Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách điều trị mề đay trẻ sơ sinh hiệu quả

Ngày 27/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mề đay trẻ sơ sinh là một tình trạng rất phổ biến, biểu hiện là các sần đỏ nổi trên mặt da, khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Những nốt mề đay có thể tự biến mất sau vài giờ, nhưng cũng có thể trở nên mạn tính, tái phát nhiều lần cần đến các biện pháp điều trị bệnh lâu dài.

Mề đay trẻ sơ sinh rất phổ biến do trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn yếu, da trẻ mỏng manh, nhạy cảm nên dễ chịu tác động từ các căn nguyên gây dị ứng. Mề đay trẻ sơ sinh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, bội nhiễm, suy giảm miễn dịch, sốc phản vệ... Nên bố mẹ hãy hết sức thận trọng khi trẻ sơ sinh bị nổi mề đay. Bài viết dưới đây sẽ đem đến cho bạn những kiến thức về nguyên nhân và cách điều trị mề đay trẻ sơ sinh.

Mề đay trẻ sơ sinh là gì?

Trẻ sơ sinh được định nghĩa là những trẻ nhỏ hơn 1 tháng tuổi. Mề đay trẻ sơ sinh là một phản ứng miễn dịch của cơ thể trẻ khi tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng như dị ứng phấn hoa, mạt nhà, lông chó mèo... Mề đay trẻ sơ sinh khiến da trẻ nổi các nốt mẩn đỏ, sưng tấy phân bố không đồng đều trên da trẻ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. 

Cách điều trị mề đay trẻ sơ sinh hiệu quả 1 Mề đay trẻ sơ sinh khiến da trẻ nổi các nốt mẩn đỏ

Mề đay trẻ sơ sinh là triệu chứng của phản ứng dị ứng sau khi cơ thể trẻ tiếp xúc với các dị nguyên. Sau đó cơ thể sẽ tiết ra histamin và các chất trung gian gây viêm dẫn đến tình trạng giãn mạch, nổi mề đay. Mề đay có thể nổi sau vài phút, cũng có thể sau vài giờ tiếp xúc với dị nguyên. Việc tìm ra được nguyên nhân gây mề đay rất quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa mề đay tái phát.

Mề đay trẻ sơ sinh có thể hết trong vòng vài giờ nhưng cũng có thể tồn tại dài ngày. Có hai loại mề đay trẻ sơ sinh là mề đay cấp tính (mề đay tồn tại nhỏ hơn 6 tuần) và mề đay mạn tính (mề đay tồn tại trên 6 tuần).

Nguyên nhân gây mề đay trẻ sơ sinh

Mề đay ở trẻ sơ sinh do một trong những nguyên nhân sau:

  • Nhiễm trùng: Trẻ sơ sinh được tính từ khi trẻ sinh ra đến khi 1 tháng tuổi. Ở lứa tuổi này trẻ dễ mắc các nhiễm trùng đường hô hấp do virus, liên cầu, listeria. Đây là căn nguyên thường gặp gây kích hoạt tình trạng mề đay trẻ sơ sinh, các nốt mề đay thường kéo dài 1 - 2 tuần.
  • Các dị nguyên gây dị ứng như phấn hoa, mạt nhà, lông thú cưng... 
  • Thức ăn và đồ uống: Nếu trẻ dị ứng thực phẩm, đồ uống có các chất phụ gia sẽ khiến trẻ nổi mề đay. Ở lứa tuổi sơ sinh, trẻ được khuyến cáo 100% dùng sữa mẹ, tuy nhiên có những người mẹ do tình huống bắt buộc mà không cho con bú sữa được như mẹ ít sữa, có dùng thuốc kháng sinh... Lúc này mẹ hãy chọn lựa cẩn thận sản phẩm sữa công thức an toàn cho con mình.
  • Các loại thuốc gây dị ứng cho trẻ, thường gặp như aspirin, penicillin, ibuprofen, kháng sinh. Khi phát hiện con bạn bị nổi mề đay sau uống thuốc hãy kiểm tra lại xem trẻ dị ứng loại thuốc nào để sau này tránh sử dụng lại thuốc đấy.
  • Nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc quá lạnh cũng có thể gây nổi mề đay trẻ sơ sinh.
  • Bị côn trùng đốt: Chính những nọc độc, chất dịch do côn trùng đốt tiết ra cũng là những dị nguyên có thể gây nổi mề đay cho trẻ sơ sinh.
  • Trẻ mặc quần áo chật, vải cứng cũng có thể gây nổi mề đay do da trẻ sơ sinh rất mỏng manh và nhạy cảm.
Cách điều trị mề đay trẻ sơ sinh hiệu quả 2 Lông thú cưng là nguyên nhân gây mề đay trẻ sơ sinh thường gặp

Dấu hiệu nhận biết mề đay trẻ sơ sinh

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết mề đay ở trẻ sơ sinh:

  • Trên bề mặt da trẻ xuất hiện các vết sưng, các mẩn đỏ dạng hồng ban với các kích thước khác nhau dao động từ vài mm đến vài cm. Vị trí nổi ở khắp cơ thể, phân bố không đồng đều trên da. Nốt mề đay xuất hiện sau vài phút hoặc có thể vài giờ sau tiếp xúc với dị nguyên. Nốt mề đay có thể cấp tính (thời gian xuất hiện nhỏ hơn 6 tuần) hoặc mạn tính (thời gian nổi mề đay lớn hơn 6 tuần).
  • Trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu nên sẽ quấy khóc nếu không giải quyết tình trạng ngứa của trẻ. Trẻ có xu hướng dùng tay gãi vào các vùng da ngứa.
  • Ngoài nổi mề đay, trẻ có thể có các triệu chứng khác của sốc phản vệ như khó thở, buồn nôn, đau bụng... Đây là tình trạng cấp cứu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
  • Có thể tìm thấy trên da các dấu vết của căn nguyên gây mề đay như vết côn trùng đốt trên da, vết xước da do quần áo quá dày, cứng cọ vào.
  • Nếu trẻ sơ sinh nổi mề đay do nhiễm trùng hô hấp có thể thấy trẻ ho, chảy nước mũi, sốt, vẻ mặt mệt mỏi.

Do quan niệm ở nhiều nơi nên phòng của mẹ và trẻ sơ sinh thường khá tối, điều này gây nên sự chậm trễ trong nhận biết mề đay trẻ sơ sinh và theo dõi tiến triển của bệnh. Do đó hãy đảm bảo phòng trẻ luôn có đầy đủ ánh sáng để không chỉ phát hiện mề đay mà con những tình trạng khác như vàng da sơ sinh, vẻ mặt mệt mỏi do nhiễm trùng...

Cách điều trị mề đay trẻ sơ sinh hiệu quả 3 Mề đay trẻ sơ sinh có thể diễn biến nặng nếu không theo dõi sát

Cách điều trị mề đay trẻ sơ sinh hiệu quả

Khi bạn thấy trẻ bị nổi mề đay, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa và trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng của trẻ, trẻ đã ăn gì, uống thuốc gì hay tiếp xúc với vật gì trước đấy, giúp bác sĩ tìm ra được căn nguyên gây trẻ bị nổi mề đay và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả. Có 2 cách điều trị mề đay trẻ em là điều trị có dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc. 

Điều trị nổi mề đay sơ sinh bằng thuốc

  • Thuốc kháng histamin được lựa chọn đầu tiên, cơ chế của nó là tranh chấp với thụ thể của histamin trên thành mạch từ đó gây mất tác dụng của histamin nên làm giảm triệu chứng của mề đay trên da. Các loại thuốc kháng histamin thường dùng cho trẻ sơ sinh là cetirizine và diphenhydramine. Đây là những thuốc an toàn với trẻ sơ sinh.
  • Corticosteroid được dùng trong trường hợp không đáp ứng với thuốc kháng histamin hoặc trẻ có triệu chứng của sốc phản vệ như khó thở, đau bụng đi ngoài, nôn mửa. Lúc này trẻ cần dùng corticosteroid đường toàn thân dưới sự kiểm soát và theo dõi của bác sĩ.
  • Adrenalin: Được dùng trong trường hợp trẻ sơ sinh bị sốc phản vệ.

Điều trị nổi mề đay sơ sinh không dùng thuốc

Nếu trẻ chỉ xuất hiện nổi mề đay vài ba giờ rồi tự hết, không kèm theo các triệu chứng của sốc phản vệ có thể dùng các biện pháp điều trị không dùng thuốc cho trẻ. Chúng ta cũng có thể phối hợp điều trị không dùng thuốc với điều trị có dùng thuốc để vừa điều trị vừa phòng ngừa tái phát cho trẻ.

  • Xác định căn nguyên gây mề đay trẻ sơ sinh và luôn giữ trẻ tránh xa các tác nhân đấy. Nếu không tìm được căn nguyên bạn cần thận trọng với tất cả những tác nhân có thể gây nổi mề đay.
  • Chườm mát lên vùng da nổi mề đay để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, giảm ngứa cho trẻ. Lưu ý không chườm trực tiếp bằng đá lạnh mà phải đặt vào khăn rồi mới chườm và chỉ chườm khi lạnh không phải là tác nhân gây nổi mề đay.
  • Cho trẻ mặc những bộ quần áo rộng, thoải mái, có chất vải mềm mịn, an toàn với da trẻ.
  • Kiểm tra kỹ xem trên người trẻ có vết côn trùng đốt không, nếu có hãy kiểm tra lại giường và phòng của trẻ, dọn vệ sinh sạch sẽ phòng cho trẻ.
Cách điều trị mề đay trẻ sơ sinh hiệu quả 4 Cách điều trị mề đay trẻ sơ sinh hiệu quả

Mề đay trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Nếu trẻ chỉ nổi mề đay đơn thuần thì bạn không cần lo lắng quá mức. Tuy nhiên bạn cần lưu ý theo dõi kỹ các triệu chứng của trẻ, thời gian theo dõi nên kéo dài trên 24 giờ từ khi trẻ nổi mề đay.

Mề đay sơ sinh nguy hiểm khi trẻ có các dấu hiệu sau: 

  • Trẻ quấy khóc nhiều, khó thở (nhịp thở nhanh, rút lõm hõm ức), thở khò khè, môi sưng phù, nôn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí trẻ có thể ngất lịm. Đây là những dấu hiệu của sốc phản vệ do histamin được tiết quá nhiều gây nên tình trạng giãn mạch toàn thân. Đây là trường hợp cấp cứu mà nếu không xử trí nhanh chóng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
  • Trẻ sốt cao, ho nhiều, vẻ mặt mệt mỏi. Bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay, bởi ở lứa tuổi nhỏ hơn 1 tháng nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản là một tình trạng bệnh nặng, trẻ có thể tiến triển thành khó thở, suy hô hấp rất nhanh.
  • Nếu trẻ có tình trạng nổi mề đay tái đi tái lại một cách thường xuyên có thể gây ra các biến chứng cho trẻ như suy giảm miễn dịch, bội nhiễm da do trẻ gãi nhiều... 

Như vậy để biết mề đay sơ sinh có nguy hiểm không, mẹ cần theo dõi sát tình trạng trẻ, luôn đảm bảo phòng trẻ đủ sáng. Nếu tình trạng mề đay của trẻ không nặng nhưng tái phát thường xuyên, nổi mề đay dài ngày không khỏi, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để tìm nguyên nhân gây mề đay. Phương pháp được sử dụng gọi là test lẩy da với các tác nhân như bụi nhà, mạt nhà, lông chó mèo, phấn hoa, thuốc...

Bài viết trên đã cung cấp những kiến thức cơ bản về nguyên nhân và cách điều trị mề đay trẻ sơ sinh. Mong rằng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích cho quý bạn đọc. Và đừng quên theo dõi trang web Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những bài viết hay về y học và đời sống nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm