Biết cách giữ bình tĩnh trong mọi tình huống sẽ giúp bạn làm chủ được cảm xúc và hành động của bản thân. Từ đó, sẽ đạt được những thành công trong công việc và trong các mối quan hệ của mình.
Thiếu kiên nhẫn, mất bình tĩnh trong mọi tình huống sẽ khiến bạn “bùng nổ" cả về cảm xúc lẫn hành động. Điều quan trọng nhất lúc này là tìm cách để kiểm soát cảm xúc và đưa cảm xúc trở lại trạng thái ban đầu. Dưới đây là cách giữ bình tĩnh trước mọi tình huống.
Cách giữ bình tĩnh trước mọi tình huống là đối mặt
Trốn chạy khỏi nguyên nhân khiến bản thân mất bình tĩnh chỉ là cách giải quyết tạm thời. Bạn không thể né tránh mãi. Do đó, việc duy nhất bạn có thể làm là đối mặt.
Tạm dừng tương tác với yếu tố gây mất bình tĩnh
Việc đầu tiên bạn cần làm là tạm dừng tương tác với những tác nhân khiến bạn mất kiểm soát. Bạn chỉ cần dừng lại vài giây là có thể khiến cơn tức giận biến mất ngay lập tức.
Ví dụ, bạn và đồng nghiệp đang trong một cuộc cãi vã. Cả hai đều đang cố khẳng định cái tôi và không chịu lùi bước. Lúc này việc bạn cần làm là tạm ngừng tranh luận, ngồi xuống và im lặng trong vài giây hoặc bước ra ngoài để tạm ngắt quãng cuộc xung đột. Hãy trở lại bàn bình luận khi cả hai đã bình tĩnh và sẵn sàng nói chuyện với tâm thế khác. Khi cần bước ra khỏi cuộc gặp, bạn hãy giải thích rằng mình không né tránh vấn đề mà chỉ đang kiềm chế cảm xúc ngay lúc đó của mình mà thôi.
Chuyển hướng vấn đề
Nếu quá tập trung suy nghĩ về chuyện kiến bạn mất bình tĩnh, bạn sẽ chìm trong cảm xúc tiêu cực đó cả ngày. Vì thế, hãy chuyển suy nghĩ của bạn sang một vấn đề khác như một cách để thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực. Tạm thời quên đi tình huống hiện tại. Hãy nhớ đây chỉ là tạm quên chứ không phải quên hoàn toàn.
Tìm sự trợ giúp
Sau khi tạm dừng cả suy nghĩ lẫn hành động, bạn cần quay trở lại để giải quyết vấn đề. Nếu cảm thấy bản thân chưa thể lấy lại được tinh thần, bạn có thể tìm đến những người bạn đáng tin cậy, đó có thể là người thân, là đồng nghiệp.
Xây dựng thói quen là cách giữ bình tĩnh trước mọi tình huống
Mọi kỹ năng đều cần phải luyện tập thường xuyên. Nếu mất bình tĩnh trong mọi tình huống, bạn sẽ chẳng thể giải quyết được vấn đề gì. Do đó, hãy rèn luyện bản thân mỗi ngày để đẩy lùi sự sợ hãi, hồi hộp, stress, thậm chí là stress nặng... bằng cách giữ bình tĩnh trước mọi tình huống từ việc xây dựng thói quen.
Tập thở sâu và chậm
Mọi sự mất bình tĩnh đều khiến bạn hành động bản năng hơn. Đôi khi là một vài câu chửi thề, nặng hơn là một số tác động vật lý như đấm, đá,... Cách giữ bình tĩnh khi sợ hãi này có thể khiến bạn xả được cảm xúc lúc đó nhưng lại không khiến những người khác khâm phục.
Ngay khi có những tín hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát này, bạn hãy hít một hơi thật sâu. Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi khó thở khi căng thẳng nhưng hãy cố gắng tập trung hít thở đều. Việc này sẽ khôi phục oxy cho cơ thể và giảm nồng độ lactate trong máu (lactate tăng trong máu dẫn tới suy tuần hoàn), từ đó giúp bạn bình tĩnh và thư giãn hơn.
Không chỉ hít thở sâu và chậm ngay tại chỗ mà bạn cần luyện tập bài tập này thường xuyên. Cụ thể, bạn hãy từ từ hít vào bằng mũi, đến khi bụng phình to. Sau đó, thở ra bằng miệng một cách chậm rãi nhất có thể, đến khi bụng xẹp hoàn toàn. Hãy lặp lại quá trình này 5 - 10 lần mỗi khi tập để giữ bình tĩnh trước mọi tình huống.
Thả lỏng cơ thể
Khi căng thẳng, ngoài nhịp thở gấp, cơ bắp của bạn cũng bắt đầu thay đổi. Bạn sẽ có xu hướng nắm chặt tay, nghiến răng lại. Trong một số trường hợp, việc siết chặt cơ khiến cơ thể bạn bị tổn thương. Do đó, cách giữ bình tĩnh khi sợ hãi là để cơ bắp được thư giãn.
Việc đầu tiên là hay nới lỏng quần áo bằng cách cởi bỏ vài chiếc cúc. Đó là lý do vì sao khi nam giới tức giận, họ thường có xu hướng cởi bỏ chiếc cà vạt đang thít chặt lấy cổ mình. Tiếp theo, bạn hãy ngồi xuống hoặc ngả lưng, kết hợp bài tập hít thở đều. Lúc này, bạn sẽ cảm nhận cơ mặt thả lỏng, giống như ngủ vậy.
Một số bài tập thả lỏng cơ thể khác bạn có thể áp dụng như: Mở to mắt hết cỡ trong 5 giây, nhắm chặt mắt trong 5 giây, massage một số vùng cơ thể,...
Tập thể dục
Tập thể dục cũng là cách giữ bình tĩnh trước mọi tình huống một cách hiệu quả và khoa học. Quá trình vận động thể chất sẽ giúp bạn tập trung vào vấn đề gây xáo trộn cảm xúc và cải thiện tâm trạng theo hướng tích cực. Lúc tập là lúc giải toả năng lượng tiêu cực trong cơ thể. Sức khỏe thể chất ổn định sẽ khiến tinh thần của bạn vững vàng hơn, tâm trí minh mẫn hơn.
Giữ bình tĩnh trước mọi tình huống bằng việc thay đổi cách nhìn
Việc rèn luyện thể chất có thể khiến bạn cải thiện chứ không mất đi cảm xúc mất bình tĩnh. Do đó, bạn hãy thử thay đổi cách nhìn nhận vấn đề để có thể giữ bình tĩnh khi sợ hãi.
Học yêu kẻ thù
Thay vì giận dữ, sợ hãi trước ai đó, bạn hãy hình dung họ là những người quan trọng trong cuộc đời bạn. Với những người có ý nghĩa đối với bạn, bạn sẽ có cách đối xử “thận trọng hơn", không còn hành động bộc phát như trước.
Chấp nhận lời chỉ trích
Chúng ta thường cảm thấy tổn thương và tức giận khi bị ai đó chỉ trích. Chấp nhận những lời “chỉ trích" sẽ khiến bạn cảm thấy thư giãn trong mọi tình huống. Điều này giúp bạn luôn sẵn sàng trước mọi áp lực. Có hai cách chấp nhận là tiếp thu và bỏ qua. Hãy chọn lựa khôn ngoan và chọn cái giúp ích cho bản thân nhiều hơn.
Giữ bình tĩnh khi sợ hãi bằng cách chuẩn bị trước tình huống
Hãy luôn tạo cho mình tâm thế để không bị tác động từ phía bên ngoài. Ví dụ, bạn sợ cô giáo kiểm tra bài cũ vì chúng ta chưa học bài hoặc học chưa kỹ. Nếu bạn học một cách chắc chắn, chuẩn bị bài đầy đủ thì chắc chắn bạn sẽ chẳng cảm thấy sợ hãi khi bị cô gọi tên nữa.
Trong một trường hợp khác, nếu bạn là nhân viên bán hàng, để không sợ hãi khi nói chuyện với khách hàng, bạn hãy nắm chắc về sản phẩm mình đang bán, sẵn sàng tư vấn khi khách hỏi.
Hy vọng những cách giữ bình tĩnh trước mọi tình huống được chia sẻ trên này sẽ giúp bạn kiểm soát được bản thân và có những quyết định sáng suốt để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.