Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không?

Ngày 30/03/2023
Kích thước chữ

Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai gây ra do hoạt động quá mức của tuyến giáp. Vậy bị cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không, cách phòng ngừa ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết sau của Nhà Thuốc Long Châu.

Bệnh cường giáp khi mang thai là bệnh phổ biến và có thể gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm cho mẹ và bé. Cùng tìm hiểu chi tiết về bệnh này cũng như cách phòng ngừa hiệu quả trong bài viết sau đây.

Bệnh cường giáp là gì?

Cường giáp là bệnh rối loạn hệ miễn dịch dẫn đến tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, từ đó gia tăng sản sinh hormone tuyến giáp vào máu gây rối loạn chuyển hóa của cơ thể.

Bị cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không 1Bệnh cường giáp là thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai

Cường giáp là bệnh phổ biến thứ hai sau đái tháo đường và thường gặp ở phụ nữ mang thai với tỷ lệ là 1/1500. Thai phụ mắc bệnh cường giáp thường có các biểu hiện như tăng cân không đều, nôn nhiều bất thường, tim đập nhanh,...

Nguyên nhân bị cường giáp khi mang thai

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp, trong đó Basedow, hormone HCG và nôn nghén nặng là những nguyên nhân chính. Cụ thể như sau:

  • Basedow (bệnh Graves) là một loại bệnh tự miễn khi cơ thể đang cố chống lại tuyến giáp, khiến tuyến giáp hoạt động mạnh hơn.
  • Hormone HCG: Khi nồng độ HCG tăng nhanh và đạt đỉnh điểm vào tuần thứ 12 của thai kỳ sẽ kích thích tuyến giáp, gây ra các triệu chứng cường giáp.
  • Triệu chứng nôn nghén nặng (hyperemesis gravidarum) cũng có thể gây ra bệnh cường giáp nhẹ khi mang thai. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ biến mất sau giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất.

Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên thì bệnh cường giáp trong thai kỳ có thể gây ra do những nguyên nhân sau:

  • Nhiễm trùng gần tuyến giáp;
  • Nồng độ I-ot trong cơ thể cao;
  • Sử dụng thuốc hỗ trợ nhịp tim đập bình thường;
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn;
  • Tuyến giáp phình to, nhiễm trùng, sưng to hoặc ung thư tuyến giáp.
Bị cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không 2Bệnh cường giáp khi mang thai xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Triệu chứng của bệnh cường giáp trong thai kỳ

Cường giáp khi mang thai thường có các triệu chứng như sau:

  • Giảm cân hoặc tăng cân không không đều;
  • Thường xuyên thèm ăn, tiêu chảy hoặc bị táo bón;
  • Nhịp tim đập nhanh kể cả khi cơ thể nghỉ ngơi;
  • Tiết mồ hôi nhiều và giảm khả năng chịu nóng;
  • U, sưng đau ở cổ hoặc mắt bị lồi;
  • Lo âu, cơ thể mệt mỏi, khó ngủ;
  • Cơ mỏi, run rẩy;
  • Tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn;
  • Tuyến giáp to lên trong giai đoạn mang thai;

Bị cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không?

Bệnh cường giáp khi mang thai là một trong những bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và bé. Mỗi năm có khoảng 1% em bé được sinh ra từ mẹ bị bệnh Graves sẽ bị cường giáp do kháng thể kích thích tuyến giáp được truyền qua nhau thai và gây ảnh hưởng đến bé. 

Ngoài ra, bệnh cường giáp trong thời kỳ mang thai có thể làm trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, thai phát triển chậm, sinh non, thai chết lưu, thậm chí là dị tật bẩm sinh.

Bị cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không 3Cường giáp khi mang thai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và bé

Thai nhi bị cường giáp có thể được phát hiện khi siêu âm trước khi sinh nếu phát hiện bướu giáp ở thai nhi hoặc nhịp thai bé cao (hơn 160 nhịp/phút). Khi đó, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc (PTU hoặc MIMI) để điều trị. Sau được khi sinh ra, em bé sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng và diễn biến của bệnh.

Ngoài các triệu chứng đã đề cập, người mẹ còn có thể bị tiền sản giật hoặc đẻ non. Bên cạnh đó, bệnh còn làm tăng nguy cơ bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp ở mẹ bầu.

Điều trị bệnh cường giáp khi mang thai 

Để xác định thai phụ có bị cường giáp hay không, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone tuyến giáp. Sau khi xác định được bệnh, bác sĩ sẽ điều trị dựa trên mức độ bệnh. Sau đây là một phương pháp điều trị bệnh cường giáp khi mang thai phổ biến:

  • Đối với trường hợp nhẹ, nồng độ hormone tăng nhẹ không cần phải điều trị, chỉ cần theo dõi chặt chẽ. Ví dụ, phụ nữ mắc bệnh cường giáp sẽ bị nôn nghén, bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị triệu chứng này.
  • Đối với trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn. Trong đó, Propylthiouracil (PTU) và methimazole (MMI) là 2 loại thuốc thường được sử dụng. Tuy nhiên, PTU có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến thai nhi, do đó việc điều trị bằng thuốc uống cần được quan sát và kiểm tra thường xuyên.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp: Đây là phương pháp được đánh giá là an toàn nhất cho cả mẹ và bé.
Bị cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không 4Bệnh cường giáp khi mang thai có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật

Cách phòng ngừa bệnh cường giáp khi mang thai

Bệnh cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé. Do đó, bạn cần lưu ý một số cách sau đây để bảo vệ sức khỏe tốt nhất:

  • Chỉ bổ sung vừa đủ lượng iot khoảng 250 microgram/ngày, hạn chế ăn nhiều rong biển, rau chân vịt, cá biển, cải thảo,...
  • Kiểm tra sàng lọc bệnh tuyến giáp trước và trong khi mang thai, đặc biệt đối với những người gia đình có tiền sử bị bệnh tuyến giáp hoặc có tiền sản không tốt. Việc sàng lọc sớm giúp bạn phát hiện ra những điều bất thường trong thai kỳ và có phương án điều trị kịp thời.

Bài viết trên là tất cả giải đáp cho thắc mắc bị cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không cũng như cách điều trị hiệu quả. Bệnh cường giáp hoàn toàn có thể phát hiện bằng việc xét nghiệm. Do đó, bạn nên thực hiện kiểm tra sàng lọc trước khi mang thai để phòng tránh các bệnh gây hại cho sức khỏe mẹ và bé.

Uyên Trương

Nguồn tham khảo: Vinmec.com, Hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin