Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm loét dạ dày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 28/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm loét dạ dày xảy ra khi axit dạ dày ăn qua lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày của bạn và tạo ra vết loét hở. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình bao gồm đau rát dạ dày và khó tiêu. Cần chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa vết loét lan rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm loét dạ dày là gì?

Dạ dày là một cơ quan của hệ tiêu hóa, nằm ở vùng bụng ngay dưới xương sườn bên trái.

Thức ăn ăn vào sẽ được đưa xuống thực quản và đẩy qua cơ thắt thực quản vào dạ dày, nơi nó được trộn với dịch dạ dày có chứa enzym và axit clohydric. Dạ dày nhào trộn thức ăn và phân hủy nó một cách cơ học cũng như hóa học.

Khi thức ăn đã đủ độ nhuyễn, nó sẽ được hấp thu và tống xuất vào các cơ quan tiêu hóa dưới và thải cặn bã ra ngoài.

Viêm loét dạ dày là tình trạng viêm hoặc nặng hơn là hình thành vết loét ở niêm mạc dạ dày. Viêm loét dạ dày là bệnh phổ biến và có thể điều trị được, nhưng chúng có thể trở nên nghiêm trọng nếu kéo dài quá lâu mà không điều trị. Một số vết loét chảy máu liên tục, có thể dẫn đến mất máu đáng kể theo thời gian. Một số có thể tiếp tục ăn mòn thành dạ dày cho đến khi gây ra thủng dạ dày.

Đôi khi, viêm loét dạ dày có thể kèm theo tình trạng viêm tá tràng. Cho nên người ta thường hay gọi là viêm loét dạ dày tá tràng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm loét dạ dày

Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đau rát dạ dày;
  • Cảm giác đầy bụng, chướng bụng hoặc ợ hơi;
  • Ợ nóng;
  • Buồn nôn.

Triệu chứng viêm loét dạ dày phổ biến nhất là đau rát dạ dày. Axit dạ dày làm cho cơn đau trở nên tồi tệ hơn, nhất là khi bụng đói. Cơn đau thường có thể thuyên giảm bằng cách ăn một số loại thực phẩm có tác dụng đệm axit dạ dày hoặc dùng thuốc giảm tiết axit, nhưng sau đó cơn đau có thể quay trở lại. Cơn đau có thể nặng hơn giữa các bữa ăn và vào ban đêm.

Trong một số trường hợp nặng, viêm loét dạ dày có thể gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Nôn ra máu;
  • Tiêu phân đen;
  • Đại tiện ra máu;
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Thay đổi khẩu vị.
Viêm loét dạ dày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Đau rát dạ dày là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm loét dạ dày

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của viêm loét dạ dày, hãy liên hệ ngay với bác sĩ tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày

Các nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến viêm loét dạ dày bao gồm:

  • Nhiễm H.pylori: Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori) là nguyên nhân chính gây loét dạ dày tá tràng. Chúng tạo ra sự kích thích bằng cách xâm chiếm các tế bào bề mặt, kích hoạt các tế bào sản xuất ra các hóa chất (cytokine) thúc đẩy quá trình viêm. Sự lây truyền H.pylori có thể do dùng chung thực phẩm hoặc đồ dùng, tiếp xúc với chất nôn mửa bị nhiễm bệnh và dùng chung nước với người bị nhiễm H.pylori.
  • Thuốc NSAID: Bao gồm Aspirin, Diclofenac, Ibuprofen... Có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày của bạn khi tiếp xúc và chúng cũng ức chế một số hóa chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Càng ngày lớp lót bảo vệ dạ dày càng mòn đi và hình thành vết loét.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison: Đây là một tình trạng hiếm gặp khiến dạ dày sản xuất quá nhiều axit dạ dày, làm xói mòn lớp niêm mạc.
  • Căng thẳng sinh lý nghiêm trọng: Căng thẳng sinh lý nghiêm trọng làm thay đổi cân bằng độ pH, khiến dạ dày của bạn tiết ra nhiều axit hơn bình thường.
Viêm loét dạ dày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nhiễm H.pylori là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm loét dạ dày?

Bất cứ ai cũng có thể mắc viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, những người trẻ từ 20 tuổi trở lên, nữ giới nguy cơ mắc phải viêm loét dạ dày nhiều hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm loét dạ dày

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển chứng viêm loét dạ dày, bao gồm:

  • Hút thuốc lá;
  • Uống rượu;
  • Bị căng thẳng tâm lý kéo dài;
  • Ăn thức ăn cay.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm loét dạ dày

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi bạn về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn. Họ sẽ muốn biết liệu bạn có thường xuyên sử dụng NSAID hay có tiền sử nhiễm H. pylori hay không.

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán viêm loét dạ dày, các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Xét nghiệm để kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Đánh giá biến chứng thiếu máu do viêm loét dạ dày gây ra.
  • Nội soi dạ dày tá tràng: Để giúp quan sát được kích thước và vị trí vết loét.
  • Sinh thiết: Sinh thiết phải luôn được thực hiện nếu phát hiện thấy vết loét dạ dày.
  • Xét nghiệm hơi thở C14: Dùng kiểm tra sự hiện diện của H. pylori. Vi khuẩn chuyển đổi ure thành carbon dioxide. Thử nghiệm bao gồm nuốt một lượng carbon phóng xạ (C14) và kiểm tra không khí thở ra từ phổi.
Viêm loét dạ dày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám bệnh đầy đủ để chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày

Điều trị viêm loét dạ dày

Nội khoa

Điều trị chứng viêm loét dạ dày tập trung vào nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ, nếu bạn bị nhiễm H.pylori, việc điều trị sẽ bao gồm thuốc diệt H.pylori. Nếu bạn đang sử dụng thuốc NSAID, bác sĩ sẽ cân nhắc giảm liều và đổi sang thuốc khác ít tác dụng phụ lên dạ dày hơn.

Thuốc có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh diệt H. pylori: Nếu H. pylori được tìm thấy trong đường tiêu hóa của bạn, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Chúng có thể bao gồm Amoxicillin, Clarithromycin, Metronidazole, Tinidazole, Tetracycline và Levofloxacin.
  • Thuốc ngăn chặn sản xuất axit: Thuốc ức chế bơm proton còn gọi là PPI, thuốc làm giảm axit dạ dày bằng cách ngăn chặn hoạt động của các bộ phận tế bào tạo ra axit. Những loại thuốc này bao gồm Omeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole, Esomeprazole và Pantoprazole.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc gọi là chất bảo vệ các mô lót dạ dày. Các thuốc có thể kê đơn bao gồm Sucralfate và Misoprostol.
Viêm loét dạ dày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Viêm loét dạ dày mức độ nhẹ đến trung bình có thể điều trị khỏi bằng thuốc

Ngoại khoa

Phẫu thuật được chỉ định khi thủng dạ dày, chảy máu không kiểm soát, tắc nghẽn đường ra dạ dày nghiêm trọng và vết loét không lành bằng điều trị nội khoa.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm loét dạ dày

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Tự theo dõi các triệu chứng, nếu có bất kỳ triệu chứng mới hoặc nặng lên của các triệu chứng cũ cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
  • Tập thư giãn bằng các bài tập thở, thiền, khí công, dưỡng sinh.
  • Không tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Ăn uống đúng bữa, tránh bỏ bữa.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không ăn nhiều các thực phẩm cay nóng như kim chi, ớt, tương ớt…
  • Ngưng uống rượu bia.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt như quả nam việt quất, dâu tây, bông cải xanh, cà rốt và đậu Hà Lan.
  • Hạn chế uống cafe và nước uống có ga.
Viêm loét dạ dày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Hạn chế thức ăn cay nóng giúp ngăn ngừa Viêm loét dạ dày

Phòng ngừa viêm loét dạ dày

Để ngăn ngừa loét dạ dày, hãy thực hiện các bước sau:

  • Loại bỏ H.pylori: Tránh dùng chung muỗng, đũa, cốc nước. Khi được chẩn đoán nhiễm H.pylori cần điều trị theo phác đồ của bác sĩ để diệt trừ H.pylori.
  • Sử dụng NSAID theo hướng dẫn của Bác sĩ: Hãy gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn loại thuốc, liều lượng, cách dùng phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.
  • Giảm các chất kích thích: Hút thuốc, sử dụng rượu, thức ăn cay nóng và một số loại thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày.

Các câu hỏi thường gặp về viêm loét dạ dày

Biến chứng của viêm loét dạ dày?

Nếu không được điều trị, loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến thiếu máu, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, ung thư dạ dày.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày là gì?

Nhiễm H.pylori và sử dụng thuốc NSAID quá liều là những nguyên nhân phổ biến nhất.

Bệnh viêm loét dạ dày bao lâu thì lành?

Nếu bạn đang dùng thuốc theo quy định và tránh những thứ có thể làm vết loét nặng thêm, vết loét sẽ lành trong vòng vài tuần.

Hầu hết mọi người sẽ chỉ cần điều trị ngắn hạn, nhưng một số người mắc các bệnh mãn tính có thể gây loét mãn tính. Ví dụ, hội chứng Zollinger-Ellison khiến dạ dày của bạn sản xuất quá nhiều axit. Tình trạng mãn tính có thể cần dùng thuốc lâu dài.

Khi nào tôi nên đến ngay phòng cấp cứu?

Bạn nên đến ngay phòng cấp cứu nếu:

  • Cơn đau dữ dội không đáp ứng với thuốc.
  • Dấu hiệu có máu trong phân hoặc nôn ra máu.
  • Dấu hiệu mất máu nghiêm trọng, chẳng hạn như xanh xao và ngất xỉu.

Viêm loét dạ dày được điều trị như thế nào?

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vết loét. Hầu hết mọi người sẽ được chỉ định thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm lượng axit trong dạ dày. Bạn cũng sẽ cần dùng thuốc kháng sinh nếu vết loét dạ dày là do nhiễm H. pylori.

Loét dạ dày có thể quay trở lại sau khi điều trị, mặc dù điều này ít có khả năng xảy ra nếu nguyên nhân cơ bản được giải quyết.

Nguồn tham khảo
  1. Gastric Ulcer: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537128/
  2. Stomach Ulcer: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22314-stomach-ulcer
  3. Stomach ulcer: https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/stomach-ulcer
  4. Peptic ulcer: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peptic-ulcer/diagnosis-treatment/drc-20354229
  5. Signs and Symptoms of Stomach Ulcer: https://www.health.com/stomach-ulcer-symptoms-7546145

Các bệnh liên quan