Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Buộc garo là gì? Nguyên tắc cầm máu bằng garo

Ngày 24/07/2024
Kích thước chữ

Trong các tình huống cấp cứu, nhanh chóng cầm máu là yếu tố sống còn để cứu sống bệnh nhân. Một trong những phương pháp cấp cứu quan trọng trong việc cầm máu là buộc garo. Vậy buộc garo là gì? Nguyên tác cầm máu bằng garo là gì?

Khi đối mặt với những tình huống khẩn cấp, việc áp dụng các biện pháp sơ cứu đúng cách có thể quyết định sự sống của bệnh nhân. Buộc garo là phương pháp được sử dụng để kiểm soát chảy máu mạnh, đặc biệt khi vết thương ở chi có nguy cơ dẫn đến mất máu nhiều. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về buộc garo là gì? Nguyên tắc cầm máu bằng garo một cách an toàn và hiệu quả.

Buộc garo là gì?

Buộc garo là một phương pháp cầm máu tạm thời cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp. Phương pháp này sử dụng dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt quanh đoạn chi để ngăn chặn sự lưu thông máu từ phía trên xuống phía dưới của chi, giúp kiểm soát tình trạng chảy máu. Tuy nhiên, việc sử dụng garo cần phải được thực hiện chính xác, vì nếu không, có thể dẫn đến hoại tử hoặc phải cắt bỏ toàn bộ đoạn chi bị ảnh hưởng.

Buộc garo là gì? Nguyên tắc cầm máu bằng garo 1
Buộc garo là một giải pháp cầm máu tạm thời

Khi nào cần chỉ định buộc garo?

Khi một chi bị đứt gần lìa hoặc cụt hoàn toàn, việc áp dụng garo là cần thiết để ngăn chặn sự chảy máu không kiểm soát và tăng cơ hội bảo tồn phần chi còn lại.

Trong trường hợp chi bị dập nát nghiêm trọng đến mức không thể bảo tồn được, garo được sử dụng để kiểm soát tình trạng chảy máu và giảm nguy cơ mất máu nghiêm trọng.

Khi các biện pháp cầm máu tạm thời khác đã được thử nhưng không có kết quả, garo là phương pháp cuối cùng để ngăn chặn sự chảy máu ồ ạt.

Trong các tình huống chiến đấu hoặc các tình huống khẩn cấp khác khi chảy máu không thể kiểm soát bằng băng chèn, garo cần được áp dụng ngay lập tức để cứu sống người bị thương.

Buộc garo là gì? Nguyên tắc cầm máu bằng garo 2
Garo được sử dụng cầm máu trong nhiều trường hợp vết thương khẩn cấp

Khi không có khả năng hoặc kiến thức để thực hiện băng chèn đúng cách, garo trở thành giải pháp tạm thời nhưng hiệu quả để kiểm soát chảy máu.

Nếu vụ tai nạn xảy ra gần các cơ sở y tế hoặc trung tâm phẫu thuật, garo có thể được sử dụng để kiểm soát chảy máu tạm thời cho đến khi người bị thương được điều trị chuyên sâu.

Garo có thể được đặt tạm thời trong một thời gian ngắn trước khi tiến hành các biện pháp phẫu thuật hoặc điều trị vết thương tại cơ sở y tế.

Trong trường hợp bị rắn độc cắn, garo có thể được sử dụng để làm chậm sự lan truyền của nọc độc từ vết cắn ra các vùng khác của cơ thể.

Việc áp dụng buộc garo cần được thực hiện với sự cẩn trọng và chỉ định chính xác để tránh các biến chứng nghiêm trọng như hoại tử mô hoặc mất chi. Thực hiện buộc garo đúng cách giúp kiểm soát tình trạng chảy máu, tăng cơ hội sống sót và giảm thiểu tác động tiêu cực của vết thương.

Hướng dẫn buộc garo đúng cách

Việc đặt garo đúng cách là cực kỳ quan trọng trong các tình huống cấp cứu để kiểm soát chảy máu và cứu sống người bị thương.

  • Trước khi đặt garo, hãy ấn động mạch ngay phía trên vết thương để làm tạm thời cầm máu. Điều này giúp giảm lượng máu chảy ra và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt garo.
  • Lót một lớp vải hoặc gạc ở vị trí dự định đặt garo để tránh làm tổn thương da và mô khi garo được siết chặt. Nếu không có vải hoặc gạc, bạn có thể sử dụng ống quần, ống tay áo, hoặc bất kỳ vật liệu mềm nào có sẵn để lót.
  • Với dây vải: Đặt garo (dây vải) quanh chi bị thương, sau đó xoắn dần để tạo áp lực. Khi bắt đầu xoắn, hãy bỏ tay khỏi động mạch và tiếp tục xoắn garo đồng thời quan sát mạch ở phía dưới hoặc theo dõi máu chảy từ vết thương. Ngừng xoắn khi mạch ngừng đập hoặc máu ngừng chảy. Đảm bảo rằng garo được siết chặt đủ để ngăn chặn sự chảy máu nhưng không quá mức gây hoại tử. Khi đã đạt đủ độ chặt, cố định que xoắn để giữ garo ở vị trí.
  • Với dây cao su: Cuốn dây cao su quanh chi bị thương, tạo áp lực bằng cách cuốn nhiều vòng. Sau đó, buộc chặt dây để giữ garo cố định. Đảm bảo garo không quá lỏng để không đạt hiệu quả cầm máu.
  • Sau khi đặt garo, hãy băng ép vết thương để bảo vệ và giữ garo cố định. Tiến hành các thủ tục hành chính cần thiết, bao gồm ghi chép thông tin về tình trạng của nạn nhân và chuẩn bị vận chuyển người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất.

Việc thực hiện các bước này một cách chính xác giúp đảm bảo rằng garo phát huy tác dụng hiệu quả, giúp kiểm soát tình trạng chảy máu và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Buộc garo là gì? Nguyên tắc cầm máu bằng garo 3
Cần thực hiện cầm máu bằng garo đúng cách

Cách nới garo

Nới garo là một thao tác quan trọng nhằm mục đích khôi phục lưu thông máu tới đoạn chi bị thương, giảm nguy cơ hoại tử mô và cải thiện tình trạng bệnh nhân. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách nới garo và các tình huống cụ thể:

Những trường hợp nào không nới garo:

  • Nếu chi đã bị hoại tử hoặc tình trạng hoại tử đã lan rộng dưới garo, việc nới garo không còn có tác dụng tích cực và có thể gây thêm tổn thương.
  • Nếu garo đã được đặt quá 4 giờ, việc nới garo có thể không còn hiệu quả và có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
  • Khi chi đã bị cụt hoặc bị đứt gần lìa, nới garo không còn khả năng cứu vãn tình trạng.
  • Trong trường hợp bị rắn độc cắn, không nên nới garo vì điều này có thể làm nọc độc lan rộng hơn.

Trong các trường hợp khác, việc nới garo nên được thực hiện khoảng 30 phút một lần để cung cấp máu cho đoạn chi dưới garo mà không làm mất kiểm soát tình trạng chảy máu. Các bước thực hiện nới garo bao gồm:

  • Người phụ trợ sẽ ấn động mạch ngay phía trên garo để kiểm soát lưu lượng máu trước khi nới garo.
  • Người chính thực hiện nới garo từ từ. Trong quá trình này, cần theo dõi tình trạng của bệnh nhân, bao gồm sắc mặt, mức độ chảy máu từ vết thương, mạch đập, và màu sắc của đoạn chi dưới garo.
  • Garo nên được nới khoảng 4 - 5 phút. Trong thời gian này, người thực hiện nới garo cần quan sát kỹ lưỡng phản ứng của bệnh nhân và tình trạng vết thương.

Trong quá trình nới garo:

  • Nếu thấy máu chảy mạnh từ vết thương, phải ấn động mạch lại để kiểm soát chảy máu.
  • Nếu sắc mặt bệnh nhân đột ngột chuyển sang tím tái hoặc nhợt nhạt, cần đặt garo lại ngay lập tức.
  • Không nên đặt garo ở cùng vị trí cũ. Thay vào đó, hãy dịch garo lên hoặc xuống một chút để tránh gây thêm tổn thương cho da và mô.
  • Nếu không thấy máu chảy từ vết thương sau khi nới garo, không cần thắt lại garo ngay lập tức nhưng vẫn giữ garo tại chỗ và sẵn sàng buộc lại nếu tình trạng chảy máu tái phát.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin buộc garo là gì? Sau khi hoàn thành sơ cứu và thực hiện nới garo, cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin