Triệu chứng của vảy nến toàn thân và những điều bạn cần biết
Ngày 06/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Vảy nến toàn thân là một dạng nghiêm trọng và hiếm gặp của bệnh vảy nến, thường xuất hiện khi bệnh nhân không được điều trị đúng cách. Bệnh này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được quản lý và điều trị kịp thời. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh vảy nến chiếm khoảng 5-7% trong tổng số bệnh nhân đến thăm khám tại các phòng khám da liễu.
Vảy nến là một căn bệnh da liễu khá phổ biến, thường gây ra tình trạng đau rát, ngứa ngáy, khó chịu, ửng đỏ và bong tróc da. Nếu bệnh tái đi tái lại nhiều lần, nó có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng da, viêm khớp, vảy nến mủ,... Cùng tìm hiểu vảy nến toàn thân trong bài viết dưới đây.
Các loại bệnh vảy nến thường gặp
Các loại vảy nến phổ biến mà nhiều người thường gặp, bao gồm:
Vảy nến thể mảng
Đây là dạng vảy nến gây ra những vùng da bị viêm, đỏ và thường được phủ bởi lớp vảy hoặc mảng bám màu bạc trắng. Những vùng da bị ảnh hưởng thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và da đầu.
Vảy nến thể giọt
Vảy nến thể giọt biểu hiện qua các đốm da nhỏ màu hồng. Các vị trí thường xuất hiện triệu chứng này là phần thân, cánh tay và chân. Các đốm da này ít khi dày hoặc nổi lên bề mặt da như vảy nến thể mảng.
Vảy nến thể mủ
Dạng vảy nến này thường gặp ở người lớn, khiến da bị viêm và xuất hiện các bọc mủ trắng. Nó thường giới hạn ở những vùng nhỏ như bàn tay hoặc chân nhưng cũng có khả năng lan rộng.
Vảy nến thể đảo ngược
Vảy nến thể đảo ngược khiến các vùng da viêm nhiễm có màu đỏ sáng bóng. Những vùng da này thường xuất hiện ở nách, ngực, háng hoặc các nếp gấp của bộ phận sinh dục.
Vảy nến thể đỏ da toàn thân
Dạng vảy nến toàn thân này khiến da bệnh nhân trông như bị cháy nắng với các vùng vảy da bong tróc theo mảng lớn. Bệnh nhân mắc dạng này có thể dễ bị sốt và ốm nặng gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người bệnh cần gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng.
Triệu chứng của vảy nến toàn thân
Vảy nến da đỏ toàn thân sẽ có các triệu chứng, bao gồm:
Biểu hiện trên da
Bệnh nhân thường có các dấu hiệu da đặc trưng như sau:
Da đỏ hơn 90% diện tích cơ thể: Toàn bộ bề mặt da trở nên sưng đỏ.
Vảy nến da: Vảy nến bắt đầu xuất hiện ở các vùng kẽ. Vảy đỏ như cám hoặc bong tróc thành mảng lớn.
Phù nề: Mặt sưng lên làm biến dạng, da dày, lộn mi và cuộn như mặt sư tử. Phù cũng có thể xảy ra ở chi dưới hoặc toàn thân.
Mụn nước: Xuất hiện trên nền hồng ban, có thể có hoặc không có dịch tiết.
Rối loạn sắc tố: Da có thể giảm hoặc tăng sắc tố.
Tăng sừng ở lòng bàn tay, bàn chân: Da bong tróc thành mảng, các ngón tay nứt nẻ, khô và đau đớn, hạn chế cử động.
Bệnh nhân có thể bị sốt cao, rét run và rối loạn tiêu hóa. Sau đó, tình trạng sức khỏe dần dần suy kiệt và có thể dẫn đến tử vong do nhiễm khuẩn.
Các tác nhân gây kích hoạt bệnh vảy nến
Những tác nhân kích hoạt bệnh vảy nến phổ biến nhất là:
Đồ uống chứa cồn: Rượu có nồng độ cồn cao có thể gây bùng phát bệnh vảy nến. Nếu bạn tiêu thụ rượu quá mức, các đợt bùng phát vảy nến sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Thuốc: Một số loại thuốc được cho là có thể kích hoạt bệnh vảy nến như lithium, thuốc chống sốt rét và thuốc huyết áp.
Nhiễm trùng: Khi bạn bị ốm hoặc đang đối phó với tình trạng nhiễm trùng, hệ miễn dịch có thể bị quá tải trong việc chống lại viêm nhiễm. Điều này làm tăng khả năng xảy ra đợt bùng phát bệnh vảy nến. Viêm họng liên cầu khuẩn thường là một tác nhân gây ra bệnh vảy nến.
Tiến triển và biến chứng bệnh
Nếu không được điều trị đúng cách, vảy nến toàn thân có thể tiến triển kéo dài và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
Biến chứng do nằm lâu như viêm phổi, loét do tì đè và huyết khối;
Các biến chứng khác như viêm da do kích ứng hoặc chàm hóa.
Chẩn đoán bệnh vảy nến
Có hai phương pháp xét nghiệm và kiểm tra cần thiết để chẩn đoán vảy nến:
Khám lâm sàng: Trong quá trình khám, bạn hãy trình bày chi tiết cho bác sĩ về tất cả các vùng da bị ảnh hưởng. Đồng thời, cung cấp thông tin về tiền sử gia đình nếu có người mắc vảy nến, điều này giúp bác sĩ đánh giá toàn diện hơn.
Xét nghiệm sinh thiết: Khi các triệu chứng không rõ ràng hoặc cần xác nhận chẩn đoán, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết da. Việc lấy một mẫu da nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi sẽ giúp xác định chính xác tình trạng bệnh và loại trừ các bệnh lý da khác.
Vảy nến toàn thân là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Việc nhận diện sớm và chăm sóc phù hợp sẽ giúp kiểm soát bệnh và bảo vệ sức khỏe. Nếu có dấu hiệu về tình trạng vảy nến, hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được tư vấn và điều trị hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.