Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bong võng mạc có chữa được không? Điều trị như thế nào?

Ngày 18/03/2022
Kích thước chữ

Bong võng mạc là tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến thị lực. Vậy những dấu hiệu nhận biết bong hay rách võng mạc như thế nào? Có thể điều trị được không? Và có những phương pháp chữa trị nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp các thắc mắc này.

Võng mạc là màng thần kinh dày khoảng 0.4 mm nằm ở phần trong cùng của nhãn cầu có nhiệm vụ hội tụ ánh sáng từ giác mạc và thủy tinh thể, thông qua dây thần kinh thị giác hình ảnh sẽ được gửi đến não.

Tình trạng bong võng mạc là gì?

Bong võng mạc là tình trạng lớp mô võng mạc bị bong ra khỏi vị trí bình thường. Ban đầu có thể là do một vết rách nhỏ ở võng mạc, khiến dịch trong mắt tràn xuống dưới võng mạc dần dần tách lớp võng mạc ra khỏi vị trí ban đầu. Lúc này, võng mạc không được cung cấp đủ dinh dưỡng, khiến người bệnh bị mờ mắt nếu không được điều trị sẽ dẫn đến mất thị lực hoàn toàn.

Đa số trường hợp bị bong võng mạc thường có các dấu hiệu cảnh báo rất rõ ràng. Chỉ cần người bệnh không chủ quan là có thể dễ dàng nhận biết các dấu hiệu bất thường của bệnh. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện thị lực của bệnh nhân.

Bong võng mạc có chữa được không? Điều trị như thế nào? 1 Bong võng mạc là lớp võng mạc bong khỏi đáy mắt

Nguyên nhân bong hoặc rách võng mạc 

Bong võng mạc xảy ra khi có một hoặc nhiều vết rách xuất hiện trên võng mạc. Lúc này, dịch kính trong mắt chảy qua lỗ rách và tách dần võng mạc ra khỏi lớp mô dinh dưỡng. Vết rách xuất hiện do thoái hóa võng mạc. Những người có tiền sử chấn thương mắt, cận thị nặng, xuất huyết dịch kính,... có nguy cơ bong võng mạc cao hơn người bình thường. Tuổi tác, người mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ mắc bong võng mạc cao. Do đó người tiểu đường nên kiểm soát chỉ số đường huyết của mình.

Phân loại bong võng mạc

Bong võng mạc nguyên phát

Hiện tượng do có một hoặc nhiều vết rách lớp thần kinh cảm giác dẫn đến bong võng mạc nội sinh.

Bong võng mạc thứ phát

Hiện tượng tích tụ dịch kính ở lớp dưới võng mạc không do vết rách mà do bệnh lý của võng mạc hoặc màng bồ đào. Có hai nhóm bong võng mạc thứ cấp:

  • Bong võng mạc do lực kéo: Do sự kết dính bất thường của bề mặt bên trong lớp thần kinh cảm giác của võng mạc co lại và tách ra. Trường hợp này thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường.
  • Bong võng mạc xuất tiết: Chất dịch kính thấm xuống dưới võng mạc, nhưng không có vết xước hoặc vết rách trên võng mạc. Điều này thường là do các rối loạn của võng mạc, bao gồm bệnh viêm hoặc chấn thương mắt. 

Dấu hiệu của bệnh bong võng mạc

Bong võng mạc không gây đau đớn nhưng chủ yếu gây rối loạn thị giác và giảm thị lực. Các triệu chứng ban đầu có thể là nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy ở góc mắt hay dấu chấm đen bay luẩn quẩn trước mắt (dấu hiệu ruồi bay) hoặc một màng đen bao phủ phía trước vùng nhìn.

Một số trường hợp bị bong võng mạc âm thầm khiến người bệnh không thể nhận biết được. Khi toàn bộ võng mạc bị bong ra thì chỉ phân biệt được sáng tối. Còn những trường hợp bong võng mạc đột ngột, bệnh nhân sẽ mất toàn bộ thị giác ở một mắt.

Bong võng mạc có chữa được không? Điều trị như thế nào?  2 Triệu chứng bong võng mạc là thấy những điểm mờ bay phía trước mắt như ruồi bay

Bong võng mạc có nguy hiểm không?

Bong võng mạc có nguy hiểm không, có chữa được hay không còn phụ thuộc vào mức độ bong võng mạc, được phát hiện sớm hay muộn và tình trạng thị lực của mỗi cá nhân. Nếu được phát hiện sớm, bong võng mạc có thể được điều trị thành công bằng phẫu thuật.

Nhìn chung, phẫu thuật bong võng mạc thường rất thành công, cứ 10 người thì có 9 người được chữa khỏi bong võng mạc chỉ với một lần phẫu thuật. Trong trường hợp cần phẫu thuật lần thứ hai thì tỷ lệ chữa khỏi là hơn 95%.

Ngoài ra việc chữa trị dứt điểm một phần phụ thuộc vào vị trí bong võng mạc. Nếu vị trí bong võng mạc nằm ở điểm vàng (nơi thu được hình ảnh rõ nhất) thì không thể lấy lại thị lực 100%.

Cách điều trị bong võng mạc

Sau khi kiểm tra tình trạng, mức độ bong tróc của võng mạc bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị thích hợp.

Nếu võng mạc chỉ bị rách chưa bong ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện hai phương pháp dưới đây:

  • Phẫu thuật laser (quang đông): Bác sĩ chiếu một chùm tia laser qua đồng tử vào mắt để bịt kín vết rách và cố định võng mạc.
  • Làm lạnh cường độ cao (cryopexy): Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ gắn một đầu dò vào bề mặt bên ngoài của mắt để tạo áp lực trực tiếp lên vết rách. Việc làm lạnh này giúp cố định võng mạc vào thành mắt.

Nếu trường hợp võng mạc đã bị bong ra, bạn bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật.

  • Bơm khí: Bơm một bong bóng khí vào thủy tinh thể để ép võng mạc đã bị bong ra vào đáy mắt. Sau vài ngày bong bóng khí này se lại và biến mất.
  • Ấn độn củng mạc: Một dải silicone được đặt xung quanh mắt để giữ võng mạc ở đúng vị trí và vật liệu này sẽ lưu lại trong mắt vĩnh viễn. 
  • Cắt thủy tinh thể: Bác sĩ loại bỏ thủy tinh thể cùng với bất kỳ mô nào đang kéo võng mạc ra ngoài. Sau đó dùng bọt khí, một loại khí đặc biệt hoặc dầu silicon để cố định làm võng mạc. Cuối cùng, khí được tái hấp thu và biến mất còn dầu silicon không tự phân giải mà phải phẫu thuật loại bỏ sau vài tháng.
Bong võng mạc có chữa được không? Điều trị như thế nào?  3 Phẫu thuật có thể chữa bong võng mạc với tỷ lệ thành công chỉ sau một lần

Tóm lại, bong võng mạc có thể chữa được và thị lực của bạn sẽ cải thiện trong khoảng 4 - 6 tuần sau khi phẫu thuật. Võng mạc vẫn tiếp tục hồi phục trong một năm hoặc hơn. Đối với bong võng mạc mãn tính không thể phục hồi toàn bộ thị lực. Mức độ bong võng mạc càng nặng và kéo dài thì khả năng phục hồi thị lực càng kém.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin