Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hướng dẫn sơ cứu gãy xương hở

Ngày 02/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Gãy xương được chia thành gãy xương hở và gãy xương kín, trong đó gãy xương hở là loại gãy có nguy cơ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm hơn cho nạn nhân. Do đó, sơ cứu gãy xương hở đúng cách là một việc vô cùng quan trọng và cần được thực hiện nhanh chóng.

Gãy xương hở (hay còn gọi là gãy xương mở) là tình trạng gãy xương có tạo thành vết thương, có thể thấy hoặc không thấy đầu xương gãy chọc xuyên qua da. Qua vết thương đó, ổ gãy thông với môi trường bên ngoài, gây ra nguy cơ nhiễm khuẩn cho nạn nhân. Vì vậy, nếu không kịp thời sơ cứu, người bị gãy xương hở có thể gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là sốc mất máu và nguy hiểm đến tính mạng.

Phân loại gãy xương hở

Tuỳ thuộc vào các tiêu chí như kích thước vết thương, tình trạng tổn thương phần mềm, mức độ nhiễm khuẩn, tình trạng tổn thương xương và các tổn thương phối hợp, gãy xương hở được phân chia thành các loại sau:

  • Gãy xương hở độ I: Là trường hợp gãy xương hở gây ra vết thương rách da có đường kính từ 1cm trở xuống, phần mềm xung quanh vị trí ổ gãy không bị tổn thương nhiều. Xương có thể bị gãy ngang hoặc gãy chéo, vị trí di lệch không đáng kể.
  • Gãy xương hở độ II: Giống với trường hợp gãy xương hở độ I nhưng có đường kính vết thương rách da lớn hơn 1cm.
  • Gãy xương hở độ IIIA: Là trường hợp gãy xương hở có phần mềm bị tổn thương nặng nề, xương gãy phức tạp và có mức độ di lệch lớn, nguy cơ nhiễm khuẩn lớn. Tuy bị tổn thương nặng nhưng ổ gãy vẫn được phần mềm che phủ kín.
  • Gãy xương hở độ IIIB: Giống với gãy xương hở độ IIIA nhưng phần mềm không che phủ kín ổ gãy.
  • Gãy xương hở độ IIIC: Giống trường hợp gãy xương hở độ IIIA nhưng kèm theo tổn thương mạch máu chính. Ở chi, nếu không kịp thời phục hồi sự lưu thông của mạch máu, có thể chi sẽ phải bị cắt cụt.
Hướng dẫn sơ cứu gãy xương hở 1 Phân độ gãy xương hở theo Gustilo

Dấu hiệu gãy xương hở

Nạn nhân gặp chấn thương gây gãy xương hở có thể bị sốc do đau và mất nhiều máu, có biểu hiện khó thở, thở nhanh nhưng nông, da nhợt nhạt, tái xanh, chân tay lạnh, trán vã mồ hôi.

Đối với trường hợp gãy xương hở nặng có vết thương rộng, có thể dễ dàng quan sát ổ gãy và nhận định tình trạng tổn thương. Ở các trường hợp có vết thương nhỏ và không để lộ ổ gãy, nạn nhân sẽ cảm thấy đau nhói khi sờ nắn vào, trục xương bị biến dạng, vận động của xương bị giảm hoặc mất hoàn toàn.

Hướng dẫn các bước sơ cứu gãy xương hở

Trong gãy xương hở, mục đích hàng đầu của sơ cứu chính là cứu sống nạn nhân, sau đó mới là phục hồi xương gãy về hình thái ban đầu. Do đó, việc quan trọng cần làm khi sơ cứu gãy xương hở là cầm máu, giảm đau để chống sốc, đồng thời băng bó và cố định xương gãy để giảm nguy cơ biến chứng về sau.

Bước 1: Xác định chỉ số sinh tồn và mức độ tổn thương

Đây là bước đầu tiên cần được người sơ cứu thực hiện nhanh chóng. Người sơ cứu cần xác định mức độ chấn thương của nạn nhân, nạn nhân có bị sốc hay không, các chỉ số sinh tồn có điều gì bất thường không, vết thương có nguy cơ nhiễm trùng cao hay không… Từ việc xác định tình trạng nạn nhân, người sơ cứu có thể đưa ra những xử trí tiếp theo một cách phù hợp.

Hướng dẫn sơ cứu gãy xương hở 2 Cách nghe nhịp thở trong sơ cứu

Bước 2: Giảm đau cho nạn nhân

Đau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sốc ở người bị gãy xương, đặc biệt là gãy xương hở. Do đó, việc giảm đau cho nạn nhân là việc cần được ưu tiên hàng đầu trong quá trình sơ cứu. Nếu thực hiện băng bó và cố định xương gãy mà không giảm đau, nạn nhân có thể từ trạng thái chưa sốc trở thành sốc, hoặc từ sốc nhẹ trở thành sốc nặng do quá trình cố định có thể làm xương bị di lệch.

Có thể thực hiện giảm đau cho nạn nhân bằng một số thuốc giảm đau toàn thân như Morphin, Promedol, Dolargan; nhóm thuốc chống viêm giảm đau như Voltaren SR, Diclofenac hoặc các loại thuốc giảm đau khác.

Hướng dẫn sơ cứu gãy xương hở 3 Sử dụng các loại thuốc như Morphin, Promedol… để giảm đau trong sơ cứu gãy xương hở

Bước 3: Băng bó kín vết thương

Trước khi tiến hành băng bó, cần làm sạch vết thương và đắp một miếng gạc có tẩm Betadine lên kín miệng vết thương. Ngoài gạc tẩm thuốc, cần đặt thêm nhiều miếng gạc để có thể thấm hết dịch tiết ra từ miệng vết thương, sau đó mới thực hiện băng bó.

Tại bước này, đảm bảo vết thương được vô trùng là vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn cho nạn nhân. Lưu ý, không được đẩy xương trở lại vị trí bình thường mà phải giữ nguyên trạng thái gãy khi băng bó, nhất là trong trường hợp đầu xương gãy lộ trên da.

Hướng dẫn sơ cứu gãy xương hở 4 Cầm máu và băng bó vết thương trước khi thực hiện cố định

Bước 4: Bất động xương gãy và cố định ở tư thế chức năng

Mục đích của việc cố định tạm thời xương gãy là tránh xương gãy bị di lệch thêm, gây ra các tổn thương mới cho vùng da, cơ, mạch máu hay thần kinh xung quanh. 

Cần bất động xương gãy bằng nẹp có đủ độ cứng, chắc, đảm bảo đủ dài để cố định xương với cơ thể thành một khối. Tại đầu nẹp hoặc vùng có xương nhô lên, cần dùng gạc hoặc vải mềm để đệm lót, tránh để nẹp tiếp xúc trực tiếp với da. Sau khi đặt nẹp, cố định nẹp bằng băng hoặc dây vải tại các vị trí: Khớp trên, khớp dưới, trên ổ gãy, dưới ổ gãy. Cuối cùng, cố định xương gãy ở vị trí chức năng.

Hướng dẫn sơ cứu gãy xương hở 5 Đặt nẹp cố định xương gãy

Trong quá trình thực hiện sơ cứu, người sơ cứu cần thường xuyên kiểm tra dấu hiệu sinh tồn để đảm bảo đường thở của bệnh nhân được thông thoáng, tuần hoàn ổn định. Sau khi cố định xương, cần kiểm tra sự tuần hoàn máu ở dưới vùng gãy để đảm bảo máu được lưu thông.

Bước 5: Vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện

Gãy xương hở là một tình trạng vô cùng nguy hiểm và có nguy cơ để lại nhiều di chứng khó lường cho nạn nhân. Do đó, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế thật nhanh chóng để nạn nhân có thể được xử lí chuyên sâu một cách kịp thời. Trong quá trình di chuyển, cần hạn chế tối đa sự di lệch và va chạm của xương bị gãy.

Sơ cứu là một yếu tố vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hồi phục sau chấn thương của nạn nhân bị gãy xương hở nói riêng và mọi trường hợp chấn thương nói chung. Sau khi sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân vào viện để nhận sự trợ giúp y tế, quá trình hồi phục cũng chú ý tới dinh dưỡng cho người gãy xương

Qua bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã đem đến cho bạn những thông tin cơ bản liên quan đến tình trạng gãy xương hở, đặc biệt là các bước sơ cứu gãy xương hở chính xác. Nhà thuốc Long Châu hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn đọc. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe và mong rằng Nhà thuốc sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các bạn trong tương lai!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm