Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Bung mắc cài niềng răng: Nguyên nhân và cách xử lý

Ngày 12/04/2024
Kích thước chữ

Trong quá trình niềng răng, bung, tuột mắc cài là một trong những sự cố phổ biến và có thể gây ảnh hưởng đến quá trình niềng nếu không được xử lý kịp thời. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng bung mắc cài niềng răng?

Hiện tượng bung mắc cài niềng răng có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào và do nhiều nguyên nhân khác nhau như tác động của ngoại lực, tay nghề của bác sĩ hay do mắc cài quá lỏng hoặc quá chật,... Vậy cần xử lý thế nào khi mắc cài bị bung?

Dấu hiệu nhận biết mắc cài bị bung

Niềng răng mắc cài là phương pháp nha khoa chuyên dụng sử dụng hệ thống các mắc cài và dây cung để tạo ra lực kéo răng nhằm dịch chuyển các răng về đúng vị trí mong muốn trên cung hàm.

Phương pháp này giúp điều chỉnh các cấu trúc răng thưa, răng khấp khểnh, răng chen chúc, răng hô hay những sai lệch liên quan đến khớp cắn và xương hàm như khớp cắn chéo, khớp cắn sâu, khớp cắn hở, khớp cắn ngược, hô xương, móm xương,… nhằm mang lại hàm răng thẳng đều và cân đối khớp cắn.

Trong quá trình niềng răng có thể xảy ra nhiều sự cố trong đó bung mắc cài niềng răng là hiện tượng thường gặp nhất đặc biệt trong niềng răng mắc cài truyền thống.

Bung mắc cài niềng răng: Nguyên nhân và cách xử lý 1
Bung mắc cài là sự cố thường gặp khi niềng răng

Tuy nhiên, tình trạng này khó có thể phát hiện được do trong một vài trường hợp mắc cài bị bung ra khỏi bề mặt răng nhưng vẫn nằm thẳng hàng trên dây thun. Điều này rất khó có thể phát hiện được thông qua mắt thường. Việc nhận biết mắc cài bị bung thông qua 2 cách sau:

  • Cách 1: Dựa vào cảm nhận trong quá trình ăn nhai hay vệ sinh răng miệng. Khi mắc cài bị bung tuột sẽ trở nên lỏng lẻo và di chuyển trên dây cung. Ngoài ra, bản thân lúc này cũng có thể cảm thấy đau nhức, khó chịu tại vị trí nào đó trên hàm răng.
  • Cách 2: Phát hiện thông qua qua tái khám định kỳ. Trong quá trình kiểm tra định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra lại sự dịch chuyển của răng cũng như toàn bộ phần dụng cụ chỉnh nha nhằm phát hiện các sự cố. Từ đó có các biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị tuyệt đối.

Nguyên nhân gây nên tình trạng bung mắc cài niềng răng?

Tình trạng bung mắc cài niềng răng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như thói quen vệ sinh răng, ăn uống không phù hợp hay do tác động của ngoại lực,… Một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng trên bao gồm:

Vệ sinh răng quá mạnh

Trong quá trình niềng răng, việc vệ sinh mắc cài hay răng miệng thông qua đánh răng và dùng chỉ nha khoa là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên việc chải răng quá mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Bung mắc cài niềng răng: Nguyên nhân và cách xử lý 3
Chải răng quá mạnh khiến cho mắc cài bị bung, tuột ra dễ dàng

Khi chải răng quá mạnh, sẽ làm cho men răng bị bào mòn, nướu bị tổn thương và làm cho mắc cài bị bung, tuột ra dễ dàng. Để cải thiện tình trạng trên, tốt nhất nên sử dụng bàn chải có lông mềm và chải răng một cách nhẹ nhàng hơn trong quá trình vệ sinh răng miệng.

Tác động của ngoại lực

Mắc cài có thể bị bung tuột khi vận động, va chạm mạnh hay khi bị ngã hoặc dập vào một vật cứng nào đó. Do đó, trong quá trình niềng răng nên hạn chế các hoạt động vận động mạnh. Ngoài ra, cũng nên loại bỏ các thói quen như dùng tăm xỉa hay cắn móng tay, dùng răng mở nắp vật cứng,... Bởi vì nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống mắc cài trong khoang miệng.

Sử dụng mắc cài kém chất lượng

Các loại mắc cài rẻ, kém chất lượng từ các địa chỉ không uy tín sẽ dễ dàng gây ra hiện tượng bung mắc cài. Việc sử dụng mắc cài kém chất lượng không chỉ gây rắc rối cho người sử dụng mà còn khiến việc niềng răng trở nên vô nghĩa thậm chí là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng.

Thói quen ăn uống

Khi quá trình niềng răng, bác sĩ luôn khuyến khích người niềng sử dụng các thực phẩm được chế biến mềm, dễ nhai để hạn chế lực tác động của hàm răng. Các đồ ăn dai hoặc cứng là nhóm đồ ăn không được khuyến khích khi chỉnh nha.

Bung mắc cài niềng răng: Nguyên nhân và cách xử lý 2
Các đồ ăn quá cứng, quá dẻo có thể làm bung mắc cài niềng răng

Việc sử dụng các loại thực phẩm không được cho phép sẽ làm tăng nguy cơ gây bung mắc cài. Do các loại đồ ăn có tính dính và dai như kẹo, kẹo cao su,... có thể dính vào mắc cài, khiến chúng tuột ra. Trong khi đó, các đồ ăn cứng khiến cho răng phải dùng nhiều sức hơn so với bình thường, làm cho mắc cài bị bung, rơi ra ngoài.

Kỹ thuật đặt mắc cài

Nếu không may lựa chọn phải cơ sở nha khoa chất lượng kém, bác sĩ không có đủ chuyên môn và kỹ thuật sẽ dễ gây ra sự cố bung tuột mắc cài. Trong quá trình đặt mắc cài, để có được sự liên kết chắc chắn nhất có thể, răng của người niềng cần phải sạch và khô trong quá trình chuẩn bị. Nước bọt dư thừa trong quá trình này cũng như sự tích tụ mảng bám có thể cản trở sự liên kết.

Cách xử lý khi bị bung mắc cài niềng răng

Niềng răng mắc cài là quá trình tạo lực tác động để dịch chuyển răng về vị trí mong muốn trên cung hàm thông qua hệ thống các mắc cài và dây cung. Khi mắc cài bị bung, tuột sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến hệ thống chỉnh nha, dây cung bị cũng bị lỏng lẻo dẫn đến làm giảm lực nắn chỉnh răng. Tình trạng này kéo dài sẽ làm kéo dài thời gian niềng răng, làm giảm khả năng dịch chuyển của răng, thậm chí làm răng bị dịch chuyển sai lệch.

Ngoài ra, bung mắc cài niềng răng còn khiến trầy xước, tổn thương các mô mềm xung quanh răng. Nguy hiểm hơn là người niềng có thể vô tình nuốt phải mắc cài, gây nguy hiểm đến sức khỏe như viêm, thủng dạ dày, ruột,... Do đó, việc xử lý sớm các mắc cài bị bung là điều vô cùng quan trọng. Khi mắc cài bị bung, trước hết bạn cần phải thật bình tĩnh để xử lý tình huống.

Trong trường hợp mắc cài chưa bung hoàn toàn, bạn có thể lấy một cây nhíp sạch để ấn mắc cài về vị trí ban đầu. Sau đó, hãy phủ lớp sáp nha khoa lên trên vị trí mắc cài bị tuột và dây cung. Việc sử dụng sáp sẽ giúp hạn chế tình trạng dây cung cọ xát vào mô mềm gây đau rát.

Bung mắc cài niềng răng: Nguyên nhân và cách xử lý 4
Khi mắc cài chưa bung hoàn toàn thể lấy sáp để cố định lại mắc cài

Khi mắc cài bị bung tuột hẳn ra ngoài, hãy cất gọn vào mắc cài và mang theo đến gặp bác sĩ ngay. Bung tuột mắc cài không nên tự ý xử lý hay trì hoãn đến gặp nha sĩ bởi nó có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình niềng răng của bạn. 

Sau khi kiểm tra tình hình, bác sĩ có thể sử dụng lại mắc cài cũ bị bung trước đó hoặc thay mới, đồng thời điều chỉnh lại lực siết của dây cung để đảm bảo duy trì quá trình chỉnh nha theo đúng kế hoạch ban đầu.

Nếu lỡ nuốt phải mắc cài vào bụng, cần nhanh chóng đến bệnh viện để loại bỏ dị vật. Trong trường hợp mắc cài kẹt lại trong khoang miệng, cổ họng, không nên cố gắng tự lấy mắc cài hay uống nhiều nước để mắc cài trôi xuống. Vì điều này có thể sẽ làm tổn thương thực quản, khiến dị vật đi sâu vào cơ thể và gây khó khăn cho quá trình lấy ra.

Bung mắc cài niềng răng là một sự cố khá phổ biến có thể gặp ở bất cứ ai trong quá trình niềng răng. Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến khả năng dịch chuyển của răng thậm chí là làm tổn thương đến các mô mềm bên trong khoang miệng.

Xem thêm: Nhổ răng số 4 để niềng răng có tốt không? Nên làm thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin