Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị rận mèo cắn có sao không? Cần làm gì?

Ngày 26/10/2022
Kích thước chữ

Mèo là vật nuôi khá quen thuộc trong các gia đình Việt. Nhưng trên con mèo cũng có những loại ký sinh trùng có thể cắn người như rận mèo. Vậy bị rận mèo cắn có sao không và nên làm gì?

Rận mèo sống ký sinh trên mèo và hút máu vật nuôi để sống. Chúng không chỉ đốt mèo mà còn có thể đốt cả người chăm mèo và chơi cùng mèo. Bị rận mèo cắn nhẹ thì gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu, nặng thì có thể bị lây truyền bệnh nguy hiểm. Vậy cần làm gì khi rận mèo cắn? 

Rận mèo là con gì? 

Rận mèo là loài sống ký sinh trên người con mèo. Chúng tồn tại bằng cách hút máu mèo và rất thường gặp ở những con mèo từng tiếp xúc với con vật có rận hoặc con mèo không được vệ sinh sạch sẽ. Chỉ duy nhất một loài rận sinh sống trên mèo là Felicola Subrostratus, chúng không thể lây sang các loài vật khác. Chúng thường cắn và hút máu ở các vùng đầu, tai, đuôi, bẹn, hậu môn của con mèo. 

Rận mèo không lây sang loài khác nhưng tất cả những loài có vú và con người đều có thể bị chúng cắn. Rận mèo rất khó trị bởi chúng có thể sống 100 ngày mà không cần hút máu. Nhiều người vô cùng lo lắng khi bị rận mèo cắn. Vậy bị loài ký sinh này cắn có sao không?

bị rận mèo cắn 1 Hình ảnh rận mèo

Bị rận mèo cắn có sao không?

Rận mèo khi cắn người, vết cắn thường ở khu vực mắt cá chân, cẳng chân, quanh bàn chân. Từ đó, rận có thể di chuyển khắp người và gây họa ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhất là những vùng có nhiều lông, tóc. Vết rận mèo cắn có thể nhận biết bằng các đặc điểm như:

  • Vết cắn khá nhỏ, ở giữa có một chấm đỏ. 
  • Rận mèo thường cắn từng đám khoảng 3 - 4 vết cắn cùng lúc, đôi khi sẽ cắn thành một dãy. 
  • Có khi vết cắn của rận mèo đóng vảy và bao quanh là vòng tròn đỏ nhạt. 
  • Trên da xuất hiện các vết sần khoảng 1 - 2mm cao hơn so với bề mặt da bình thường. Ở chóp vết dẫn có mụn nước nhỏ gây ngứa. 

Người bị rận mèo cắn thường có nhiều triệu chứng khác nhau từ nhẹ đến nặng như: 

  • Vết cắn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
  • Khi vết cắn bị sưng đỏ, viêm tấy có thể kèm cảm giác đau.
  • Những người da dữ vết sưng đau dữ dội rồi có thể bị nhiễm trùng da do vi khuẩn xâm nhập ở vết cắn
  • Trong số ít trường hợp, rận mèo cũng làm lây nhiều bệnh nguy hiểm sang người trong đó có bệnh dịch hạch. 

Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng! Trong đa số trường hợp rận mèo cắn không gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vậy bạn có thể làm gì để giảm cảm giác khó chịu và giúp da nhanh lành?

bị rận mèo cắn 2 Bị rận mèo cắn ít khi gây nguy hiểm

Làm gì khi bị rận mèo cắn?

Khi bị rận mèo cắn, bạn có thể làm giảm cảm giác khó chịu bằng những biện pháp sau: 

  • Dùng nước trà xanh để rửa khu vực có vết cắn của rận mèo hay đắp trực tiếp lá trà giã nát lên vùng da đó sẽ giảm cảm giác ngứa ngáy nhanh chóng. Bạn cũng có tận dụng những túi trà túi lọc đã qua sử dụng đặt lên vết cắn của rận mèo. 
  • Dùng nước cốt dừa tươi thoa lên vùng da bị rận cắn sau đó lưu lại khoảng 3 giờ. Thực hiện như vậy khoảng 3 lần là vết cắn sẽ dịu, giảm sưng và đau trông thấy. 
  • Dùng thuốc bôi ngoài da Calamine với thành phần chủ yếu là oxit kẽm. Oxit kẽm có tác dụng giảm ngứa, làm se da, phòng ngừa nhiễm trùng hiệu quả. 
  • Giấm cũng có tác dụng giảm ngứa hiệu quả. Bạn chỉ cần dùng miếng bông tẩy trang, thấm ướt giấm rồi đắp lên vùng da bị ngứa là xong.
bị rận mèo cắn 3 Thuốc bôi ngoài da Calamine

Cách diệt rận mèo hiệu quả

Bị rận mèo cắn mang lại cảm giác không mấy dễ chịu. Vì vậy cách tốt nhất là phòng ngừa bị chúng cắn. Sử dụng các loại tinh dầu và mùi hương để xua đuổi rận mèo như: Tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu oải hương, nước xịt hương chanh, cam, bưởi... có thể phòng ngừa rận mèo. Đối với vật nuôi, bạn cần diệt trừ rận mèo tận gốc bằng các cách: 

Cho mèo dùng sữa tắm trị rận

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại sữa tắm trị rận cho thú cưng. Khi tắm cho mèo, bạn nên dùng bọt biển để tạo bọt và đảm bảo sữa tắm tiếp xúc vào tận da mèo vì rận hay trú ngụ ở gốc lông. Hãy lưu sữa tắm trên lông mèo ích nhất 3 phút để đảm bảo hiệu quả. Cuối cùng bạn mới tắm lại cho mèo bằng nước ấm. Sau khi tắm cho mèo xong, bạn nên sấy khô, sau đó rắc baking soda lên lông mèo. Baking soda có thể khiến rận bị mất nước và chết. 

bị rận mèo cắn 4 Sữa tắm trị rận cho mèo

Dùng nước chanh diệt rận mèo

Sau khi tắm cho mèo xong, bạn pha nước cốt chanh với nước lọc rồi cho vào bình xịt. Bạn vạch từng lớp lông mèo và xịt trực tiếp chanh lên đó sao cho nước chanh tiếp xúc được với bề mặt da. Cách này khá hiệu quả, không tốn kém và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của mèo. Nếu thường xuyên áp dụng bạn chẳng còn phải lo bị rận mèo cắn nữa.

Dùng thuốc trị rận

Có nhiều loại thuốc trị rận những thuốc dạng xịt là dễ sử dụng nhất. Những loại thuốc này sẽ khiến con rận bị tê liệt thần kinh và chết thức thì. Ưu điểm khác là những loại thuốc này cũng tiêu diệt được cả trứng rận bám trên lông mèo. Tuy nhiên, khi dùng thuốc bạn phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tránh gây hại cho mèo. 

bị rận mèo cắn 5 Thuốc trị rận dạng xịt 

Đeo vòng diệt rận

Với những gia đình nuôi thú cưng, vòng diệt rận hẳn không còn xa lạ. Chiếc vòng này chủ yếu làm từ thành phần tự nhiên và được thiết kế xinh xắn. Khi đeo lên cổ mèo, nó vừa giống một món phụ kiện thời trang, vừa xua đuổi phòng ngừa rận lại vừa có thể tiêu diệt rận. Hạn sử dụng của mỗi chiếc vòng khoảng 3 tháng. 

bị rận mèo cắn 5 Vòng đuổi rận

Bị rận mèo cắn dù không quá nguy hiểm nhưng cũng không tốt cho sức khỏe. Gia đình có trẻ con càng nên lưu ý kiểm tra mèo thường xuyên để phát hiện và diệt rận sớm tránh để chúng cắn người. Bạn có thể kiểm tra bằng cách chải ngược lông lên, quan sát xem mèo có bị ngứa và tự gãi hay không… Nếu rận mèo quá nhiều, áp dụng những cách trên không hiệu quả, hãy đưa thú cưng đến bác sĩ thú y bạn nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin