Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Băng ép là gì? Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn độc cắn

Ngày 24/07/2024
Kích thước chữ

Băng ép là một kỹ thuật sơ cứu quan trọng nhằm giảm tốc độ lan truyền của nọc độc trong trường hợp bị rắn độc cắn hoặc các loại vết thương có nguy cơ nhiễm trùng nặng. Vậy băng ép là gì? Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn độc cắn được thực hiện như thế nào?

Nếu không thực hiện sơ cứu đúng cách khi bị rắn độc cắn, nạn nhân có nguy cơ cao đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như hoại tử, nhiễm trùng máu, và thậm chí là tử vong. Việc băng ép bất động chi bị cắn có thể giúp làm chậm sự lan truyền của nọc độc, đặc biệt là triệu chứng liệt, tạo điều kiện cho nạn nhân có thể đến cơ sở y tế gần nhất một cách an toàn.

Băng ép là gì?

Rắn độc cắn là một tình trạng nhiễm độc do động vật thường gặp, và nó có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện.

Băng ép là gì? Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn độc cắn 1
Vết rắn độc cắn cần được sơ cứu khẩn cấp

Khi một con rắn độc cắn, nọc độc từ vị trí cắn thường di chuyển vào hệ tuần hoàn thông qua hệ bạch huyết. Băng ép và bất động chi bị cắn tạo ra một lực ép có thể làm chậm quá trình di chuyển của nọc độc từ đường bạch huyết vào tuần hoàn hệ thống. Đồng thời, việc bất động chi bị cắn giúp hạn chế sự co cơ, làm giảm hiệu quả của hệ thống bơm máu trong chi, qua đó giảm tốc độ lan truyền của nọc độc. Những biện pháp này có thể làm cho các triệu chứng nhiễm độc, đặc biệt là liệt, xuất hiện chậm hơn, giúp nạn nhân có thời gian để đến cơ sở y tế gần nhất một cách an toàn hơn.

Nguyên lý của kỹ thuật băng ép:

Giảm tốc độ lan truyền chất độc: Băng ép giúp làm chậm quá trình lan truyền của nọc độc qua hệ bạch huyết và tuần hoàn máu. Bằng cách áp dụng lực ép lên vùng bị cắn, băng ép ngăn chặn chất độc di chuyển nhanh chóng qua hệ thống bạch huyết và vào tuần hoàn máu toàn thân.

Hạn chế co cơ: Băng ép cũng giúp giữ cho vùng bị cắn ổn định, làm giảm cử động và co cơ. Điều này làm giảm khả năng chất độc được bơm vào cơ thể nhanh chóng qua các cử động của cơ, từ đó làm chậm sự phát tán của độc tố.

Chuẩn bị

Người thực hiện: Có thể là bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, hoặc bất kỳ ai đã được đào tạo và thực hành sơ cứu trong trường hợp bị rắn cắn.

Phương tiện:

  • Băng: Sử dụng băng chun giãn bản rộng 7 - 10 cm, chuẩn bị 3 cuộn. Nếu không có băng chun giãn, có thể thay thế bằng garô tĩnh mạch. Tuy nhiên, cần chú ý không sử dụng garô động mạch vì có thể gây thiếu máu và tổn thương cho chi.
  • Nẹp: Sử dụng nẹp cố định gãy xương đùi hoặc nẹp cố định cẳng tay. Trong trường hợp không có sẵn nẹp, có thể dùng các vật thay thế như que dài, gậy, hoặc miếng bìa cứng lớn.
  • Băng tam giác hoặc dây treo cẳng tay: Để cố định và hỗ trợ bất động cẳng tay bị cắn.
  • Băng cuộn thông thường: Chuẩn bị 3 cuộn để sử dụng trong việc buộc nẹp và các mục đích khác.

Các dụng cụ, phương tiện khác:

  • Thuốc và dụng cụ sát trùng: Để rửa vết cắn và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Dụng cụ cấp cứu hô hấp: Bao gồm hút đờm rãi, bóng Ambu, thiết bị đặt nội khí quản, máy thở, và oxy.
  • Dụng cụ cấp cứu tuần hoàn: Bộ đặt đường truyền tĩnh mạch, dịch truyền, và thuốc vận mạch.
  • Dụng cụ vận chuyển người bệnh: Cáng và xe cứu thương để di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế.

Người bệnh:

  • Giúp người bệnh giữ bình tĩnh và giảm lo lắng. Đặc biệt nếu vết cắn ở chân, không cho người bệnh tự đi lại vì vận động có thể làm nọc độc lan vào cơ thể nhanh hơn.
  • Cởi bỏ đồ trang sức như nhẫn, vòng tay ở vùng bị cắn cần được tháo bỏ để tránh bị chèn ép khi vùng bị cắn sưng nề. Tuy nhiên, không nên cố gắng cởi quần áo vì có thể gây cử động thêm cho vùng bị cắn. Thay vào đó, băng đè lên quần áo.
  • Bất động vùng bị cắn, giữ cho chân hoặc tay bị cắn bất động, có thể sử dụng nẹp để cố định. Đảm bảo vết cắn được giữ ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim để làm chậm quá trình nọc độc lan ra.
  • Giải thích cho người bệnh về tầm quan trọng của kỹ thuật sơ cứu và hạn chế vận động vùng bị cắn để giảm nguy cơ phát tán nọc độc.
  • Sử dụng hồ sơ bệnh án hoặc ghi chép trên giấy để theo dõi tình trạng của người bệnh và các bước sơ cứu đã thực hiện.
Băng ép là gì? Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn độc cắn 2
Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn độc cắn

Các bước tiến hành kỹ thuật băng ép bất động

Vết cắn ở chân hoặc tay

Đặt băng: Bắt đầu từ vùng quanh ngón tay hoặc chân. Băng cần phải tương đối chặt nhưng không quá mức để vẫn còn cảm nhận được mạch đập và có thể luồn một ngón tay qua giữa các nếp băng một cách khó khăn.

Tiến hành băng: Tiến hành băng từ ngón tay hoặc chân lên đến bẹn (với chân) hoặc nách (với tay). Đảm bảo không che khuất móng tay hoặc chân.

Cố định chi: Sử dụng nẹp cứng như miếng gỗ, que, hoặc miếng bìa cứng để cố định chân hoặc tay bị cắn.

Vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay

Băng ép: Thực hiện băng ép vùng bàn tay, ngón tay, hoặc cẳng tay.

Cố định cẳng tay: Dùng nẹp để cố định cẳng tay.

Dùng khăn hoặc dây: Treo lên cổ người bệnh để hỗ trợ và giữ cho cẳng tay ở vị trí bất động.

Băng ép là gì? Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn độc cắn 3
Băng ép vết cắn ở bàn tay

Vết cắn ở thân mình, đầu, mặt, cổ

Dùng gạc hoặc vải: Cắt gạc, vải hoặc giấy thành miếng có kích thước khoảng 5 cm² và dày 2-3 cm. Đặt miếng gạc trực tiếp lên vết cắn và ấn giữ liên tục, chú ý không gây cản trở cử động của thành ngực hoặc hít thở của người bệnh.

Kết hợp các biện pháp khác trên đường vận chuyển người bệnh đến bệnh viện

Khó thở: Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc thở, hỗ trợ hô hấp bằng cách hà hơi thổi ngạt, sử dụng bóng ambu qua mặt nạ, hoặc đặt nội khí quản rồi bóp bóng hoặc sử dụng máy thở.

Khi nào được tháo băng ép?

Giữ băng ép bất động cho đến khi người bệnh được đưa đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức, đảm bảo bệnh nhân được sẵn sàng thiết bị như máy thở và thuốc hỗ trợ.

bang-ep-la-gi-ky-thuat-bang-ep-bat-dong-so-cuu-ran-doc-can-6.jpg
Thao băng ép và thực hiện cấp cứu vết thương

Chuẩn bị trước khi tháo băng ép:

  • Đặt đường truyền tĩnh mạch: Để chuẩn bị cho việc truyền dịch và thuốc.
  • Thuốc: Chuẩn bị dịch natriclorua 0,9% hoặc ringer lactate để duy trì đường truyền và bộ chống sốc phản vệ.
  • Dụng cụ cấp cứu hô hấp: Oxy, bóng ambu, bộ đặt nội khí quản, và máy thở.

Cách tháo băng:

  • Tháo băng từ từ: Tháo băng một cách chậm rãi và từ từ từng phần để tránh làm nọc độc lan ra nhanh hơn.
  • Theo dõi tình trạng: Trong và sau khi tháo băng, theo dõi sát mạch, huyết áp, màu da, hô hấp, và tình trạng liệt của người bệnh để kịp thời xử lý các biến chứng có thể xảy ra.

Hy vọng qua nội dung bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về băng ép là gì? Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn độc cắn chủ yếu được áp dụng để hạn chế sự di chuyển của chất độc từ vị trí bị cắn đến các vùng khác trong cơ thể, giúp giảm thiểu triệu chứng và tăng cơ hội sống sót của nạn nhân cho đến khi được điều trị y tế chuyên sâu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin