Long Châu

Bệnh lậu là gì? Nguyên nhân, phương thức lây bệnh và cách phòng tránh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh lậu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục gây ra, lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh lậu thường ảnh hưởng đến niệu đạo, trực tràng hoặc cổ họng. Kiêng quan hệ tình dục, sử dụng bao cao su nếu có quan hệ tình dục và quan hệ chung thủy một vợ một chồng là những cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh lậu là gì? 

Bệnh lậu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae lây truyền qua đường tình dục, lây nhiễm cho cả nam và nữ nhưng nam thường gặp nhiều hơn nữ. Bệnh lậu thường ảnh hưởng đến niệu đạo, trực tràng hoặc cổ họng. Ở nữ giới, bệnh lậu cũng có thể lây nhiễm sang cổ tử cung. Vi khuẩn gây bệnh lậu chủ yếu được tìm thấy trong dịch tiết ra từ dương vật và trong dịch âm đạo.

Bệnh lậu thường lây lan khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. Nhưng trẻ sơ sinh của những bà mẹ bị nhiễm bệnh có thể bị nhiễm bệnh trong quá trình sinh nở. Ở trẻ sơ sinh, bệnh lậu thường ảnh hưởng đến mắt, gây mù vĩnh viễn.

Bệnh lậu không lây lan khi hôn, ôm, trong bể bơi, bồn cầu hoặc dùng chung bồn tắm, khăn tắm, chén, đĩa hoặc dao kéo. Vi khuẩn không thể tồn tại lâu bên ngoài cơ thể con người.

Kiêng quan hệ tình dục, sử dụng bao cao su nếu có quan hệ tình dục và quan hệ chung thủy một vợ một chồng là những cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lậu

Các triệu chứng bệnh lậu ở nam giới thường bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

  • Đau hoặc sưng tinh hoàn.

  • Tiết dịch trắng, vàng hoặc xanh lá cây từ dương vật.

Hầu hết phụ nữ không có triệu chứng. Nếu có, thường nhẹ. 

  • Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu

  • Chảy máu giữa các kỳ kinh.

  • Tiết dịch âm đạo nhiều hơn mức bình thường.

  • Đau bụng.

  • Đau khi quan hệ tình dục.

Nhiễm trùng lậu cầu trong trực tràng hoặc hậu môn của bạn có thể gây ra:

  • Chảy máu.

  • Ngứa.

  • Đau khi đại tiện.

  • Đau nhức vùng chậu.

Bệnh lậu cũng có thể lây nhiễm sang mắt, cổ họng hoặc khớp. Có thể bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hẹn khám với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu nào, chẳng hạn như cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc tiết dịch giống như mủ từ dương vật, âm đạo hoặc hậu môn.

Cũng nên đặt lịch hẹn với bác sĩ nếu vợ/chồng/bạn tình của bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh lậu. Bạn có thể không gặp các dấu hiệu hoặc triệu chứng nhưng nếu không điều trị, bạn có thể lây nhiễm lại cho bạn tình của mình ngay cả khi người đó đã được điều trị bệnh lậu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lậu

Bệnh lậu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae lây truyền qua đường tình dục. Bạn có thể bị nhiễm bệnh lậu từ bất kỳ hình thức tiếp xúc tình dục nào, bao gồm:

  • Giao hợp qua đường hậu môn.

  • Giao hợp bằng miệng .

  • Giao hợp qua đường âm đạo.

Nếu bạn tiếp xúc với dương vật, âm đạo, miệng hoặc hậu môn của người bị bệnh lậu, bạn có thể bị nhiễm bệnh.

Phụ nữ bị bệnh lậu có thể truyền sang con khi sinh qua đường âm đạo. 

Vi khuẩn này không thể sống lâu bên ngoài cơ thể, vì vậy bạn không thể nhiễm bệnh lậu khi chạm vào các đồ vật như bồn cầu hoặc quần áo.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bệnh lậu?

Phụ nữ dưới 25 tuổi hoạt động tình dục và nam giới quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ mắc bệnh lậu cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh lậu

Bạn có thể có nguy cơ cao bị bệnh lậu nếu:

  • Có bạn tình mới.

  • Có bạn tình quan hệ với nhiều bạn tình khác.

  • Có nhiều hơn một bạn tình.

  • Đã mắc bệnh lậu hoặc một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nguyên nhân bệnh lậu

Bác sĩ sẽ cần tìm vi khuẩn trong các mẫu dịch lấy từ cơ thể bạn, bao gồm trực tràng, cổ họng, âm đạo hoặc niệu đạo hoặc nước tiểu của bạn.

Phương pháp điều trị bệnh lậu hiệu quả

Điều trị bệnh lậu ở người lớn

Người lớn mắc bệnh lậu được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Do các chủng Neisseria gonorrhoeae kháng thuốc đang phát triển, khuyến cáo rằng bệnh lậu không biến chứng nên được điều trị bằng kháng sinh ceftriaxone (dạng tiêm) cùng với azithromycin uống.

Nếu bạn bị dị ứng với kháng sinh cephalosporin, chẳng hạn như ceftriaxone, bạn có thể được cho uống gemifloxacin hoặc gentamicin tiêm và azithromycin uống.

Điều trị bệnh lậu cho bạn tình

Bạn tình của bạn cũng nên đi xét nghiệm và điều trị bệnh lậu tương tự, ngay cả khi họ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. 

Điều trị bệnh lậu cho trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh lậu có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lậu

Chế độ sinh hoạt:

Khi bạn đã mắc bệnh lậu, không nên quan hệ tình dục, tuân thủ uống thuốc và chế độ sinh hoạt như bác sĩ đã căn dặn.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể hạn chế tiến diễn bệnh lậu.

Phương pháp phòng ngừa bệnh lậu

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Sử dụng bao cao su.

  • Không quan hệ tình dục với người có các triệu chứng của bệnh lậu. Hãy tạm dừng hoạt động tình dục cho đến khi họ được kiểm tra các triệu chứng (và bạn cũng nên đi kiểm tra).

  • Nên thăm khám thường xuyên nếu bạn có yếu tố nguy cơ mắc bệnh lậu.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gonorrhea/diagnosis-treatment/drc-20351780
  2. https://www.webmd.com/sexual-conditions/gonorrhea#2
  3. https://www.nhs.uk/conditions/gonorrhoea/

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh bò điên

  2. Ho gà

  3. Viêm gan E

  4. Nhiễm Escherichia coli

  5. Tả

  6. Nhiễm khuẩn Chlamydia

  7. Lao phổi

  8. Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

  9. Uốn ván

  10. Nhiễm sán máng