Long Châu

Thủng dạ dày là gì? Nguyên nhân của bệnh và nguyên tắc điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thủng dạ dày là tình trạng tổn thương toàn bộ độ dày của thành cơ quan. Loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân chính gây thủng. Dạ dày được bao phủ toàn bộ bởi lá phúc mạc nên khi thủng tạo ra sự thông thương giữa lòng dạ dày và ổ phúc mạc. Nếu lỗ thủng xảy ra cấp tính, không đủ thời gian để có phản ứng viêm thì dịch vị có thể tự do đi vào khoang phúc mạc gây viêm phúc mạc do hóa chất.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thủng dạ dày là gì?

Thủng dạ dày là tình trạng tổn thương toàn bộ độ dày của thành cơ quan. Dạ dày được bao phủ toàn bộ bởi lá phúc mạc nên khi thủng tạo ra sự thông thương giữa lòng dạ dày và ổ phúc mạc. Nếu lỗ thủng xảy ra cấp tính, không đủ thời gian để có phản ứng viêm, thì dịch vị có thể tự do đi vào khoang phúc mạc gây viêm phúc mạc do hóa chất.

Thủng dạ dày có thể được nghi ngờ dựa trên biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân, hoặc có thể chẩn đoán hình ảnh học tìm khí tự do trong ổ bụng trên X-quang hoặc CT Scan bụng. Để điều trị thủng dạ dày thì phẫu thuật là phương pháp cần thiết nhất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thủng dạ dày

Biểu hiện thường gặp nhất là đột ngột chướng bụng và đau; các triệu chứng biểu hiện ít phổ biến hơn là tắc ruột, suy hô hấp, sốt, nôn ói. 

Bệnh nhân bị thủng luôn than phiền về sự khởi phát đột ngột của cơn đau bụng dữ dội hoặc đau ngực. Người bệnh thường nhớ chính xác thời điểm khởi phát cơn đau. Ngoài ra, cơ hoành có thể bị kích ứng dẫn đến đau lan xuống vai. Bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc chống viêm có thể bị suy giảm phản ứng viêm, một số có thể bớt đau và dịu hơn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc thủng dạ dày

Một số biến chứng thủng dạ dày có thể gây ra, bao gồm:

  • Nhiễm trùng huyết: Đây có thể là biểu hiện ban đầu của thủng. Khả năng bảo vệ cơ thể trước lỗ thủng của bề mặt phúc mạc có thể bị suy giảm ở những bệnh nhân mắc các bệnh nội khoa nặng, đặc biệt là những bệnh nhân yếu, cao tuổi và suy giảm miễn dịch, dẫn đến nhiễm trùng huyết;
  • Suy đa cơ quan;
  • Dính ruột, tắc ruột;
  • Rối loạn tri giác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thủng dạ dày

Hầu hết nguyên nhân của thủng dạ dày là biến chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng nhưng dạ dày cũng có thể do chấn thương, bệnh lý ác tính, các thủ thuật can thiệp,... Các nguyên nhân gây loét có thể gặp như:

  • Loét dạ dày tá tràng: Đây nguyên nhân phổ biến nhất của thủng dạ dày. Bệnh thường xảy ra phổ biến ở những bệnh nhân cao tuổi dùng NSAID, aspirin và những bệnh nhân bị nhiễm Helicobacter pylori. 

  • Chấn thương: Thường là do vết thương xuyên thấu bụng như đạn bắn hoặc dao đâm, ngoài ra cũng có thể xảy ra với chấn thương bụng nặng. Với vết thương xuyên thấu, cả thành trước và thành sau của dạ dày có thể bị thương. Với chấn thương nặng ở vùng bụng trên, dạ dày có thể bị rách hoặc thậm chí có thể bị vỡ nếu cơ quan này bị đầy và căng tại thời điểm va chạm. 

  • Thủng dạ dày liên quan đến bệnh ác tính: Các khối u tăng sinh có thể gây thủng do sự xâm lấn trực tiếp và khối u hoại tử hoặc tạo ra sự tắc nghẽn. Các lỗ thủng liên quan đến khối u cũng có thể xảy ra một cách tự phát sau điều trị hóa trị hoặc xạ trị.

  • Thủ thuật can thiệp: Trong đó thủ thuật nội soi tiêu hóa trên là nguyên nhân gây ra thủng dạ dày hay gặp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tình trạng thủng dạ dày?

Người có thường xuyên sử thuốc giảm đau NSAID.

Người có tiền căn gia đình mắc bệnh loét dạ dày tá tràng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thủng dạ dày

Ngoài các yếu tố nguy cơ liên quan đến việc dùng NSAID, nhiễm H. pylori thì bạn có thể tăng nguy cơ bị thủng dạ dày nếu:

  • Hút thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng ở những người bị nhiễm H. pylori.

  • Uống rượu: Rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày, đồng thời làm tăng lượng axit dạ dày được tạo ra.

  • Căng thẳng, stress.

  • Ăn thức ăn cay.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tình trạng thủng dạ dày

Để chẩn đoán thủng dạ dày, bác sĩ có thể: 

  • Khai thác thông tin bệnh sử như tính chất đau bụng, đau ngực hoặc tiền căn sử dụng thuốc NSAID, nhiễm H.pylori, bệnh lý ác tính và các thủ thuật đã thực hiện trước đó như đặt ống thông mũi dạ dày, nội soi tiêu hoá trên.
  • Khám lâm sàng đánh giá các dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ) và khám bụng để tìm dấu đề kháng thành bụng liên quan đến thủng. 
  • Các xét nghiệm có thể thực hiện để tìm khí tự do trong ổ bụng như: X Quang ngực thẳng, X Quang bụng đứng, CT Scan bụng.
  • Một số trường hợp khó chẩn đoán thì nội soi ổ bụng có thể được đề nghị để hỗ trợ chẩn đoán cũng như điều trị. 

Phương pháp điều trị thủng dạ dày hiệu quả

Khi bệnh nhân được chẩn đoán thủng dạ dày thì điều trị hiệu quả nhất là phẫu thuật. Lưu ý cần chuẩn bị hồi sức bệnh nhân tốt trước khi mổ. Xử trí ban đầu bao gồm:

  • Thở oxy;
  • Truyền dịch; 
  • Sử dụng thuốc kháng sinh;
  • Sử dụng thuốc giảm đau, giảm tiết dạ dày;
  • Đặt ống thông mũi dạ dày. 

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các trường hợp thủng dạ dày. Hiện nay, phẫu thuật nội soi hoặc mở được chỉ định trong hầu hết các trường hợp. Ngoài ra, nguyên nhân gây ra thủng dạ dày chủ yếu là do loét dạ dày tá tràng nên việc điều trị loét và H. pylori (nếu có) sau khi phẫu thuật là điều cần thiết. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thủng dạ dày

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Nên ăn thực phẩm có nhiều chất xơ và vitamin A.

  • Nên sử dụng trà xanh hoặc thực phẩm giàu flavonoid như tỏi, hành tây, trái cây rau quả có nhiều màu sắc như việt quất, dâu tây, bông cải,...

  • Tránh sử dụng cà phê, nước uống có cồn.

  • Hạn chế dùng thức ăn có vị cay. 

Phương pháp phòng ngừa thủng dạ dày hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thảo luận với bác sĩ về các lựa chọn thay thế thuốc NSAID (như acetaminophen) để giảm đau.

  • Thảo luận về các biện pháp bảo vệ với bác sĩ, nếu bạn không thể ngừng dùng NSAID.

  • Chọn liều NSAID có hiệu quả thấp nhất và uống trong bữa ăn.

  • Ngưng hút thuốc lá.

  • Uống rượu ở mức độ vừa phải, nếu có.

  • Tuân thủ điều trị để điều trị triệt để khi mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519554/
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peptic-ulcer/symptoms-causes/syc-20354223
  3. https://badgut.org/information-centre/health-nutrition/diet-for-ulcer-disease/ 
  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10350-peptic-ulcer-disease

Các bệnh liên quan

  1. Thiếu máu cục bộ đường ruột

  2. Viêm đại tràng sigma

  3. Viêm dạ dày ruột

  4. Bệnh gan do rượu

  5. Nôn ra máu

  6. Thoát vị hoành

  7. Chứng khó nuốt

  8. Loét dạ dày tá tràng

  9. Giãn tĩnh mạch thực quản

  10. Ợ chua