Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các phân loại phẫu thuật hiện nay và những điều bạn cần biết

Ngày 22/02/2024
Kích thước chữ

Với sự tiến bộ ngày càng cao của y học, các cuộc phẫu thuật hiện nay hầu hết đều tiên tiến, ít xâm lấn và nhanh chóng hồi phục hơn. Vậy hiện tại có cách phân loại phẫu thuật như thế nào?

Mặc dù phẫu thuật có thể là cách tốt nhất để điều trị chấn thương hoặc tình trạng bệnh lý của bạn nhưng chúng ta đều biết rằng đó là một quyết định quan trọng. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan xung quanh một ca phẫu thuật cũng như cách phân loại phẫu thuật hiện nay.

Các xét nghiệm cần thực hiện trước phẫu thuật

Trước khi tìm hiểu về các phân loại phẫu thuật, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về một số xét nghiệm cần thực hiện trước phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, bạn có thể cần phải thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu, tổng phân tích nước tiểu hoặc xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang . Loại xét nghiệm cần thiết là khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, loại phẫu thuật và tình trạng bệnh lý hiện tại.

Các phương pháp phẫu thuật hiện nay? Phục hồi sau phẫu thuật như thế nào? 1
Xét nghiệm nước tiểu là một trong những xét nghiệm cần thiết trước phẫu thuật

Xét nghiệm trước phẫu thuật có thể phối hợp với các triệu chứng lâm sàng để cung cấp thông tin về:

  • Xác định, điều trị hoặc kiểm soát mọi bệnh lý nền mà bệnh nhân đang mắc phải trước khi thực hiện thủ thuật như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim,...
  • Cho các bác sĩ cái nhìn tổng quát sức khỏe của bệnh và đảm bảo sẵn sàng về mặt thể chất để phẫu thuật. Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể trạng quá gầy hoặc quá yếu, cuộc phẫu thuật có thể được lùi lại để chăm sóc nâng tổng trạng bệnh nhân lên.
  • Cho bác sĩ và phẫu thuật viên dự kiến được kế hoạch điều trị và tiên lượng các vấn đề có thể phát sinh trong cuộc mổ để chuẩn bị xử trí kịp thời.

Cách phân loại phẫu thuật

Với những tiến bộ kỹ thuật ngày nay, phẫu thuật không nhất thiết phải sẽ để lại vết mổ lớn và thời gian lành vết thương lâu như trước đây. Tùy thuộc vào cơ quan phẫu thuật, có một số cách phân loại phẫu thuật được chia như sau:

Phẫu thuật mở truyền thống

Trong phẫu thuật mở truyền thống, bác sĩ phẫu thuật sử dụng dao mổ để rạch một đường lớn trên một vùng trên cơ thể. Phẫu thuật mở không còn phổ biến như trước đây nhưng chúng có thể là lựa chọn điều trị tốt nhất cho một số tình trạng ảnh hưởng đến tim, cột sống, não và các vùng khác của cơ thể. Phẫu thuật mở có thể thích hợp hơn các phương pháp xâm lấn tối thiểu khi bác sĩ phẫu thuật cần tiếp cận một vị trí phẫu thuật lớn.

Phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot

Phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot có thể nâng cao độ chính xác và phạm vi chuyển động. Với phương pháp phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật sử dụng bảng điều khiển máy tính để điều khiển các cánh tay của robot. Các cánh tay được gắn các dụng cụ chuyên dụng cũng như một camera truyền hình ảnh 3D độ phân giải cao trở lại bảng điều khiển. Tương tự như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot được thực hiện bằng nhiều vết mổ nhỏ. Trong một số trường hợp, nó cũng có thể được sử dụng cho các ca phẫu thuật mở.

Các phương pháp phẫu thuật hiện nay? Phục hồi sau phẫu thuật như thế nào? 2
Phân loại phẫu thuật có robot hỗ trợ

Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật nội soi hay xâm lấn tối thiểu là bất kỳ kỹ thuật nào liên quan đến phẫu thuật không cần tạo vết mổ lớn. Cách tiếp cận tương đối mới này cho phép bệnh nhân hồi phục nhanh hơn và ít đau đớn hơn, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp hay loại phẫu thuật đều có thể mổ nội soi. Phương pháp này có thể được sử dụng để đánh giá tổn thương các cơ quan, lấy mẫu mô sinh thiết và sửa chữa lại các cơ quan. Một số cơ quan có thể phẫu thuật nội soi bao gồm:

  • Nội soi ổ bụng: Một thủ thuật xâm lấn tối thiểu trong khoang bụng sử dụng một ống có đèn và camera ở cuối (ống nội soi) để kiểm tra các cơ quan và các bất thường.
  • Nội soi tiêu hóa: Dùng ống nội soi để quan sát kiểm tra bên trong các cơ quan rỗng của đường tiêu hóa như nội soi dạ dày, nội soi thực quản, nội soi đại tràng sigma,...
  • Nội soi khớp: Bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn vào bên trong khớp bằng cách sử dụng máy soi khớp. Kỹ thuật này thường được sử dụng để kiểm tra và có thể sửa chữa tái tạo bên trong khớp gối, khớp vai hoặc khớp hông.
  • Nội soi phế quản: Kỹ thuật này cho phép quan sát phế quản (là đường dẫn khí chính của phổi) bằng ống soi phế quản mềm. Nội soi phế quản giúp đánh giá và chẩn đoán các bệnh lý về phổi, đánh giá tắc nghẽn, lấy mẫu mô, chất tiết đàm nhớt hoặc giúp loại bỏ dị vật.
  • Nội soi lồng ngực: Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu vào khoang ngực với một vết cắt nhỏ ở khoảng giữa 2 xương sườn cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ khoang lồng ngực.
  • Nội soi bàng quang: Kỹ thuật đưa ống nội soi vào niệu đạo (đường dẫn nước tiểu) để kiểm tra niệu đạo và bàng quang xem có sỏi hay bất thường gì khác không.
  • Nội soi dạ dày: Quan sát dạ dày bằng ống nội soi mềm, thường được chỉ định trong các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên, nghi ngờ viêm loét dạ dày.
  • Nội soi vùng chậu: Kiểm tra trực quan cổ tử cung và buồng tử cung bằng nội soi.

Phục hồi sau phẫu thuật như thế nào?

Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được chuyển đến phòng hồi sức (còn gọi là phòng chăm sóc sau gây mê), nơi y tá và bác sĩ sẽ theo dõi bạn và giữ cho bạn cảm thấy thoải mái khi thuốc mê hết tác dụng. Thông thường, bệnh nhân thường nằm từ 45 phút đến 2 giờ trong phòng hồi sức.

Sau khi ổn định, bạn sẽ được xuất viện về nhà hoặc được đưa đến phòng bệnh thường nếu bạn cần nằm viện phục hồi thêm. Mất bao lâu để hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật tùy thuộc vào từng cá nhân và loại thủ thuật bạn đã thực hiện. Làm theo lời khuyên của các y tá, bác sĩ về mức độ hoạt động, chế độ ăn uống, tắm rửa, chăm sóc vết thương và dùng thuốc sẽ giúp cho quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Các phương pháp phẫu thuật hiện nay? Phục hồi sau phẫu thuật như thế nào? 3
Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể cần nằm viện hồi phục

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn thêm các thông tin về cách phân loại phẫu thuật hiện nay cũng như ưu nhược điểm của chúng. Biết những gì sẽ xảy ra trong những ngày trước, trong và sau khi phẫu thuật có thể giúp chuẩn bị tốt về tinh thần, điều kiện chăm sóc và mang lại kết quả phẫu thuật tích cực hơn. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm