Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Dưỡng da

Các bước dưỡng da cho da dầu giúp cải thiện sức khỏe làn da

Ngày 02/11/2024
Kích thước chữ

Da dầu luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Lớp dầu bóng, lỗ chân lông to và mụn khiến bạn mất tự tin. Bài viết này sẽ chia sẻ các bước dưỡng da cho da dầu hiệu quả, giúp bạn lấy lại làn da sáng mịn và tự tin.

Da dầu dễ gặp phải tình trạng bóng nhờn và nổi mụn, đòi hỏi một quy trình chăm sóc đặc biệt để duy trì làn da luôn tươi sáng và khỏe mạnh. Để kiểm soát lượng dầu thừa và ngăn ngừa các vấn đề da liễu, bạn cần áp dụng đúng các bước dưỡng da cho da dầu hàng ngày. Những bí quyết trong bài viết sẽ giúp bạn xây dựng một chu trình dưỡng da hiệu quả, giữ cho làn da luôn mịn màng và rạng rỡ.

Da dầu là gì?

Da dầu là loại da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, sản xuất nhiều dầu hơn so với các loại da khác. Dầu thừa thường tập trung ở vùng chữ T trên khuôn mặt (bao gồm trán, mũi và cằm), khiến da dễ bóng nhờn, đặc biệt vào cuối ngày. Do lượng dầu tiết ra nhiều, da dầu thường có lỗ chân lông to hơn và dễ gặp các vấn đề như mụn đầu đen, mụn cám và mụn trứng cá.

Các bước dưỡng da cho da dầu 1
Da dầu có tuyến nhờn hoạt động mạnh, sản xuất dầu nhiều hơn so với các loại da khác

Nguyên nhân khiến da dầu có thể là do yếu tố di truyền, thay đổi hormone, hoặc môi trường sống (nhiệt độ, độ ẩm cao). Mặc dù da dầu có xu hướng bóng nhờn, nhưng một lợi ích của loại da này là tốc độ lão hóa chậm hơn so với da khô. Tuy nhiên, việc chăm sóc và kiểm soát lượng dầu đúng cách vẫn rất cần thiết để giữ da luôn sạch và khỏe mạnh.

Phân loại da dầu

Da dầu thường được phân thành ba loại dựa trên các đặc điểm và tình trạng cụ thể:

Da dầu không bài tiết được

Da dầu không bài tiết được thường xảy ra khi bít tắc lỗ chân lông do cặn bẩn hoặc tạp chất tích tụ, ngăn cản quá trình đào thải dầu tự nhiên. Dù không có biểu hiện bóng dầu rõ ràng, da lại có xu hướng sần sùi và thiếu sức sống. 

Da dầu vì bài tiết thái quá

Loại da này dễ nhận biết nhờ vào lớp dầu thừa rõ rệt trên bề mặt da, đi kèm với lỗ chân lông to và thường có mụn trứng cá. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bài tiết dầu quá mức có thể do tác động từ môi trường, căng thẳng, hoặc do chế độ ăn uống chưa khoa học. 

Các bước dưỡng da cho da dầu 2
Bài tiết dầu quá mức trên da có thể gây ra mụn

Da dầu vì thiếu nước

Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều người, khi da không đủ độ ẩm, tuyến dầu sẽ hoạt động nhiều hơn để bù đắp sự thiếu hụt nước, gây ra hiện tượng bóng nhờn. Để cải thiện tình trạng này, bạn cần bổ sung đủ nước cho cơ thể và chọn các sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp, giúp cân bằng độ ẩm và kiểm soát lượng dầu nhờn hiệu quả hơn.

Các bước dưỡng da cho da dầu

Da dầu đòi hỏi một quy trình chăm sóc kỹ lưỡng và khoa học để kiểm soát bã nhờn và ngăn ngừa các vấn đề về mụn, lỗ chân lông to và viêm nhiễm. Dưới đây là các bước dưỡng da cho da dầu đúng cách:

Tẩy trang

Tẩy trang là bước đầu tiên và không thể thiếu trong các bước dưỡng da cho da dầu, bởi làn da dầu có lỗ chân lông thường dễ bị tắc nghẽn bởi bụi bẩn, lớp trang điểm và dầu thừa. Sử dụng sản phẩm tẩy trang phù hợp sẽ giúp loại bỏ các tạp chất, làm sạch lỗ chân lông và ngăn ngừa mụn. Đối với da dầu, bạn nên chọn sản phẩm tẩy trang dạng nước hoặc dầu có khả năng làm sạch sâu, đồng thời không gây kích ứng hay tắc nghẽn thêm cho da.

Các bước dưỡng da cho da dầu 3
Tẩy trang là bước vô cùng quan trọng trong các bước dưỡng da cho da dầu

Rửa mặt

Sau khi tẩy trang, bước rửa mặt sẽ giúp làm sạch da triệt để và loại bỏ hoàn toàn các bã nhờn còn sót lại. Hãy chọn loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa chất tẩy mạnh hay các thành phần gây kích ứng da. Với da dầu, sữa rửa mặt dạng gel hoặc dạng bọt là lựa chọn tốt để kiểm soát dầu nhờn và duy trì độ cân bằng tự nhiên cho da. Tránh chà xát quá mạnh khi rửa mặt để không làm tổn thương làn da.

Dùng toner

Toner là bước giúp cân bằng độ pH của da, phục hồi da sau khi rửa mặt và chuẩn bị cho các bước dưỡng tiếp theo. Đối với da dầu, hãy chọn toner có thành phần làm sạch dịu nhẹ và có khả năng kiềm dầu, không gây cảm giác khô căng cho da.

Tẩy tế bào chết

Việc tẩy tế bào chết cho da mặt định kỳ, khoảng 1-2 lần mỗi tuần, sẽ giúp loại bỏ lớp da chết trên bề mặt, ngăn ngừa tình trạng bít tắc lỗ chân lông và giúp làn da sáng hơn. Đối với da dầu, việc tẩy tế bào chết còn giúp kiểm soát bã nhờn, ngăn ngừa mụn và kích thích tế bào mới phát triển. Bạn có thể chọn các sản phẩm tẩy tế bào chết dạng gel hoặc các loại tẩy tế bào chết hóa học chứa AHA, BHA để tăng cường hiệu quả làm sạch sâu.

Các bước dưỡng da cho da dầu 4
Bạn nên tẩy tế bào chết cho da mặt định kỳ mỗi tuần để ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông

Sử dụng sản phẩm điều trị (Treatment)

Treatment là bước chăm sóc sâu cho các vấn đề đặc biệt của da, chẳng hạn như mụn, thâm hoặc lỗ chân lông to. Các sản phẩm chứa các hoạt chất như retinol, niacinamide, hoặc acid salicylic có thể giúp cải thiện các tình trạng da dầu phổ biến này. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chỉ nên sử dụng một loại treatment trong cùng một thời điểm để tránh kích ứng hoặc phản ứng phụ. 

Dưỡng ẩm

Dù là da dầu, dưỡng ẩm vẫn là một bước không thể thiếu. Da dầu thường xuất hiện khi da thiếu độ ẩm, dẫn đến việc tuyến dầu hoạt động quá mức để bù đắp sự thiếu hụt nước. Đối với da dầu, bạn nên chọn sản phẩm dưỡng ẩm có kết cấu gel mỏng, thấm nhanh và không gây bết dính.

Sử dụng kem chống nắng

Kem chống nắng là bước quan trọng để bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV, hạn chế lão hóa và giảm nguy cơ ung thư da. Đặc biệt với da dầu, kem chống nắng giúp ngăn ngừa sự gia tăng hắc sắc tố melanin, giảm nguy cơ xuất hiện thâm nám và tàn nhang. 

Ngoài các bước dưỡng da cho da dầu nêu trên, việc duy trì một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống điều độ cũng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện làn da. Bạn nên hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh và bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, kết hợp với thói quen tập thể dục thường xuyên để giúp da mặt giảm tiết dầu và ngăn ngừa mụn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin