Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các tật của mắt thường gặp: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ

Các tật của mắt thường gặp khá phổ biến, có thể kể đến như cận thị, viễn thị hoặc lão thị. Theo thống kế, dân số Việt Nam có đến 3 triệu trẻ em là có các tật của mắt, trong đó hơn 2 phần 3 là mắc phải cận thị. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” của bạn qua bài viết dưới đây.

Theo thời gian, tuổi tác tăng dần khiến chức năng của các cơ quan trong cơ thể chúng ta suy giảm. Mắt cũng không phải ngoại lệ, các tật của mắt xuất hiện khi hình dạng của mắt bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn. Mặc dù vậy, bạn có thể mắc các tật khúc xạ ở mắt tại bất kỳ thời điểm nào trong đời, ngay cả khi có thị lực rất tốt trước đó.

Quá trình truyền ánh sáng qua võng mạc

Các bộ phận cấu tạo của mắt phối hợp nhịp nhàng với nhau, cho phép ánh sáng đi dọc vào mắt rồi truyền tín hiệu lên não. Giác mạc tập trung luồng ánh sáng đi qua, nhờ có thấu kính tạo thành tín hiệu chạm đến võng mạc. Tiếp theo sau đó, ánh sáng được chuyển thành tín hiệu điện và thông qua dây thần kinh gửi đến não. Não sẽ tiếp nhận thông tin vào tạo ra những hình ảnh bạn có thể nhìn thấy.

Hình dạng nhãn cầu, thủy tinh thể hoặc giác mạc sẽ biến đổi khác nhau tùy vào các tật của mắt. Một số tật ở mắt khiến người ta khó nhìn thấy vật ở gần, trong khi một số khác lại khó nhìn thấy vật ở xa.

Các tật của mắt phổ biến

Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các tật của mắt phổ biến, bao gồm như:

Cận thị

Cận thị là tình trạng mắt chỉ nhìn rõ được các vật ở gần, khó hoặc không thể nhìn rõ các vật thể ở xa. Cận thị có nguyên nhân do hình dạng mắt thay đổi, các tia sáng đi vào mắt bị bẻ sai hướng, dẫn đến việc các tia sáng thay vì tập trung vào võng mạc, lại nằm ở phía trước võng mạc. 

Người bệnh cận thị thường phải đeo những thấu kính lõm với độ cận phù hợp, giúp hỗ trợ hình ảnh đi vào võng mạc.

Các tật của mắt 01
Cận thị rất phổ biến trong dân số, đặc biệt ghi nhận thấy có sự gia tăng ở trẻ em 

Viễn thị

Trái ngược với cận thị, viễn thị là tình trạng người bệnh có thể nhìn rõ các vật ở xa, mà không thấy rõ được vật ở gần. Chính vì vậy, khi nhìn các vật ở gần thì người bệnh cần phải nheo mắt lại để thấy rõ. Nguyên nhân của viễn thị là do tia sáng từ vật thể gần tập trung tại điểm nằm sau võng mạc. 

Người bệnh viễn thị được các bác sĩ chuyên khoa mắt cho sử dụng thấu kính hội tụ, công cụ giúp tập trung hình ảnh trên võng mạc.

Lão thị

Thủy tinh thể của bạn bị mất đi sự linh hoạt vốn có của nó theo thời gian, chính vì thế dẫn đến tình trạng lão thị. Khi bị lão thị, bạn không có khả năng tập trung nhìn vào một khu vực nhất định. Lão thị hay bị nhầm với viễn thị, trên thực tế thì hai tình trạng này rất khác nhau. Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thấu kính điều chỉnh để tập trung được hình ảnh trên võng mạc.

Trên thực tế, ở người lớn tuổi có sự giảm điều tiết và khả năng điều chỉnh tiêu cự của mắt, khiến việc nhìn gần trở nên khó khăn hơn. Lão thị xảy ra khi mi bị yếu và thủy tinh thể giảm độ đàn hồi, thường xảy ra ở độ tuổi trên 40.

Để khắc phục tình trạng khó khăn về tầm nhìn này, bạn có thể sử dụng kính áp tròng hoặc kính đeo mắt với độ phù hợp. Bên cạnh đó, phẫu thuật mắt có thể được cân nhắc để phục hồi thị lực tối ưu hơn.

Nguyên nhân và cách khắc phục các tật của mắt

Nguyên nhân

Thông thường, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến các tật của mắt, bao gồm do di truyền và ảnh hưởng của môi trường.

  • Thứ nhất, nếu gia đình (cả bố mẹ) bị tật khúc xạ, thì bạn cũng có nguy cơ cao bị các tật của mắt.
  • Môi trường là nguyên nhân thứ hai, xảy ra do thói quen sinh hoạt không khoa học như lạm dụng thiết bị điện tử, đọc sách báo trong điều kiện thiếu sáng, ngồi học và làm việc sai tư thế,...

Ngoài ra, các tật của mắt xảy ra do thủy tinh thể bị lão hóa, do tuổi tác, vệ sinh mắt không đúng, mắt bị tổn thương hoặc chấn thương, tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài với các nguồn sáng mạnh (như ánh nắng, tia lửa hàn),...

Các tật của mắt 02
Môi trường có ánh sáng không phù hợp là nguyên nhân thường gặp gây ra các tật của mắt

Cách khắc phục

Một số phương pháp khắc phục các tật của mắt, nhằm cải thiện thị lực bao gồm: Kính đeo, kính áp tròng, phẫu thuật mắt bằng tia laser và phẫu thuật thay thấu kính. Từng phương pháp điều trị sẽ có ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với các đối tượng bệnh nhân khác nhau.

Kính áp tròng: Là loại kính trong suốt được đặt vào ngay trên mắt của bạn. Hiện trên thị trường có hai loại là kính áp tròng cứng và mềm.

  • Ưu điểm: Người mắc phải các tật của mắt đeo kính áp tròng vẫn có thể sinh hoạt bình thường, hoàn toàn thoải mái.
  • Nhược điểm: Có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu không sử dụng đúng theo hướng dẫn, vệ sinh kính và bảo quản.

Phẫu thuật mắt bằng laser: Phương pháp này thay đổi hình dạng giác mạc, điều chỉnh hướng đi của ánh sáng khúc xạ lên võng mạc về đúng như ban đầu. Tùy vào loại tật ở mắt bạn mắc phải, mà phẫu thuật mắt bằng laser sẽ khác nhau. Đối với cận thị, giác mạc được làm mỏng hơn, từ đó giảm đi khả năng khúc xạ. Còn đối với viễn thị, mắt cần được tăng thêm độ khúc xạ bằng việc biến đổi hình dạng thấu kính của bạn.

  • Ưu điểm: Là phương pháp thay thế nếu người bệnh cảm thấy việc đeo kính hoặc sử dụng kính áp tròng bất tiện.
  • Nhược điểm: Phẫu thuật mắt bằng laser tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương cho mắt.
Các tật của mắt 03
Phẫu thuật mắt bằng tia laser giúp điều chỉnh hướng đi ánh sáng lên võng mạc

Phẫu thuật thay thấu kính: Phẫu thuật này thay thế mới hoàn toàn thủy tinh thể của bạn bằng thủy tinh thể nhân tạo.

  • Ưu điểm: Phương pháp giúp sửa chữa các tật của mắt nhanh chóng và không gây đau đớn. Bạn không cần phải đeo kính hoặc sử dụng kính áp tròng.
  • Nhược điểm: Phẫu thuật thay thấu kính xâm lấn nhiều hơn phẫu thuật laser. Chính vì thế, người bệnh có nguy cơ cao bị tổn thương võng mạc dẫn đến mất thị lực. Ngoài ra, phương pháp này tốn chi phí cao hơn nhiều so với các phương pháp khác.

Cách phòng ngừa các tật của mắt

Bạn có thể phòng ngừa các tật của mắt bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và một số cách bảo vệ mắt.

Lối sống

Đảm bảo môi trường làm việc của bạn đủ ánh sáng, tránh tiếp xúc nhiều với các nguồn sáng mạnh gây chói mắt. Bên cạnh đó, duy trì cân nặng phù hợp, ăn uống lành mạnh và tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần cũng giúp nâng cao sức khỏe đôi mắt của bạn.

Dinh dưỡng

Bạn nên ăn đa dạng các món ăn, bên cạnh đó cũng nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin A. Một số thực phẩm giàu vitamin A được gợi ý bao gồm cà rốt, khoai lang, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa. Ngoài ra cải bó xôi là nguồn cung cấp chất zeaxanthin và lutein giúp hỗ trợ bảo vệ võng mạc rất tốt.

Các tật của mắt 04
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt

Bảo vệ mắt

Bạn nên đeo kính râm khi ra ngoài, ngay cả khi những ngày trời có nhiều mây, việc này giúp bảo vệ mắt khỏi tác động của tia UVA và UVB. Thêm nữa, sau khi dùng các thiết bị điện tử mỗi 20 phút, bạn nên cho mắt nghỉ ngơi và nhìn các vật ở xa khoảng 1 phút để thư giãn.

Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin về các tật của mắt phổ biến, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa. Việc thiết lập một môi trường làm việc phù hợp, bổ sung dinh dưỡng và bảo vệ đôi mắt là điều rất quan trọng, giúp duy trì sức khỏe “cửa sổ tâm hồn” trước sự lão hóa theo thời gian.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin