Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các bệnh tự miễn thường gặp và dấu hiệu nhận biết?

Ngày 10/11/2020
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh tự miễn là tình trạng hệ thống miễn dịch trong cơ thể tự tấn công chính tế bào của mình do nhầm lẫn. Đây là một trong những căn bệnh phổ biến, có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Việc tìm hiểu về các bệnh tự miễn thường gặp sẽ giúp bạn hiểu hơn về những ảnh hưởng mà cơ thể phải chịu khi hệ miễn dịch hoạt động bất thường.

Bệnh lý tự miễn là gì?

Khi hệ thống miễn dịch của 1 người bị rối loạn và không thể phân biệt được tự kháng nguyên với các kháng nguyên bên ngoài. Lúc này, hệ miễn dịch tự tấn công ngược lại các tế bào của cơ thể và gây ra các bệnh gọi là bệnh lý tự miễn.

Bệnh thường bắt gặp phổ biến ở người trẻ tuổi (độ tuổi từ 20 – 40 tuổi), nữ giới có nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao hơn nam giới; người già và trẻ em thì ít mắc hơn. Bệnh có thể tiến triển theo từng đợt, từ trạng thái nhẹ đến nặng và phức tạp hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lý tự miễn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các bệnh tự miễn thường gặp

Bệnh lý tự miễn hiện có tới hơn 180 loại khác nhau, tuy nhiên bài viết dưới đây sẽ chỉ đề cập đến các bệnh tự miễn thường gặp nhất.

Lupus ban đỏ hệ thống

Đây là một bệnh ngoài da, có biểu hiện phát ban khá thông thường nhưng nếu để phát ban xuất hiện toàn thân thì sẽ tác động tới các cơ quan khác trong cơ thể như thận, khớp, tim và não. Lupus ban đỏ hệ thống thường có những triệu chứng như phát ban, mệt mỏi và đau khớp.

Các bệnh tự miễn thường gặp và dấu hiệu nhận biết? 1Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn khá phổ biến.

Viêm khớp dạng thấp

Đây là bệnh lý do hệ miễn dịch bị rối loạn và tấn công nhầm vào các khớp, dẫn tới hiện tượng nóng, đỏ, đau cứng khớp. Dạng bệnh này không chỉ gặp ở người già như bệnh viêm khớp thông thường mà cũng có thể xuất hiện sớm ở độ tuổi 30.

Bệnh vảy nến

Người mắc bệnh này sẽ có các vảy màu bạc hoặc màu trắng xuất hiện trên da. Nguyên nhân của bệnh này là do quá trình tạo tế bào da mới diễn ra quá nhanh và khiến chúng tích tụ lại, tạo thành các mảng đỏ bị viêm. Theo một nghiên cứu, có tới 30% người bị bệnh vảy nến có các triệu chứng như cứng, sưng và kèm đau khớp, gọi là bệnh viêm khớp vảy nến.

Đái tháo đường tuýp 1

Ở người bình thường, tuyến tụy đóng vai trò tiết ra các hormone insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu phù hợp. Tuy nhiên, hệ miễn dịch ở người bị đái tháo đường type 1 bị tấn công và phá hủy những tế bào sản xuất insulin đó. Điều này dẫn tới việc lượng đường trong máu không được kiểm soát và tăng cao. Cuối cùng sẽ làm tổn thương nhiều cơ quan khác như thần kinh, mắt, thận và tim.

Các bệnh tự miễn thường gặp và dấu hiệu nhận biết? 2Đái tháo đường là tình trạng cơ thể không kiểm soát được lượng đường trong máu.

Đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng sẽ phá hủy lớp bảo vệ quanh tế bào thần kinh trong hệ thần kinh trung ương, thường gọi là lớp vỏ myelin. Điều này khiến cho việc truyền và nhận tín hiệu giữa não với tủy sống bị ảnh hưởng. Khi mắc bệnh này, bạn có thể gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc giữ cân bằng. Bệnh cũng có thể diễn biến thành nhiều dạng nghiêm trọng khác nhau.

Thiếu máu ác tính

Tình trạng này sẽ gây ra sự thiếu hụt trầm trọng của một loại protein được tạo ra bởi các tế bào lót trong dạ dày. Nó là yếu tố nội tại cần thiết để ruột non có thể hấp thu vitamin B12 từ thức ăn. Nếu cơ thể không có đủ loại vitamin này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu và ảnh hướng tới khả năng tổng hợp AND. Thiếu máu ác tính này thường xuất hiện ở người lớn tuổi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tự miễn

Sốt kéo dài hoặc dễ tái phát

Sốt là triệu chứng phổ biến và đặc trưng của rất nhiều bệnh. Nguyên nhân chủ yếu thường là do cơ thể bị virus tấn công. Tuy nhiên, nếu cơn sốt kéo dài và tái phát liên tục nhiều ngày dù có uống thuốc hạ sốt thì bạn nên nghi ngờ các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch.

Các bệnh tự miễn thường gặp và dấu hiệu nhận biết? 3Sốt kéo dài liên tục và tái phát dù đã tìm đủ cách hạ sốt có thể biểu hiện cơ thể mắc bệnh tự miễn.

Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi

Triệu chứng mệt mỏi sẽ xuất hiện khi cơ thể bị mắc bệnh viêm gan tự miễn, thiếu máu, bệnh Celiac, bệnh Hashimoto, bệnh viêm ruột… Vì thế, nếu bạn luôn cảm thấy cơ thể uể oải, không tập trung, mất tinh thần thì có thể là cảnh báo “phản nghịch” của hệ miễn dịch. Bạn nên chủ động đi khám sớm để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu đúng là do tăng hoặc giảm miễn dịch thì phải điều trị sớm.

Ngứa da, nổi mề đay, phát ban

Đây là những biểu hiện bệnh dễ gây nhầm lẫn với dị ứng. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch trong cơ thể bị suy yếu cũng khiến da bị ngứa ngáy, hay nổi mề đay hoặc phát ban.

Tăng hoặc giảm cân bất thường

Nếu bạn không thay đổi chế độ ăn uống hoặc luyện tập nhưng trọng lượng cơ thể bỗng tăng hoặc giảm một cách bất thường thì nguyên nhân có thể do sự trao đổi chất trong cơ thể bị rối loạn, hệ miễn dịch thay đổi.

Sưng các tuyến

Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, sẽ tạo ra các kháng thể tự “hủy hoại” các mô tại chính các cơ quan đấy. Và có thể gây sưng tại chỗ như các tuyến ở khớp, cổ họng…

Dị ứng với thực phẩm hoặc gặp các vấn đề hệ tiêu hóa

Khi tăng hoặc giảm miễn dịch cũng sẽ gây nên những thay đổi trong nhu động ruột và quá trình trao đổi chất. Từ đó, có thế khiến bạn dễ bị dị ứng với một số thực phẩm hoặc gây nên tình trạng táo bón, tiêu chảy.

Với các bệnh liên quan đến sự rối loạn hệ miễn dịch, hiện nay chỉ điều trị được các triệu chứng của bệnh chứ chưa chữa khỏi được hoàn toàn. Vì thế cách phòng ngừa bệnh tự miễn hiệu quả để bảo vệ tốt sức khỏe của cơ thể, bạn nên giữ cho mình thói quen ăn uống hợp lý và khoa học, không sử dụng nhiều các chất kích thích.

Thanh Hoa

Nguồn tham khảo: Tổng Hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm