Bị côn trùng chui vào tai là một trong những trường hợp thường gặp. Nguyên nhân thường là do ngủ ở nơi không được vệ sinh sạch sẽ, vốn được xem là nơi ẩn náu của
Bị côn trùng chui vào tai là một trong những trường hợp thường gặp. Nguyên nhân thường là do ngủ ở nơi không được vệ sinh sạch sẽ, vốn được xem là nơi ẩn náu của các loại côn trùng.
Tuy tình huống bị côn trùng chui vào tai không gây ra những biến chứng nặng nề, nhưng nếu xử lý không đúng, có thể dẫn đến việc viêm màng nhĩ, chảy máu da tai, hay thậm chí nặng hơn là thủng màng nhĩ.
Ai đã từng bị côn trùng chui vào tai mới cảm nhận cảm giác đó kinh khủng như thế nào. Triệu chứng thường gặp là đau dữ dội một bên tai, mặc dù trước đó tai không có vấn đề bệnh lý gì. Một số loại côn trùng thường gặp là kiến, bọ chó, gián, …cũng có khi là đỉa, vắt (khi làm việc trong môi trường nước).
Có nhiều phương pháp dân gian được người dân truyền tai nhau để xử lý côn trùng chui vào tai như: ép nước gừng sống hay đổ dầu nóng, oxy già vào tai, xông khói vào tai, …để côn trùng chui ra. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc làm trên là đúng. Vì vậy, cách tốt nhất không nên thực hiện theo những biện pháp này.
Những cách xử lý khi bị côn trùng chui vào tai
Đầu tiên, phải trấn an bệnh nhân. Vì nếu nạn nhân hốt hoảng, càng ngoáy tai hay dùng bất cứ dụng cụ nào để gắp côn trùng ra, thì côn trùng sẽ càng đi vào sâu hơn vào ống tai, càng gây khó chịu, hay thậm chí là thủng màng nhĩ. Bên cạnh đó sẽ khiến côn trùng phản ứng lại, dẫn đến rách da ống tai, chảy máu, gây đau nhức hơn cho bệnh nhân, thậm chí dẫn đến tình trạng chóng mặt, ngất xỉu.
Cách xử lý là kéo nhẹ dái tai lên, nghiêng phần tai bị côn trùng chui vào lên phía trên để côn trùng bò ra ngoài. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng được với những côn trùng nhỏ như kiến. Với côn trùng lớn hơn như gián, thì bản thân côn trùng không thể quay đầu để chui ra ngoài. Cách khác là có thể chiếu đèn sáng vào tai để côn trùng bò ra. Có nhiều bệnh nhân theo quán tính, khi bị côn trùng chui vào tai, sẽ thường nghiêng tai xuống, nhằm hướng cho con trùng chui ra. Nhưng thật ra, khi làm như vậy, côn trùng sẽ cảm nhận được trọng lực đi xuống, dẫn đến tình trạng chúng sẽ bò sâu hơn vào trong. Còn với ánh sáng đèn, phần lớn côn trùng rất nhạy cảm với ánh sáng, khi gặp ánh sáng, chúng sẽ hướng theo ánh sáng, tự động bò ra ngoài.
Sau đó, cho nước sạch vào tai, nếu có sẵn nước vô trùng càng tốt, để côn trùng ngộp và chết.
Nếu côn trùng vẫn chưa chui ra hay chết đi, cần đưa bệnh nhân đến những trạm, cơ sở y tế gần nhất để có cách xử lý phù hợp, kịp thời.
Lưu ý: Nếu bị côn trùng chui vào tai mà cảm thấy có bất thường ở tai như thấy dịch hay máu chảy ra từ tai – có nghĩa là màng nhĩ đã thủng thì không áp dụng những cách trên mà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nhanh chóng.
• Không nên nằm dưới đất, sàn nhà, hay khu vực có cây cỏ dại.
• Nên ngủ giường.
• Không nên ăn uống trên giường, chỗ ngủ nhằm tránh côn trùng bò đến theo thức ăn.
• Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
Bảo Bảo
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.