát.

Bệnh xã hội phổ biến: bệnh sùi mào gà Những nốt sần sùi và mọc từng đám như súp lơ là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sùi mào gà

Bệnh lậu 

Thông qua đường tình dục, bệnh lậu gây bệnh do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Khi bạn có tiếp xúc với bộ phận sinh dục của người mắc bệnh bạn có thể sẽ nhiễm lậu. Phụ nữ mang thai bị nhiễm lậu sẽ lây nhiễm cho trẻ qua đường âm đạo khi sinh. 

Đối với nam giới, triệu chứng của bệnh lậu sẽ bắt đầu sau một vài tuần nhiễm bệnh. Đầu tiên sẽ có cảm giác nóng rát hay đau đớn khi đi tiểu sau đó, dương vật có thể bị sưng hoặc đỏ, tinh hoàn sưng, đau kèm theo viêm họng kéo dài. Ở nữ giới, những triệu chứng của bệnh lậu thường nhẹ hơn bao gồm: Dịch âm đạo có màu xanh, đi tiểu có cảm giác nóng rát, kinh nguyệt kéo dài, đau khi quan hệ tình dục đặc biệt là đau bụng dưới và có kèm theo viêm họng.

Bệnh lậu có thể được điều trị bằng kháng sinh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ gây tổn thương niệu đạo và tinh hoàn.

Một số bệnh xã hội khác như bệnh giang mai, bệnh herpes, HIV/AIDS… đều có con đường lây nhiễm qua tình dục và có những triệu chứng tương tự như những bệnh kể trên. Về lâu dài những bệnh xã hội gây ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức khỏe cá nhân và cộng đồng, với những người mang thai tỷ lệ thai nhi bị lây nhiễm là rất lớn. Bệnh xã hội đều gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản hoặc thậm chí là tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Cách phòng ngừa bệnh xã hội

Bệnh xã hội lây lan nhanh chóng, để phòng chống cần lưu ý một số loại bệnh sau:

  • Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su giúp phòng ngừa lây lan bệnh xã hội.
  • Tránh xa với “tình một đêm”.
  • Cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn bạn tình.
  • Chung thủy một vợ một chồng để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh xã hội.
  • Thường xuyên khám sức khỏe theo định kỳ để biết tình trạng sức khỏe của bản thân. 
  • Tìm hiểu và cập nhật thường xuyên những kiến thức về bệnh xã hội để phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Khi mắc bệnh, nên tuân theo chỉ dẫn điều trị, tuyệt đối không được có suy nghĩ lây lan bệnh cho người khác.

Bệnh xã hội phần lớn đều xuất phát từ hoạt động tình dục. Đặc biệt ở những người trẻ tuổi có lối sống phóng khoáng thường có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và xã hội bạn nên tuân thủ những quy tắc phòng bệnh xã hội.

Trên đây là tất cả những thông tin về vấn đề “Bệnh xã hội là gì? Các bệnh xã hội phổ biến và cách phòng ngừa bệnh” mà nhà thuốc Long Châu chia sẻ. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi trang web của nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm