Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bướu cổ dạng keo là gì? Triệu chứng và điều trị bướu cổ dạng keo

Ngày 30/06/2022
Kích thước chữ

Bướu cổ dạng keo là một khối chứa đầy dịch lỏng trong mô tuyến giáp. Các khối có kích thước rất khác nhau từ khối nhỏ cho tới khối to – còn gọi là nang. Trong tuyến giáp, có thể có một hay nhiều Bướu cổ dạng keo hoặc cũng có nhân đặc trong tuyến.

Ngày nay, số người mắc bướu cổ dạng keo đang tăng lên. Ước tính, có đến hàng trăm triệu người trên thế giới đã được chẩn đoán mắc bệnh này. Bướu cổ dạng keo là một trong số những bệnh lành tính của tuyến giáp, còn gọi là bướu cổ nang keo tuyến giáp. 

Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Vậy có những phương pháp nào giúp điều trị bướu cổ dạng keo hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này!

Bướu cổ dạng keo là gì?

Bướu cổ dạng keo (hay còn gọi với cái tên là phình giáp keo hay nang keo tuyến giáp), là bệnh lành tính thường gặp của tuyến giáp. Trong bệnh lý này, tuyến giáp hiện diện những bọc nhỏ chứa dịch đầy chất keo. Các bọc này có kích thước thay đổi từ vài milimet đến vài centimet.

Cũng như các bệnh tuyến giáp khác, bướu cổ dạng keo gặp ở nữ nhiều hơn nam. Phần lớn bướu cổ dạng keo được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ và siêu âm tuyến giáp.

Bướu cổ dạng keo minh họa

Bướu cổ dạng keo minh họa

Triệu chứng, đặc điểm của bướu cổ dạng keo

Đa phần người mắc bệnh thường không có triệu chứng, người bệnh biết mình mắc bệnh qua những lần tầm soát sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân có thể có những triệu chứng tại tuyến giáp như:

Biến chứng của bướu cổ dạng keo

Thường người bệnh sẽ cảm thấy đau cổ do tình trạng xuất huyết trong mô hay thiếu máu nuôi tuyến giáp. Người bệnh sẽ thấy đau đột ngột và sờ thấy một khối to trên cổ. Ngoài ra, sẽ có các triệu chứng của viêm nhiễm như sưng, nóng, đỏ vùng tuyến giáp.

Nang giáp chèn ép các cơ quan lân cận

Những triệu chứng này rất đa dạng, tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. Khi tác động tới đường thở sẽ gây ra các triệu chứng như:

  • Ho khan;
  • Khàn tiếng, nói đớt;
  • Khò khè, thở rít;
  • Khó thở;
  • Mất chức năng nói.

Nếu ảnh hưởng tới thực quản, người bệnh thường có triệu chứng nuốt khó, nuốt vướng, chán ăn,… Ngoài ra, một số cấu trúc khác cũng bị ảnh hưởng như các dây thần kinh, mạch máu,… gây ra những triệu chứng khác nhau.

Triệu chứng ho khan khi bị bướu cổ dạng keo

Triệu chứng ho khan khi bị bướu cổ dạng keo

Bướu cổ dạng keo có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên, bướu cổ dạng keo hay nang keo tuyến giáp là một dạng lành tính của bướu giáp. Đa phần người bệnh không thấy dấu hiệu hay triệu chứng gì trên lâm sàng mà tình cờ phát hiện ra bệnh.

Trường hợp bướu cổ dạng keo quá to gây chèn ép vào thực quản người bệnh sẽ có biểu hiện nuốt nghẹn, nuốt khó. Nếu bướu to có thể gây chèn ép vào khí quản gây khó thở, khò khè, chèn ép dây thần kinh quặt ngược gây nói khó, nói khàn, nói giọng đôi, chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây phù nề kiểu áo khoác với biểu hiện phù ở mặt, cổ, lồng ngực, hai tay kèm tuần hoàn bàng hệ ở ngực.

Ngoài ra có thể gặp một số biến chứng của bướu cổ dạng keo vỡ hoặc chảy máu hoặc biến chứng nhiễm trùng do hậu quả của chọc hút gây nên.

Những đối tượng dễ mắc bướu cổ dạng keo 

Ai cũng có thể là đối tượng mắc bướu cổ dạng keo. Tuy nhiên, bệnh lý lại thường gặp ở một số đối tượng như:

  • Người có tiền căn gia đình như cha mẹ, anh chị em có bệnh lý bướu giáp nhân hay ung thư nội tiết.
  • Người lớn tuổi.
  • Nữ giới.
  • Người có tiền căn điều trị phóng xạ vùng cổ, đầu.

Do đó, những nhóm này nên khám bệnh tầm soát sức khỏe hàng năm để được phát hiện và điều trị sớm.

Bướu cổ dạng keo ở nữ giới

Nữ giới dễ mắc bướu cổ dạng keo

Điều trị bệnh bướu cổ dạng keo

Chúng ta cần phát hiện bướu cổ dạng keo sớm, kịp thời trước khi để chúng phát triển và gây nên biến chứng. Nếu bướu giáp đã to, bạn hoàn toàn có thể tự phát hiện tại nhà. Lời khuyên ở đây là mọi người nên đi khám tổng quát định kỳ để sớm phát hiện các triệu chứng bất thường. 

Sau khi đã phát hiện bướu giáp, bước tiếp theo là ngăn chặn và điều trị dứt điểm loại bướu này. Có một vài cách điều trị phổ biến hiện nay như: 

Bổ sung Iốt

Đây là phương pháp có thể áp dụng cho người mắc bướu giáp do thiếu iốt. Bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân áp dụng từ 6 tháng trở lên. Cách này rất hiệu quả nhằm thu nhỏ những nang keo sau khi dùng thuốc. Bạn nên thận trọng khi dùng thuốc bởi quá liều có thể dẫn đến biến chứng cường giáp. Hãy tuân thủ theo các chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. 

Sử dụng hormone tuyến giáp

Mục đích của phương pháp này là làm cho tuyến giáp nhỏ lại, được áp dụng cho bệnh nhân bướu cổ dạng keo do thiếu hụt hormone tuyến giáp. Trong thời gian điều trị, người bệnh nên đi khám định kỳ và tuân theo sự điều chỉnh thuốc của bác sĩ.

Các loại thuốc sử dụng hormone tuyến giáp có một số tác dụng phụ như hồi hộp, đổ nhiều mồ hôi, sụt cân,... Người có tiền sử bệnh về tim, cường giáp, loãng xương không nên dùng thuốc này. 

Điều trị bướu cổ dạng keo

Điều trị bướu cổ dạng keo

Phẫu thuật bướu giáp

Phẫu thuật bướu cổ dạng keo là phương pháp ít được bác sĩ khuyên dùng bởi nó có thể ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tuyến giáp. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp được chỉ định phẫu thuật như người bệnh nuốt nghẹn, nói khàn, bướu giáp nghi ngờ ung thư,...

Một số biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật tuyến giáp: 

  • Chảy máu, nhiễm trùng sau mổ; 
  • Nói khàn, bệnh nhân có thể hồi phục sau một thời gian; 
  • Suy giáp: Phải xét nghiệm FT4, TSH thường xuyên để phát hiện suy giáp kịp thời. Nếu bệnh nhân bị suy giáp, cần điều trị bằng hormone tuyến giáp đã nêu trên. Có thể bệnh nhân phải dùng thuốc suốt đời; 
  • Bướu giáp tái phát do nguyên nhân gây bướu giáp chưa được điều trị. Do đó, phải kết hợp điều trị nguyên nhân với phẫu thuật để đạt được kết quả tốt nhất.

Bướu cổ dạng keo là bệnh lý tương đối thường gặp trên thực tế. Đa phần trường hợp bệnh là lành tính, một số ít trường hợp là nang ác tính. Dù sao, cũng có nhiều phương pháp điều trị khác nhau phù hợp với từng người bệnh giúp điều trị triệt căn. Đừng nên lo lắng, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có triệu chứng nghi ngờ để được tư vấn sớm.

Cẩm Thơ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin