Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sáp nha khoa là gì? Cách dùng sáp như thế nào cho đúng để giảm đau?

Ngày 20/08/2022
Kích thước chữ

Khi chỉnh nha bằng niềng răng với mắc cài, bạn sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng mắc cài, dây cung cọ xát với môi, má trong và lưỡi gây ra các vết xước trên mô mềm. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để đối phó với tình trạng này là sử dụng sáp nha khoa để bịt các các đầu sắc nhọn của mắc cài hoặc dây cung. Việc sử dụng sáp nha khoa rất đơn giản và bác sĩ nha khoa sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng.

Sáp nha khoa dùng để tạo rào cản giữa mắc cài hay dây cung với các mô mềm trong miệng. Đối với những bạn đang niềng răng hoặc đang tìm hiểu các công nghệ chỉnh nha, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua về loại sáp này. Để hiểu thêm về dụng cụ này hãy cùng nhau theo dõi tiếp những thông tin dưới đây nhé.

Sáp nha khoa là gì?

Sáp nha khoa hay còn gọi là sáp chỉnh nha là sản phẩm được sử dụng phổ biến cho những người mang niềng răng. Chất sáp mềm, dễ uốn, không trong suốt. Nó là một hợp chất hữu cơ của các axit béo từ nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp. Hầu hết các loại sáp chỉnh nha hiện nay trên thị trường chứa khoảng 40 - 60% parafin và các phụ gia như dầu, chất béo cũng được thêm vào để tạo độ mịn cho bề mặt sáp. Thậm chí nếu vô tình nuốt phải sáp chỉnh nha cũng không gặp bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe. Sáp được làm ở dạng que sáp dài khoảng 5cm, được đóng gói trong hộp nhỏ gọn tiện lợi cho bạn khi mang theo.

Sáp nha khoa đóng vai trò như một rào cản giữa mắc cài và môi, má bên trong miệng. Sáp thường được bôi quanh mắc cài để hạn chế kích ứng với trong môi và lưỡi. Ngoài ra, nếu một chiếc răng bị sứt, mẻ thì có thể dùng sáp chỉnh nha để hạn chế nguy cơ làm tổn thương các mô mềm trong khoang miệng trong khi chờ đợi cuộc hẹn với nha sĩ.

Ngoài ra, loại sáp này cũng có thể được sử dụng để giảm các cơn đau răng tạm thời do chỗ trám răng bị nứt, hư hỏng gây khó chịu trong lúc ăn uống. Còn nếu bạn bị các vấn đề về nướu, sâu răng, viêm tủy,… thì không thể sử dụng sáp chỉnh nha để giảm ê buốt, đau nhức trong thời gian ngắn. Trong trường hợp này bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.

Sáp nha khoa là gì? Cách dùng sáp như thế nào cho đúng để giảm đau? 1 Sáp nha khoa được làm từ thành phần an toàn để nếu không may nuốt phải cũng không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ

Cách dùng sáp chỉnh nha như thế nào?

Chuẩn bị sáp nha khoa

Khi bạn mới đeo niềng răng, nha sĩ sẽ cho bạn một ít sáp, nếu bác sĩ cho ít quá hoặc lỡ làm mất thì bạn có thể dễ dàng tìm mua ở hiệu thuốc uy tín. 

Lúc đầu khi bạn chưa quen đeo mắc cài và thường xuyên bị các dụng cụ niềng gây rách hoặc loét môi, má trong thì lúc này sáp nha khoa sẽ giải quyết vấn đề này giúp bạn. Lưu ý sáp dùng trong miệng, tức là trong môi trường nước bọt và bạn có thể nuốt xuống bất cứ lúc nào. Do đó bạn phải chọn sản phẩm chất lượng, uy tín. Bạn có thể tham khảo từ nha sĩ địa chỉ mua uy tín và kiểm tra kỹ hạn sử dụng nhé.

Vệ sinh tay

Rửa và vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch, sau đó lau khô tay trước khi bôi sáp để tránh vi khuẩn bám vào răng và nướu. 

Vệ sinh răng miệng

Vệ sinh răng miệng giúp giảm vi khuẩn trong miệng, giúp giữ cho sáp luôn trong môi trường sạch sẽ. Tốt hơn là làm sạch và khô mắc cài để sáp dễ bám hơn.

Sáp nha khoa là gì? Cách dùng sáp như thế nào cho đúng để giảm đau? 2 Vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi bôi sáp chỉnh nha

Lấy lượng sáp vừa đủ

Lấy lượng sáp phù hợp, dùng đầu ngón tay xoa đều miếng sáp ít nhất 5 giây để làm chất sáp mềm ra giúp dễ dàng thực hiện việc đặt sáp hơn. Sáp có thể bịt kín bất kỳ điểm sắc nhọn nào của mắc cài, những vị trí phổ biến nhất là dây thép buộc răng cửa và dây cung thừa chạm vào hàm.

Đặt sáp

Dùng ngón tay lăn sáp theo hình tròn, rồi đặt vào vị trí mắc cài hoặc dây cung có thể tiếp xúc với mô mềm trong miệng. Bạn nên miết sáp và dàn đều để sáp bám chắc vào mắc cài. Nếu bạn vẫn còn cảm thấy đau ở vị trí khác thì tiếp tục bôi sáp để bảo vệ vùng đó.

Lưu ý khi sử dụng sáp nha khoa

Mặc dù có nhiều lợi ích khi sử dụng sáp nha khoa, nhưng vẫn có một số điều bạn cần lưu ý: 

  • Nếu sáp chỉnh nha bắt đầu sứt mẻ hoặc rơi ra, hãy loại bỏ sáp cũ và thay thế bằng sáp mới ngay lập tức. Nếu sáp không rơi ra thì vẫn phải thay sau tối đa 2 ngày, vì thức ăn có thể bám vào sáp, dẫn đến tích tụ vi khuẩn trong miệng gây sâu răng, hôi miệng, viêm lợi,...
  • Nếu có thể, bạn nên tháo sáp ra trước khi ăn. Vì sáp có xu hướng bị bong ra khi bạn nhai hoặc uống. 
  • Bạn không cần sử dụng sáp trong suốt quá trình niềng răng. Chỉ sử dụng để giảm khó chịu do mắc cài cọ xát vào mô mềm trong thời gian ngắn.
  • Đối với răng sứt mẻ có thể dùng sáp để giảm tổn thương cho các mô mềm của miệng. Đây không phải là giải pháp lâu dài, bạn nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. 
  • Bạn nên mang theo sáp chỉnh nha bên mình vì sáp cũ có thể rơi ra nếu bạn sử dụng không đúng cách hoặc trong lúc ăn.
  • Ngoài sáp nha khoa, bạn có thể dùng silicone để thay thế. Silicone thì bám dính hơn, không ngấm nước bọt và bề mặt trơn láng hơn. Tuy nhiên nhược điểm là silicone rất đắt và phải tạo môi trường khô thì silicone mới bám dính được.

Cách bảo quản sáp nha khoa

Bên cạnh việc sử dụng sáp chỉnh nha, thì làm thế nào để bảo quản sáp tốt cũng được quan tâm. Về cơ bản cách bảo quản sáp không cần cầu kỳ. Vậy nên bạn không cần lo lắng và hãy thực hiện theo các bước như sau:

  • Trước tiên, bạn cần bảo quản sáp đánh răng ở nơi thoáng mát có nhiệt độ ổn định không để ở nơi có nhiệt độ cao.
  • Không để ánh nắng trực tiếp ảnh hưởng trực tiếp đến sáp chỉnh nha. 
  • Khi thời tiết lạnh, sáp sẽ dần cứng lại, lúc này tất cả những gì bạn phải làm là đặt nó cạnh vật nóng để làm mềm trở lại. Ví dụ, sử dụng một cốc nước nóng.
  • Trong trường hợp sáp bị mềm do thời tiết quá nóng, bạn có thể cho vào tủ lạnh trước khi sử dụng.
Sáp nha khoa là gì? Cách dùng sáp như thế nào cho đúng để giảm đau? 3 Sáp nha khoa là cách bảo vệ mô mềm bên trong miệng khỏi mắc cài hay dây cung gây trầy xước

Qua những thông tin trên, bạn có thể thấy rằng sáp nha khoa là bảo bối giúp bạn giảm đau trong khi niềng răng. Để kiểm soát cơn đau nhức dai dẳng, bạn nên tham khảo nha sĩ của bạn để có tác động đầy đủ và hiệu quả hơn.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin