Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm độc giáp có nguy hiểm không?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm độc giáp xảy ra khi các hormone tuyến giáp trong cơ thể tăng cao ngoài giới hạn cho phép. Nhiễm độc giáp khiến các hoạt động trao đổi chất diễn ra nhanh hơn và gây nhiều tác hại trên hệ tim mạch, cơ xương khớp, thị lực cũng như toàn thân. Khi có các dấu hiệu gợi ý nhiễm độc giáp, bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ để điều trị càng sớm càng tốt, tránh tình trạng lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể quá cao có thể gây cơn bão giáp nguy hiểm đến tính mạng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm độc giáp là gì? 

Tuyến giáp là một tuyến nằm ở phía trước cổ, có hình giống như con bướm. Tuyến giáp sản xuất 2 loại hormone là triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4). Các hormone này đảm nhận vai trò lớn trong nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể (điều hòa sự trao đổi chất, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và nhịp tim). Ở bệnh nhân cường giáp và nhiễm độc giáp, nồng độ 2 hormone này tăng cao và nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) giảm còn rất thấp.

Nhiễm độc giáp là tình trạng hormone tuyến giáp trong cơ thể tăng cao quá mức vì một lý do nào đó, gây xáo trộn các hoạt động sinh lý bình thường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm độc giáp

Nhiễm độc giáp nhẹ và trung bình:

  • Tăng nhịp tim, loạn nhịp tim;

  • Đổ nhiều mồ hôi;

  • Cáu kỉnh, lo lắng, bồn chồn;

  • Tay run và yếu các cơ;

  • Tăng nhạy cảm với nhiệt;

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;

  • Rối loạn, bất thường về chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới;

  • Mắt đỏ, chảy nước mắt, lồi mắt.

Nhiễm độc giáp nặng (cơn bão giáp):

  • Nhịp tim rất cao;

  • Sốt cao;

  • Kích động, lo lắng;

  • Lẫn lộn;

  • Tiêu chảy;

  • Buồn nôn, nôn;

  • Mất ý thức.

Tác động của nhiễm độc giáp đối với sức khỏe 

Nhiễm độc giáp làm tăng khả năng trao đổi chất và các hoạt động khác của cơ thể. Nhiễm độc giáp khiến bệnh nhân lo lắng, bồn chồn, khó chịu, sụt cân… Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng trên tim mạch, xương khớp, thị lực hoặc nghiêm trọng hơn là cơn bão giáp gây nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc nhiễm độc giáp

Nhiễm độc giáp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân:

  • Loạn nhịp tim, rung nhĩ, làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim sung huyết.

  • Dư thừa hormone tuyến giáp quá lâu làm giảm khả năng lưu giữ calci trong xương, gây loãng xương.

  • Bệnh mắt tuyến giáp cho bệnh Basedow có thể gây sưng, phồng, đỏ mắt và đe dọa đến thị lực.

  • Cơn bão giáp là một tình trạng đe dọa tính mạng khi hormone tuyến giáp đột ngột được sản xuất và giải phóng một lượng lớn trong một khoảng thời gian ngắn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc giáp

Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh nhân nhiễm độc giáp:

  • Bệnh Graves (Basedow) là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm độc giáp.
  • U tuyến giáp.
  • U quái đơn bì.
  • Viêm tuyến giáp: Do virus, vi khuẩn, thuốc (lithium, interferon…), viêm tuyến giáp tự miễn, viêm tuyến giáp sau sinh…
  • Sử dụng thuốc điều trị suy giáp quá liều chỉ định.
  • Tiêu thụ thực phẩm chứa hormone tuyến giáp (thịt cổ bò chứa mô tuyến giáp…).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm độc giáp?

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phải nhiễm độc giáp:

  • Người mắc bệnh tự miễn.
  • Người bị viêm tuyến giáp.
  • Người tự ý sử dụng thuốc điều trị suy giáp quá liều chỉ định.
  • Phụ nữ vừa sinh con.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm độc giáp

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Nhiễm độc giáp, bao gồm:

  • Giới tính: Theo thống kê, số lượng nữ giới bị nhiễm độc giáp cao hơn nam giới (2% ở nữ và 0,2% ở nam).

  • Khả năng nhiễm độc giáp tăng lên theo tuổi tác.

  • Gia đình có người có các bệnh lý về tuyến giáp, đặc biệt là bệnh Basedow.

  • Đang mắc một số bệnh tự miễn (đái tháo đường type 1, thiếu máu ác tính, Addison…).

  • Vừa mới sinh con.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm độc giáp

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm độc:

  • Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, các thuốc bạn đang sử dụng và kiểm tra bên ngoài phần cổ của bạn nếu có dấu hiệu sưng to tuyến giáp.
  • Đo nhịp tim, huyết áp.
  • Xét nghiệm máu về nồng độ các hormone tuyến giáp (T3, T4), hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
  • Xét nghiệm kháng thể kháng enzyme thyroid peroxidase (anti – TPO): Kháng thể này được tìm thấy ở 85% bệnh nhân Basedow.
  • Xét nghiệm kháng thể kích thích tuyến giáp (TSab) hay globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI): Đặc hiệu cho bệnh Basedow.
  • Siêu âm tuyến giáp.
  • Xạ hình tuyến giáp.
  • Thử nghiệm hấp thu iod phóng xạ: Cho bệnh nhân dùng liều nhỏ iod phóng xạ và đo lại lượng iod phóng xạ mà tuyến giáp đã hấp thu sau 6 và 24 giờ. Nếu tuyến giáp hấp thu nhiều iod phóng xạ chứng tỏ nó đang sản xuất quá nhiều thyroxine (T4) do bệnh Basedow hoặc nhân giáp. Nếu tuyến giáp chỉ hấp thu một ít iod phóng xạ chứng tỏ có một lượng T4 rò rỉ vào máu do viêm tuyến giáp.

Phương pháp điều trị nhiễm độc giáp hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Dùng thuốc kháng giáp (methimazole, propylthiouracil) trong trường hợp mắc bệnh Basedow hoặc các dạng cường giáp khác. Methimazole mạnh hơn và tác dụng lâu hơn propylthiouracil. Propylthiouracil được dành riêng để sử dụng trong cơn bão giáp, phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kỳ và khi bệnh nhân dị ứng hoặc không dung nạp methimazole. Liều thuốc kháng giáp được điều chỉnh 4 tuần/lần đến khi các chức năng tuyến giáp bình thường trở lại.

Dùng iod phóng xạ (RAI) I – 131 dạng viên uống để phá hủy bớt các mô tuyến giáp hoạt động quá mức, giúp thu nhỏ phần nào kích thước của tuyến giáp. Không áp dụng phương này với phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Dùng glucocorticoid để giảm đau và viêm do viêm tuyến giáp.

Dùng thuốc chẹn β để làm giảm bớt các triệu chứng mạch nhanh và run tay (nếu cần) và phải phối hợp với các thuốc khác để giảm lượng hormone tuyến giáp.

Dùng nước muối nhỏ mắt và đeo kính râm khi ra đường nếu có các triệu chứng nhẹ trên mắt.

Đối với trường hợp bệnh nhân bị tổn thương mắt do phù nề chèn ép dây thần kinh thị giác, có thể sử dụng glucocorticoid liều cao, kháng thể đơn dòng chẹn IGF – 1R, phẫu thuật giảm áp hốc mắt.

Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. 

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm độc giáp

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Sự tăng cường trao đổi chất do nhiễm độc giáp có thể ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc khác (insulin…). Do đó, bạn cần nói với bác sĩ về các thuốc đang sử dụng vì có thể cần phải chỉnh liều những thuốc này.

  • Nhiễm độc giáp có thể gây nên các triệu chứng khá giống với hạ đường huyết (run, toát mồ hôi…) khiến bệnh nhân tăng sử dụng đường gây tăng đường huyết.

  • Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý tim phổi hoặc nhiễm độc giáp nặng, cần thận trọng và giảm các hoạt động thể chất đến khi tình trạng cường giáp được kiểm soát.

  • Thận trọng khi dùng thuốc cản quang chứa iod khi thực hiện các chẩn đoán hình ảnh.

  • Nên kiểm tra định kỳ chức năng tuyến giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước, đặc biệt ở bệnh nhân bị mất nước.

  • Bổ sung thêm calci từ sữa, các sản phẩm từ sữa và trong thực phẩm hàng ngày.

  • Tránh dùng các thực phẩm chứa iod.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm độc giáp hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Không dùng các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp quá liều chỉ định của bác sĩ.

  • Rèn luyện sức khỏe thường xuyên bằng việc tập thể dục và có chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.webmd.com/women/thyrotoxicosis-hyperthyroidism
  2. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases
  3. https://www.mayoclinicproceedings.org/article/S0025-6196(18)30799-7/fulltext
  4. https://emedicine.medscape.com/article/121865-overview

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn lipid máu

  2. Tăng canxi máu

  3. Bệnh võng mạc tiểu đường

  4. Bướu cổ

  5. Bướu giáp keo

  6. Hội chứng mất trí nhớ Korsakoff

  7. Bệnh Madelung

  8. Bệnh lùn tuyến yên

  9. Tiểu đường tuýp 3

  10. Tiểu đường thai kỳ