Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổ biến hiện nay không phải ai cũng biết

Ngày 06/10/2023
Kích thước chữ

Theo thời gian, tỷ lệ mắc ung thư ngày càng cao. Điều này gây ra nỗi hoang mang và sợ hãi đối với người dân trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trước thực trạng này, việc chủ động tầm soát ung thư sớm là điều vô cùng cần thiết. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn đọc một số chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư.

Trong quá trình kiểm tra và sàng lọc ung thư thì các chỉ số tầm soát ung thư là một gợi ý quan trọng. Cùng với các kết quả xét nghiệm khác, chỉ số xét nghiệm máu sẽ giúp tăng cao phần trăm chẩn đoán chính xác về nguy cơ của các căn bệnh nguy hiểm này. Vậy đâu là các chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổ biến hiện nay?

Tổng quan về tầm soát ung thư

Như các bạn đã biết, đa số các trường hợp mắc ung thư đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đó là khi các triệu chứng lâm sàng quá rõ ràng và thậm chí là khối u đã di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Lúc này, việc điều trị đã không thể đạt hiệu quả triệt để mà chỉ có thể kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Chính vì thế, việc chủ động kiểm tra cũng như tầm soát ung thư định kỳ là cách chẩn đoán sớm các nguy cơ ung thư. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hướng xử trí và kết quả điều trị bệnh.

Trên thực tế, còn rất ít người hiểu đúng và đủ về việc tầm soát ung thư. Các chuyên gia nhận định, tầm soát ung thư là phương pháp vàng giúp phát hiện bệnh ung thư từ giai đoạn sớm, khi mà các khối u còn nhỏ chưa phát triển hay di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Điều này có một ý nghĩa rất lớn giúp cho việc điều trị trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là tỷ lệ khỏi bệnh cao hơn rất nhiều lần so với việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Các thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ điều trị thành công khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm lên đến 90%.

Các chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổ biến hiện nay không phải ai cũng biết 1
Tầm soát ung thư có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư

Chỉ số xét nghiệm máu có phát hiện ung thư không?

Ung thư là căn bệnh đa hình thái và trên thực tế có đến hàng trăm loại ung thư khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng mừng là có không ít các loại ung thư có thể điều trị hiệu quả, thậm chí là triệt để nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ.

Có thể thấy rằng, việc phát hiện ung thư là một yếu tố quan trọng và mang tính quyết định cơ hội sống của người bệnh. Thêm vào đó, việc điều trị bệnh ở giai đoạn sớm không chỉ dễ dàng và tiết kiệm chi phí điều trị mà còn giúp người bệnh tránh được suy nghĩ tiêu cực, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Với thắc mắc chỉ số xét nghiệm máu có phát hiện ung thư không thì các chuyên gia cho biết: Trên thực tế, có rất nhiều loại ung thư khác nhau và mỗi loại ung thư khác nhau lại được phát hiện bởi các phương pháp khác nhau. Chính vì thế, nếu chỉ dựa vào một chỉ số xét nghiệm máu thì vẫn chưa đủ để kết luận chính xác bệnh ung thư.

Với một số căn bệnh ung thư, chỉ số xét nghiệm máu bất thường chỉ là một cơ sở để bác sĩ nghi ngờ bệnh. Lúc này, để khẳng định chẩn đoán, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn và các thăm dò cận lâm sàng như siêu âm, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ…

Các chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổ biến hiện nay không phải ai cũng biết 2
Chỉ số xét nghiệm máu là một trong những căn cứ để đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư

Chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổ biến

Dưới đây là 4 chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổ biến hiện nay, bạn đọc có thể tham khảo:

Chỉ số AFP

Định lượng Alpha Fetoprotein (AFP) đóng vai trò là một chất chỉ điểm khá quan trọng trong tầm soát ung thư gan. Ngoài ra, chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư này còn được dùng với mục đích theo dõi tiến trình ở người mắc các bệnh về gan mạn tính như xơ gan, viêm gan siêu vi C và viêm gan siêu vi B.

AFP là một dạng huyết thanh có trong gan và túi noãn hoàn của bào thai. Nồng độ AFP giảm xuống sau khi sinh và ở người trưởng thành có biểu hiện bị ức chế với một lượng nhỏ dưới 10ng/ml. Trong trường hợp nồng độ AFP vượt ngưỡng 20ng/ml thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư gan.

Các chuyên gia cho biết AFP tăng không có nghĩa là người bệnh mắc ung thư gan bởi điều này còn có thể xuất hiện ở một số đối tượng khác như phụ nữ mang thai, u quái tinh hoàn hoặc người mắc bệnh viêm gan. Tuy nhiên, nếu AFP ở mức bình thường cũng không loại trừ khả năng người bệnh mắc ung thư gan. Để kết quả thực sự có giá trị thì cần kết hợp thêm 2 dấu ấn khác đó là AFP-L3 và PIVKA-II.

Các chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổ biến hiện nay không phải ai cũng biết 3
AFP là chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư gan

Chỉ số CEA

CEA là viết tắt của Carcinoembryonic Antigen. Đây là kháng nguyên được tìm thấy trong rất nhiều các tế bào khác nhau của cơ thể. Tuy nhiên, kháng nguyên này thường liên kết với các khối u nhất định hoặc sự phát triển của thai nhi.

Cũng giống như AFP, lượng CEA cũng giảm xuống đáng kể sau khi sinh và thường duy trì nồng độ ở mức bình thường tùa 0 - 5ng/ml đối với người trưởng thành. Nếu chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư này vượt quá ngưỡng bình thường thì cho thấy nguy cơ mắc ung thư là rất cao, nhất là ung thư đại tràng.

Đối với trường hợp mắc ung thư đại tràng, xét nghiệm định lượng CEA không chỉ giúp xác định giai đoạn tiến triển của bệnh mà còn giúp các bác sĩ đánh giá được mức độ di căn trong suốt quá trình điều trị cũng như diễn biến bệnh.

Tuy nhiên, cũng giống như các căn bệnh ung thư khác, nếu chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm CEA để chẩn đoán ung thư đại tràng thì chưa đủ bởi ở một số đối tượng không liên quan đến ung thư như người mắc bệnh lý dạ dày ruột/bệnh lý phổi, người bị viêm tuyến vú mạn tính, người có thói quen hút thuốc lá… đều có sự gia tăng nồng độ CEA.

Chỉ số PSA

Prostate Specific Antigen (PSA) là kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt. Kháng nguyên này được tìm thấy chủ yếu trong tinh dịch hoặc được sản xuất trong tuyến tiền liệt. Ngoài ra, trong máu cũng lưu thông một lượng nhỏ kháng nguyên PSA.

Hiệu quả của xét nghiệm định lượng PSA trong máu được đánh giá cao trong việc hỗ trợ chẩn đoán cũng như theo dõi sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: Sẽ không loại trừ khả năng nguy cơ mắc ung thư nếu định lượng PSA tăng cao.

  • Chỉ số PSA ở người bình thường là dưới 4ng/ml.
  • Tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt 80% nếu chỉ số nồng độ PSA thu được lớn hơn 10ng/ml.
  • Tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt lên đến 90% nếu chỉ số nồng độ PSA lớn hơn 20ng/ml.

Trên thực tế, nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ PSA lớn hơn 10ng/ml, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm sinh thiết để phân tích, đánh giá từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Các chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư phổ biến hiện nay không phải ai cũng biết 4
Chỉ số PSA giúp hỗ trợ chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Chỉ số CA 125

CA 125 (Carcinama Antigen) được đánh giá là một chất chỉ điểm tương đối chính xác bệnh ung thư ở nữ giới, đặc biệt là ung thư buồng trứng.

Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, nồng độ CA 125 ở người bình thường dao động trong khoảng 0 - 21 UI/ml. Theo thống kê có đến 70 các trường hợp mắc ung thư buồng trứng có nồng độ CA 125 tăng cao trong máu. Song, trên thực tế vẫn có những trường hợp có CA 125 tăng cao nhưng không mắc ung thư buồng trứng.

Như vậy, để chẩn đoán chính xác người bệnh có mắc ung thư buồng trứng hay không, các bác sĩ cần kết hợp với các danh mục kiểm tra khác bao gồm siêu âm, sinh thiết, chụp CT…

Trên đây là toàn bộ những thông tin xoay quanh chủ đề tầm soát ung thư và chỉ số xét nghiệm máu phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để gửi đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có cái nhìn chính xác hơn về tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư đồng thời nắm được 4 chỉ số tầm soát ung thư phổ biến. Cảm ơn bạn đã luôn đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin