Tình trạng gãy xương nếu được sơ cứu kịp thời, đúng cách có thể giúp nạn nhân hạn chế được những tổn thương, hạn chế di lệch làm tổn thương các mô mềm… Đặc biệt có những bộ phận xương rất nhạy cảm như xương cổ nếu không được sơ cứu đúng và nhanh chóng thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân. Vậy, sơ cứu gãy xương như thế nào là đúng? Hãy tham khảo ngay bài viết sau của Nhà thuốc Long Châu để có những cách sơ cứu đúng nhé!
Phân loại gãy xương
Gãy xương bao gồm 2 dạng: Gãy xương bệnh lý và gãy do căng thẳng.
-
Gãy xương bệnh lý là vết gãy của xương có bệnh lý từ trước đó, xương có thể dễ dàng bị làm gãy do một lực rất nhẹ mà nếu xương bình thường thì không thể gãy. Đa số trường hợp gãy xương bệnh lý có nguyên nhân do bệnh loãng xương tuổi già, ung thư xương…
-
Gãy xương do căng thẳng là vết gãy xương do các lực tác động tái diễn, ví dụ khi tập luyện căng thẳng như ném vật nặng, múa ba lê…
Ngoài ra, gãy xương cũng được phân loại theo cơ chế thương tổn, gồm:
-
Gãy xương kín là tình trạng xương bị gãy bên trong, không gây thương tổn trên da.
-
Gãy xương hở là vết gãy xương xuyên qua da, tạo thành vết thương hở.
-
Gãy xương hoàn toàn là tình trạng xương bị gãy, nghiền thành 2 hoặc nhiều mảnh riêng biệt.
-
Gãy xương không hoàn toàn là xương bị gãy một phần, không bị đứt lìa hoàn toàn.
Gãy xương được chia thành gãy xương hở và gãy xương kín
Dấu hiệu gãy xương
Cùng với những cách phân loại có thể nhìn thấy, người gãy xương còn có những triệu chứng khác như:
-
Người bệnh không phản ứng, không cử động được.
-
Vết thương của nạn nhân chảy máu nhiều.
-
Xuất hiện những tình trạng biến dạng khỏi khung cơ thể bình thường như chi bị ngắn lại, gặp góc, xoắn vặn hoặc biến dạng khớp.
-
Nạn nhân nghe thấy tiếng "rắc" của xương gãy.
-
Cảm giác đau ở vị trí va chạm hoặc xung quanh, đau sẽ tăng lên khi thực hiện cử động.
-
Khả năng vận động bị giảm hoặc mất tại vùng xương gãy.
-
Vết thương bị sưng, phù, bầm tím.
-
Có thể kèm theo các triệu chứng của sốc.
Tại sao phải thực hiện sơ cứu gãy xương?
Sơ cứu gãy xương giúp làm giảm khả năng di lệch của xương khi bị gãy, tránh cho đầu xương gãy nhọn va chạm vào các mô cơ, mạch máu, dây thần kinh bên trong. Ngoài ra, việc sơ cứu gãy xương cũng giúp chấn an người bệnh, làm giảm các triệu chứng đau. Trong trường hợp người bệnh có xuất hiện triệu chứng xuất huyết, sơ cứu giúp cầm máu cho nạn nhân, tránh trường hợp mất máu quá nhiều khó điều trị.
Xương bị gãy, đặc biệt là những vết gãy hở có thể là con đường xâm nhập của vi khuẩn. Thời gian để vết thương ở ngoài càng lâu càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy băng bó vết thương giúp hạn chế con đường xâm nhập, tránh cho nạn nhân bị nhiễm trùng.
Sơ cứu gãy xương giúp cầm máu ngay lập tức cho nạn nhân
Các bước sơ cứu gãy xương
Tùy vào loại gãy xương mà sẽ có những cách sơ cứu riêng. Dưới đây là các cách sơ cứu một số loại gãy xương phổ biến:
Sơ cứu gãy xương cẳng tay
-
Bước 1: Cố định bên cẳng tay bị gãy vào sát với thân người, cẳng tay để ở tư thế vuông góc với cánh tay và lòng bàn tay để ngửa lên trên.
-
Bước 2: Sử dụng 2 nẹp, 1 chiếc nẹp sẽ để ở phía trong cẳng tay sát với thân người, nẹp còn lại sẽ đặt ở phía bên ngoài cẳng tay.
-
Bước 3: Dùng garo để cố định nẹp và cẳng tay. Dùng khăn tam giác đỡ cẳng tay treo trước ngực.
Xương cẳng tay được sơ cứu và ép chặt ở tư thế cố định
Sơ cứu gãy xương cánh tay
-
Bước 1: Cố định bên cánh tay tổn thương vào sát thân người, để cẳng tay ở tư thế vuông góc với cánh tay.
-
Bước 2: Chuẩn bị 2 chiếc nẹp, 1 chiếc dùng để nẹp ở bên trong tử hố nách tới quá khuỷu tay, nẹp còn lại đặt ở phía ngoài từ bả vai đến quá khớp khuỷu.
-
Bước 3: Sử dụng garo buộc cố định xương và nẹp. Vị trí buộc garo có thể là trên và dưới vị trí xương bị gãy.
-
Bước 4: Dùng khăn tam giác để đỡ cẳng tay cố định ở vị trí trước ngực, cẳng tay vuông góc với cánh tay, bàn tay để ngửa và cao hơn khuỷu tay.
-
Bước 5: Sử dụng thêm 1 khăn tam giác rộng để ép cánh tay sát vào thân mình, buộc thắt nút phía dưới nách bên không bị thương.
Sơ cứu gãy xương đùi
-
Bước 1: Khi phát hiện nạn nhân, tìm ngay một mặt phẳng cứng, bằng phẳng và đặt nạn nhân nằm lên đó. Tư thế người bệnh là 2 chân duỗi thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân.
-
Bước 2: Chuẩn bị 2 nẹp, 1 nẹp đặt ở mặt trong từ bẹn đến gót chân và nẹp còn lại đặt ở mặt ngoài từ hố nách đến quá phần gót chân. Khi nẹp cần lưu ý đệm bông vào các vị trí có sự tỳ đè.
-
Bước 3: Dùng garo buộc cố định trên và dưới ổ gãy, dưới khớp gối, mang mào chậu và ngang ngực.
-
Bước 4: Sử dụng kỹ thuật băng số 8 để băng bàn chân vuông góc với chân.
-
Bước 5: Buộc thêm 3 dây ở các vị trí cổ chân, đầu gối và sát bẹn để cố định chân.
Sơ cứu gãy xương cẳng chân
-
Bước 1: Tìm một mặt phẳng cứng, đặt người bệnh nằm trên mặt phẳng trong tư thế 2 chân duỗi thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân.
-
Bước 2: Sử dụng 2 nẹp, nẹp ngắn hơn đặt ở mặt trong từ bẹn đến quá gót chân, nẹp dài hơn đặt bên ngoài từ mào chậu đến quá gót chân.
-
Bước 3: Buộc cố định ở các vị trí trên và dưới ổ gãy.
-
Bước 4: Cố định cổ chân và cẳng chân bằng kỹ thuật băng số 8.
Sau khi sơ cứu, cổ chân và cẳng chân cần được băng cố định bằng kỹ thuật băng số 8
Sơ cứu gãy xương cột sống vùng cổ
-
Bước 1: Đặt nạn nhân nằm trên một mặt phẳng cứng trong tư thế tay chân duỗi thẳng. Cần hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận khi di chuyển nạn nhân, cố định đầu và cổ trong khi di chuyển để tránh chấn thương.
-
Bước 2: Nới lỏng quần áo của nạn nhân.
-
Bước 3: Kiểm tra các dấu hiệu sống như nhịp thở, mạch, nhịp tim…
-
Bước 4: Cố định đầu và cổ nạn nhân.
-
Bước 5: Nếu thấy xuất huyết tại vết thương, thực hiện cầm máu ngay cho nạn nhân bằng cách băng ép hay sử dụng quần áo sạch. Lưu ý, vẫn cần cố định đầu và cổ.
Khi sơ cứu xương gãy vùng cổ cần cố định thật chặt đầu và cổ
Như vậy, qua bài viết này Nhà Thuốc Long Châu đã đưa ra những cách sơ cứu gãy xương cho từng loại xương khác nhau. Việc thực hiện đúng cách sơ cứu sẽ giúp nạn nhân giảm bớt những hậu quả nguy hiểm. Chúc quý bạn đọc có thật nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều kiến thức y khoa bổ ích khác bạn nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp