Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nguyên nhân bệnh vảy nến và biện pháp phòng ngừa

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ

Vảy nến là bệnh viêm nhiễm ngoài da gây nhiều phiền toái cho cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân bệnh vảy nến là gì trong bài dưới đây.

Vảy nến là bệnh da liễu với biểu hiện đa dạng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Kể từ khi bệnh lý này xuất hiện, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện nhiều nguyên nhân gây ra vảy nến. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân bệnh vảy nến trong bài viết dưới đây.

Vảy nến là gì?

Vảy nến là tình trạng da bong tróc thành từng mảng, tạo thành vảy. Các khu vực bị tổn thương thường có màu hồng hoặc đỏ, đôi khi là màu tím hoặc nâu sẫm; vảy có thể có màu xám, trắng hoặc bạc. Những mảng này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, phổ biến nhất là ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng dưới.

Bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính không lây, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xuất hiện ở người lớn từ 20 đến 30 tuổi và từ 50 đến 60 tuổi, với tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau. Hầu hết người mắc bệnh vảy nến chỉ bị ảnh hưởng bởi các mảng nhỏ trên da, nhưng trong một số trường hợp, các mảng này có thể gây ngứa hoặc đau.

Nguyên nhân bệnh vảy nến vô cùng đa dạng và phức tạp. Bệnh vảy nến diễn ra theo các giai đoạn không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, sau đó chuyển sang giai đoạn triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh vảy nến bao gồm:

  • Phát ban loang lổ với nhiều hình dạng khác nhau, từ những nốt vảy giống như gàu đến những nốt ban lớn lan khắp cơ thể.
  • Màu sắc của nốt phát ban thay đổi theo loại da: Người có màu da nâu hoặc đen thường có ban màu tím, trong khi người da trắng thường có ban màu hồng hoặc đỏ kèm vảy bạc.
  • Vảy nhỏ, hay gặp nhất ở trẻ em.
  • Da khô, nứt nẻ, có thể có rỉ máu.
  • Ngứa, rát hoặc đau nhức.
  • Phát ban xuất hiện theo chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng rồi giảm dần sau đó.
Nguyên nhân bệnh vảy nến và biện pháp phòng ngừa 1
Vảy nến là tình trạng da bong tróc thành từng mảng

Những nguyên nhân bệnh vảy nến thường gặp nhất

Nguyên nhân bệnh vảy nến gồm những yếu tố sau:

Di truyền

Theo thống kê của Bolgert, yếu tố di truyền chiếm gần 30% trong tổng số nguyên nhân gây bệnh vảy nến. Bệnh có thể tiềm ẩn từ khi sinh ra do được di truyền từ bố mẹ và sẽ bùng phát khi gặp các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài.

Rối loạn hệ thống miễn dịch

Phát hiện và tiêu diệt các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể là cơ chế bảo vệ tự nhiên của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị rối loạn, nó có thể gây tổn thương cho chính cơ thể, bao gồm cả hệ thống da. Điều này thúc đẩy quá trình tăng sinh các tế bào da nhanh hơn bình thường. Khi các tế bào da cũ chưa được thay thế, các tế bào da mới đã xuất hiện, dẫn đến sự dư thừa và tích tụ thành từng mảng. Các mảng da chết do rối loạn miễn dịch thường dày, có màu trắng sáp như nến, đỏ ửng và dễ gây ngứa. Đây chính là lý do tại sao bệnh này được gọi là vảy nến.

Nguyên nhân bệnh vảy nến và biện pháp phòng ngừa 2
Vảy nến có thể xuất phát do rối loạn miễn dịch

Dùng thuốc không đúng chỉ định

Việc sử dụng thuốc một cách bừa bãi mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh vảy nến. Một số loại thuốc cần lưu ý khi sử dụng bao gồm: lithium, một số thuốc chống sốt rét, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống viêm và thuốc điều trị suy tim sung huyết,…

Ít quan tâm đến các triệu chứng trên da

Đa số chúng ta thường lơ là với những vùng da bị tổn thương, dẫn đến chủ quan và không chữa trị. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công, làm gia tăng rối loạn chuyển hóa và gây bệnh. Mặc dù chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số các nguyên nhân, chúng ta vẫn cần chú trọng hơn để giảm thiểu rủi ro gây bệnh và tái phát bệnh.

Yếu tố thời tiết

Mặc dù đây không phải nguyên nhân bệnh vảy nến đáng báo động nhưng những bệnh nhân có tiền sử viêm họng, viêm amidan do thời tiết vẫn có thể xuất hiện vảy nến trên cơ thể.  Thời tiết quá lạnh và khô, khiến da nứt nẻ và khô khan. Ở một số người, thời tiết chuyển lạnh đột ngột có thể gây dị ứng da và làm tái phát bệnh nhanh chóng.

Ngoài ra, việc tiếp xúc trực tiếp quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, đặc biệt từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, cũng gây bất lợi cho cơ thể. Trong khoảng thời gian này, các tia tử ngoại từ mặt trời có thể gây tổn thương các tế bào da và tăng nguy cơ ung thư da.

Một số nguyên nhân khác

Duy trì thói quen sống không lành mạnh là một yếu tố rất bất lợi cho cơ thể nói chung và bệnh vảy nến nói riêng. Những người thường xuyên sử dụng rượu bia và thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh và tái phát cao hơn so với người bình thường. Nguyên nhân chính là do những chất này gây tác động mạnh và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể.

Ngoài ra, stress cũng là nguyên nhân gây khởi phát và làm bệnh trầm trọng hơn. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy ở những người mắc bệnh thường dễ bị kích thích hoặc lo lắng thái hóa.

Biện pháp phòng ngừa bệnh vảy nến

Để phòng ngừa bệnh vảy nến, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Bệnh vảy nến hiện vẫn là một bệnh mạn tính, cần uống thuốc lâu dài và có thể theo người bệnh suốt đời. Tuy nhiên, do da nổi vảy nên người bệnh thường tự ti, mặc cảm. Nhiều người bỏ cuộc không điều trị triệt để làm các triệu chứng nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.
  • Đối với người chưa mắc bệnh, cần tăng cường sức đề kháng, hạn chế các bệnh nhiễm trùng và chấn thương để tránh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
  • Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao như gia đình có người mắc bệnh, cần tầm soát và phát hiện sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đối với những người đã bị bệnh, không nên hoang mang hay lo lắng. Bạn nên trao đổi với bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ để được tư vấn về các liệu pháp điều trị và cách ngăn ngừa biến chứng, tránh bệnh tiến triển nặng thêm.
  • Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh ánh nắng mặt trời, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích, hạn chế ăn thực phẩm béo và nhiều dầu mỡ, đồng thời tăng cường bổ sung thức ăn chứa acid folic và omega-3 từ cá thu, cá hồi.
Nguyên nhân bệnh vảy nến và biện pháp phòng ngừa 3
Người bệnh cần trao đổi chi tiết với bác sĩ da liễu 

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh vảy nến

Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp khi nhắc tới bệnh vảy nến:

  • Bệnh vảy nến có lây không? Bệnh vảy nến xảy ra do hệ miễn dịch bị rối loạn, do đó không lây nhiễm từ người này sang người khác. Hầu hết những người mắc bệnh chỉ bị tổn thương da nhẹ và có thể điều trị hiệu quả bằng các liệu pháp bôi ngoài da.
  • Bệnh vảy nến có nguy hiểm không? Người bệnh đối diện nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, căng thẳng, tự ti, viêm khớp, nguy cơ mắc bệnh celiac, ung thư da không hắc tố, ung thư biểu mô tế bào vảy và các loại ung thư khác. Người có HIV/AIDS dễ xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng hơn khi mắc vảy nến.
  • Bệnh vảy nến có chữa được không? Bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính khi đã mắc bệnh cần điều trị suốt đời. Khi điều trị, các triệu chứng sẽ giảm hoặc biến mất, nhưng nếu ngừng điều trị khi thấy triệu chứng biến mất, bệnh sẽ trở lại và nặng hơn. Hiện nay, có nhiều lựa chọn điều trị như dùng thuốc bôi, quang trị liệu với tia cực tím, thuốc tiêm, thuốc uống hoặc thuốc sinh học.
Nguyên nhân bệnh vảy nến và biện pháp phòng ngừa 4
Vảy nến là bệnh mạn tính cần điều trị suốt đời

Trên đây là những nguyên nhân bệnh vảy nến và phương pháp phòng ngừa phù hợp. Hãy chia sẻ tới người thân, bạn bè nếu thấy bài viết hữu ích nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin