Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà

Ngày 05/04/2022
Kích thước chữ

Đau khớp ngón tay khiến bạn vô cùng khó chịu, việc sinh hoạt gặp nhiều hạn chế. Nếu cơn đau của bạn chỉ vừa xuất hiện, mức độ đau nhẹ, bạn có thể áp dụng cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà được cung cấp trong bài viết này.

Quan trọng không kém khớp gối, khớp ngón tay giúp bàn tay chúng ta có thể cử động linh hoạt, thực hiện các động tác cầm, nắm, vặn, quay,... một cách dễ dàng. Tuy nhiên, khi khớp ngón tay gặp phải vấn đề, bị tổn thương sẽ khiến việc sinh hoạt của chúng ta gặp nhiều khó khăn. Tùy theo nguyên nhân gây, tình trạng bệnh mà áp dụng các phương pháp chữa trị khác nhau. Bài viết sẽ mách bạn mẹo chữa đau khớp ngón tay tại nhà hiệu quả không ngờ.

Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay

Khớp ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út và ngón út bị đau cứng, gây cảm giác khó chịu xuất phát từ nhiều nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có bốn nguyên nhân chính bao gồm:

Cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà 1 Đau khớp ngón tay khiến bạn vô cùng khó chịu, việc sinh hoạt gặp nhiều hạn chế. 

Chấn thương

Khi các thành phần kết cấu của khớp ngón tay bị chấn thương sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau nhức. Dưới đây là những dạng chấn thương khớp ngón tay phổ biến:

  • Căng kéo: Tình trạng cơ/gân cơ bị giãn, rách;
  • Bong gân: Khi các dây chằng bị giãn, rách;
  • Khi đấm hoặc bị vật nặng rơi vào tay làm nứt/gãy các khớp ngón tay;
  • Trật khớp: Đốt ngón tay bị lệch khỏi vị trí ban đầu.

Khi khớp bị chấn thương, tùy theo loại và độ nặng của chấn thương mà sẽ có các triệu chứng như sau:

  • Bệnh nhân có cảm giác đau nhẹ hoặc nặng tại khớp, các khớp ngón tay bị chấn thương;
  • Triệu chứng căng cơ hay bong gân ở khớp ngón tay bao gồm đau, sưng, giảm tính linh hoạt của khớp, cứng khớp, giới hạn cử động;
  • Triệu chứng của nứt hoặc gãy khớp ngón tay, gồm bầm, giới hạn cử động hoặc thậm chí hoàn toàn bất động, tê ngứa hoặc kim châm ở ngón tay bị ảnh hưởng, sưng hoặc trật khớp, ngón tay có dấu hiệu bị gập góc bất thường.

Điều trị chấn thương khớp ngón tay như sau:

  • Nghỉ ngơi: Người bệnh tránh cử động hoặc sử dụng khớp ngón tay đang bị chấn thương. Cân nhắc bất động khớp đang chấn thương bằng nẹp;
  • Chườm đá: Nên chườm túi đá trên khớp bị chấn thương để giảm sưng, đau;
  • Đè ép: Nếu khớp bị sưng thì nên cân nhắc bọc khớp bằng băng cá nhân hoặc băng buddy tape;
  • Nâng: Giữ khớp ngón tay bị thương nằm cao hơn tim để giảm sưng.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chẩn đoán khi khớp ngón tay bị nứt, trật khớp hoặc gãy. Bác sĩ sẽ cố định lại xương, nắn khớp đúng vị trí, sử dụng nẹp hoặc các dụng cụ cố định khác nếu cần thiết. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc giảm đau như NSAIDS để giảm sưng, đau.

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp là dạng viêm khớp khá thường gặp, liên quan tới sự lão hóa, gây mất sụn và thay đổi ở xương. Viêm xương khớp có thể ảnh hưởng tới mọi khớp trên cơ thể, bao gồm các khớp ngón tay. Tình trạng này gây ảnh hưởng tới các khớp ở đầu, giữa ngón tay, sưng ở phần nền ngón tay cái.

Cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà 2 Có nhiều nguyên nhân khiến khớp ngón tay bị đau cứng khó chịu.

Bệnh thường gặp ở người trên 60 tuổi và có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm khác gồm thoát vị đĩa đệm, đau rễ thần kinh,... 

Triệu chứng của bệnh viêm xương khớp bao gồm:

  • Sưng nhiều khớp ngón tay; 
  • Tại khớp ngón bị ảnh hưởng bệnh nhân cảm nhận các cơn đau sâu;
  • Khớp thường xuyên bị cứng, nhất là vào buổi sáng;
  • Tính linh hoạt cũng như tầm vận động của các khớp ngón tay bị hạn chế;
  • Cơ gần các khớp ngón tay bị ảnh hưởng;
  • Khi bẻ các khớp ngón tay nghe có âm thanh.

Bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có thể chỉ định dùng thuốc để giảm đau, cải thiện triệu chứng bao gồm:

  • Các thuốc giảm đau (điển hình là acetaminophen hay ibuprofen);
  • Gel/kem thoa tại chỗ (điển hình là lidocainem, menthol hay capsaicin);
  • Corticosteroids uống hoặc tiêm;
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP).

Ngoài ra còn có các liệu pháp không dùng thuốc mà bệnh nhân có thể áp dụng bao gồm:

  • Tập vật lý trị liệu nhằm làm tăng sức mạnh cho các khớp, hạn chế tính trạng khớp cứng, kém linh hoạt;
  • Tiến hành phẫu thuật để gỡ bỏ những sụn bị tổn thương.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn có thể khiến các khớp bị viêm, bao gồm khớp bàn tay, cổ tay, đầu gối....

Triệu chứng nhận biết viêm khớp dạng thấp ở các khớp ngón tay như sau: 

  • Đau tại các khớp ngón tay (bệnh nhân có thể bị đau một hoặc cả hai bàn tay);
  • Khớp ngón tay thường xuyên bị co cứng, nhất là thời điểm sáng ngủ dậy. Sau vài động tác xoa bóp khớp mới cảm thấy dễ chịu;
  • Các khớp cổ tay, gối hay hông cũng bị đau, cứng.

Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp ngoài đau khớp còn có khả năng gặp triệu chứng mệt mỏi toàn thân, sụt cân. Do đó, khi điều trị viêm khớp dạng thấp sẽ hướng đến những mục tiêu như sau: Giảm viêm, giảm triệu chứng đau và mệt mỏi, cải thiện chức năng và cử động của các khớp, phòng ngừa biến chứng mạn tính như tim mạch, béo phì, giảm chất lượng cuộc sống;

Các phương pháp điều trị viêm khớp: Sử dụng thuốc chống miễn dịch, thuốc giảm viêm, giảm đau tại chỗ, vật lý trị liệu (tăng khả năng vận động cho khớp), nhiệt trị liệu (thư giãn các cơ ngón tay và tăng độ trơn của khớp), áp lạnh (giảm đau và viêm).

Cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà 3 Khi bị đau, nhiều bệnh nhân muốn chọn cách xử lý đau khớp ngón tay bằng vật lý trị liệu.

Nang bao hoạt dịch

Nang bao hoạt dịch là các cấu trúc hình tròn chứa đầy dịch thường hay xuất hiện trên mu bàn tay hay trên các ngón tay. Nang bao hoạt dịch còn có thể xuất hiện ở khớp ngón gần đầu ngón tay nhất.

Các bác sĩ chuyên khoa có thể dùng kim để giải phóng dịch khỏi nang bao hoạt dịch cho bệnh. Bên cạnh đó, tùy trường hợp có thể tiến hành phẫu thuật loại bỏ nang bao hoạt dịch nếu chúng tái phát hoặc bệnh nhân không đáp ứng sau khi đã áp dụng các biện pháp điều trị khác.

Nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác gây đau khớp ngón tay gồm: Tổn thương mô mềm bỏng hoặc nốt sần, bệnh gout, nhiễm trùng, sưng gân cơ (viêm gân cơ), ung thư xương, bệnh đa xơ cứng, xơ cứng bì, hội chứng Raynaud, bệnh lupus ban đỏ, viêm đa cơ,... Trước các tình trạng trên, bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên nguyên nhân nền gây đau cứng khớp ngón tay, khám lâm sàng và thực hiện các kỹ thuật như MRI, X-quang, CT scan, siêu âm chọc hút dịch khớp. 

Cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà

Việc điều trị đau khớp ngón tay tại nhà bao gồm: Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên các khớp bị viêm hoặc chấn thương; cho ngón tay nghỉ ngơi bằng cách tránh viết, đánh máy hay các hoạt động sử dụng bàn tay; dùng thuốc giảm đau; giãn các khớp ngón tay nhẹ nhàng; giảm stress bằng cách ngồi thiền và thực hiện các bài tập hít thở,...

Chườm nóng/lạnh bằng gạc

Khi khớp ngón tay bị đau, bạn có thể tiến hành chườm các miếng gạc nóng/lạnh vào các khớp. Bạn có thể sử dụng một trong hai loại tách biệt, tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu bạn thay đổi giữa hai loại để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. 

Dán miếng gạc lạnh vào các ngón tay trong vòng 10 - 20 phút trước khi dán miếng gạc nóng với khoảng thời gian tương tự. Nên thực hiện đều đặn 2 lần/ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. 

Xoa bóp, bấm huyệt 

Xoa bóp, bấm huyệt là phương pháp giảm đau nhức có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Cách thực hiện là dùng lực từ ngón tay, bàn tay tác động đến huyệt vị nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, giải ứ trệ giúp khí huyết lưu thông mạch lạc, giảm đau nhức và tê cứng khớp.

Cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà 5 Việc điều trị đau khớp ngón tay tại nhà không quá phức tạp.

Tập vật lý trị liệu bàn tay, ngón tay

Khi bị đau, nhiều bệnh nhân muốn chọn cách xử lý đau khớp ngón tay an toàn và hiệu quả bằng vật lý trị liệu. Phương pháp này khá hiệu quả trong việc giúp lưu thông máu và giảm khả năng viêm, sưng ở các khớp ngón tay.

Chế độ ăn nhiều đạm, ít mỡ, tăng cường vitamin

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với người mắc phải các bệnh về xương khớp. Bệnh nhân cần xây dựng cho mình thực đơn ăn uống khoa học, lành mạnh cũng như chọn lựa thực phẩm an toàn cho sức khỏe. Tăng cường các vitamin A , C, D, E vào mỗi bữa ăn hàng ngày cũng cho thấy hiệu quả trong việc điều trị bệnh đau khớp ngón tay và các bệnh xương khớp khác.

Các bài thuốc dân gian

Dầu ô-liu

Dầu ô-liu chứa phenolic - một chất chống viêm hiệu quả. Hãy thử dùng dầu ô-liu thay cho dầu ăn hằng ngày. Ngoài ra, bạn hãy sử dụng loại dầu này để massage các khớp ngón tay bị đau (lưu ý làm ấm dầu ô-liu trước khi xoa chúng lên da).

Quế và mật ong

Hỗn hợp quế và mật ong không chỉ mang lại lợi ích từ những đặc tính riêng mà còn mang lại cảm giác ngon miệng. Mặt khác, mật ong còn có khả năng làm giảm cơn đau khớp, trong khi đó quế lại có chứa các chất chống oxy hóa.

Bạn trộn một muỗng mật ong và một nửa muỗng quế, uống hỗn hợp này vào mỗi buổi sáng, kết hợp với trà hay nước.

Cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà 4 Mật ong và quế có chứa các chất chống oxy hóa.

Muối Epsom

Chuẩn bị tô nước ấm có trộn muối Epsom, sau đó cho tay vào ngâm trong tô nước này để thư giãn trong 30 phút. Muối Epsom có khả năng giảm viêm và đau bằng cách rất hữu ích nhờ vào chất magiê sulfat. Bạn có thể kết hợp muối với dầu ấm, sau đó hãy massage ngón tay bằng hợp chất này trong khoảng 20 phút.

Ngón tay là một trong những bộ phận dễ chịu tổn thương nhất từ chứng đau khớp. Đau khớp ngón tay và cách chữa luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Hy vọng bài viết này đã có thể cung cấp thông tin cho bạn các cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà này khá an toàn và hiệu quả trong giảm đau, viêm cho khớp ngón tay.

Tuy nhiên, nếu cơn đau ở ngón tay không thuyên giảm, bạn nên đi khám bác sĩ kịp thời để tìm ra nguyên nhân gốc rễ và có được biện pháp điều trị phù hợp.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin