Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Ngọc Vân
Mặc định
Lớn hơn
Một nghiên cứu cảnh báo bệnh Parkinson sẽ ảnh hưởng đến 25 triệu người vào năm 2050 trên toàn cầu. Con số này không chỉ gây ra những thách thức lớn đối với hệ thống y tế mà còn đặt ra những câu hỏi cấp bách về nguyên nhân gây bệnh và các biện pháp phòng ngừa. Cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Nghiên cứu cảnh báo bệnh Parkinson sẽ ảnh hưởng đến 25 triệu người vào năm 2050, cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của căn bệnh này trên toàn cầu. Các chuyên gia nhận định, dân số già hóa nhanh chóng cùng với những yếu tố môi trường phức tạp là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng đột biến. Trước thực trạng này, việc nâng cao nhận thức và tìm kiếm các biện pháp phòng bệnh Parkinson, điều trị kịp thời trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
PD là bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai trên thế giới. Tình trạng này xảy ra do sự suy giảm của các tế bào thần kinh sản sinh dopamine trong não, dẫn đến các triệu chứng đặc trưng như run tay chân, cứng cơ, chuyển động chậm chạp và mất thăng bằng. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải các rối loạn giấc ngủ, trí nhớ và tâm lý.
Một số nghiên cứu trước đây đã dự đoán tỷ lệ hiện mắc PD trong các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ, tuy nhiên, rất ít nghiên cứu đánh giá mức độ phổ biến của căn bệnh này tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Các dữ liệu trước đây cho thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ hiện mắc PD giữa các nhóm tuổi, giới tính, khu vực và thời gian, điều này phản ánh sự phức tạp trong việc dự báo xu hướng mắc bệnh trong tương lai.
Mặc dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ quan trọng làm gia tăng tỷ lệ mắc PD, các yếu tố khác như lối sống, phơi nhiễm môi trường và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cũng có liên quan đến sự phát triển của bệnh. Chỉ số nhân khẩu – xã hội (Socio-demographic Index – SDI), phản ánh mức độ giáo dục, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ sinh, cũng được xác định là có mối liên hệ đáng kể với tỷ lệ hiện mắc PD.
Nghiên cứu này đã dự báo tỷ lệ hiện mắc PD vào năm 2050 theo khu vực, quốc gia và toàn cầu dựa trên các biến số về giới tính, tuổi tác, năm và chỉ số nhân khẩu – xã hội (SDI). Các nhà nghiên cứu cũng xác định những yếu tố tác động theo không gian và thời gian đến tỷ lệ hiện mắc PD.
Dữ liệu về tỷ lệ hiện mắc PD tại 195 quốc gia và vùng lãnh thổ từ năm 2022 đến năm 2050 được phân tích theo độ tuổi, giới tính và năm. Để ước tính tỷ lệ hiện mắc theo các nhóm dân số khác nhau, các nhà khoa học sử dụng phương pháp trung bình mô hình Bayes (probabilistic Bayesian model averaging approach) kết hợp với hồi quy Poisson.
Dự báo trong tương lai được xây dựng dựa trên ba mô hình hồi quy Poisson và ba mô hình tỷ lệ hiện mắc mới, trong đó áp dụng phương pháp mô hình bước ngẫu nhiên (random walk model). Sáu mô hình này sau đó được tích hợp vào khuôn khổ trung bình mô hình Bayes, và trọng số của từng mô hình được đánh giá dựa trên hiệu suất dự báo dữ liệu được giữ lại.
Số người mắc PD trên toàn cầu vào năm 2050 ước tính khoảng 25,2 triệu người ở tất cả các nhóm tuổi và giới tính, tương đương mức tăng 112% so với năm 2021. Tỷ lệ hiện mắc PD theo mọi lứa tuổi vào năm 2050 được dự đoán là 267 trên 100.000 người, trong đó 243 ở nữ giới và 295 ở nam giới, tương ứng mức tăng 76% so với năm 2021.
Tỷ lệ hiện mắc PD đã được chuẩn hóa theo độ tuổi dự kiến sẽ tăng 55%, đạt mức 216 trên 100.000 dân. Mặc dù số ca PD mới tăng lên, tốc độ gia tăng của tỷ lệ hiện mắc PD chung và đã chuẩn hóa theo độ tuổi dự đoán sẽ chậm lại.
Sự gia tăng số ca PD lớn nhất dự kiến sẽ xảy ra tại khu vực châu Phi cận Sahara, trong khi các nước Trung và Đông Âu được dự đoán có mức tăng thấp nhất. Nam Á, Bắc Phi, Trung Đông và Đông Nam Á là các khu vực có tỷ lệ hiện mắc PD tăng cao nhất theo độ tuổi, trong khi Úc và Bắc Mỹ có mức gia tăng thấp nhất.
Tỷ lệ hiện mắc PD đã chuẩn hóa theo độ tuổi được ước tính sẽ tăng theo chỉ số nhân khẩu – xã hội (SDI) trong giai đoạn 2021 – 2050 và đạt đỉnh khi SDI đạt mức 0,8. Tỷ lệ hiện mắc PD theo mọi lứa tuổi được dự báo cao nhất tại các quốc gia có SDI thuộc nhóm trên trung bình.
Sự gia tăng tỷ lệ hiện mắc PD theo mọi lứa tuổi cao nhất ở nhóm SDI trung bình và thấp nhất ở nhóm SDI cao nhất. Tây Ban Nha, Trung Quốc và Andorra được dự đoán có tỷ lệ PD cao nhất, trong khi Somalia, Niger và Chad có tỷ lệ thấp nhất.
Tỷ lệ hiện mắc PD có xu hướng gia tăng theo độ tuổi ở cả hai giới, đạt đỉnh trong nhóm 85 – 89 tuổi. Vào năm 2050, tỷ lệ PD dự kiến sẽ cao hơn ở nam giới so với nữ giới trong tất cả các nhóm tuổi.
Giữa năm 2021 và 2050, các yếu tố như thay đổi tỷ lệ hiện mắc PD, tăng trưởng dân số và già hóa dân số lần lượt đóng góp 3%, 20% và 89% vào tổng số ca PD trên toàn cầu. Nếu tất cả mọi người tuân thủ hoạt động thể chất thường xuyên, số ca mắc PD vào năm 2050 có thể giảm 4,9%.
Bệnh Parkinson có thể trở thành một mối đe dọa y tế công cộng nghiêm trọng hơn vào năm 2050. Sự gia tăng số ca mắc PD được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới, đặc biệt là ở các quốc gia có chỉ số nhân khẩu – xã hội ở mức trung bình.
Những phát hiện từ nghiên cứu cảnh báo bệnh Parkinson sẽ ảnh hưởng đến 25 triệu người vào năm 2050 nhấn mạnh sự cần thiết của các nghiên cứu chuyên sâu nhằm phát triển các loại thuốc mới, công nghệ chỉnh sửa gen và liệu pháp thay thế tế bào gốc để cải thiện tiên lượng và chất lượng sống của bệnh nhân Parkinson. Để đảm bảo độ chính xác của các dự báo này, cần có thêm nhiều nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ liên quan đến PD.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung
Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.