Nghẹt mũi hay ngạt mũi là hiện tượng cả hai hay một lỗ mũi bị dịch nhầy ngăn bít khiến người bệnh không thể thở dễ dàng bằng mũi. Và giảm khả năng ngửi của khứu giác, thậm trí mất hẳn khứu giác.
Nghẹt mũi do dịch nhầy ngăn bít gây nhiều khó chịu cho người bệnh
Cách khắc phục tình trạng nghẹt mũi không ngửi được mùi
Tình trạng không ngửi được mùi do nghẹt mũi chỉ có thể được cải thiện khi triệu chứng nghẹt mũi được khắc phục một cách triệt để. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân nghẹt mũi mà sẽ có phương án điều trị tương thích. Dưới đây là những phương pháp có thể đáp ứng với tình trạng nghẹt mũi không ngửi được mùi:
Sử dụng thuốc Tây
Nhóm thuốc có tác dụng co mạch tại chỗ: Các loại thuốc thuộc nhóm này sẽ giúp làm giảm tiết dịch trong xoang mũi. Ngoài ra, còn giúp khai thông đường thở bằng cách giảm tắc mũi. Người bệnh cần chú ý các thuốc co mạch tại chỗ không được phép dùng kéo dài quá 10 ngày. Đồng thời chống chỉ định với các trường hợp bị bệnh tim mạch, viêm mũi teo hoặc trẻ em dưới 7 tuổi.
Corticoid tại chỗ (dạng nhỏ mũi hoặc thuốc xịt mũi là được dùng phổ biến): Thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng nghẹt tắc mũi, đồng thời ức chế viêm nhiễm. Với loại thuốc này cũng tuyệt đối không được dùng kéo dài và cần có sự theo dõi của bác sĩ.
Lưu ý: Khi gặp tình trạng nghẹt mũi không ngửi được, người bệnh cần tránh hoàn toàn việc tự ý mua thuốc về sử dụng. Ngoài ra, cần dùng thuốc theo liều lượng và thời gian mà bác sĩ khuyến cáo. Theo dõi sát sao và tìm đến bác sĩ ngay khi có các vấn đề bất thường phát sinh.
Biện pháp hỗ trợ điều trị nghẹt mũi tại nhà
Nghẹt mũi có thể được điều trị tại nhà như uống nhiều nước và tăng cường độ ẩm không khí
Bổ sung thêm nước: Uống nước sôi ấm được cho là có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi họng và làm loãng dịch nhầy. Từ đó có thể tác động tốt và làm giảm áp lực tắc nghẽn cho xoang mũi. Đồng thời uống nhiều nước còn được cho là có thể hạn chế việc tiết dịch nhầy.
Rửa mũi bằng nước muối: Với đặc tính chống viêm và kháng khuẩn rất tốt, dùng nước muối rửa mũi sẽ giúp hóa lỏng chất nhầy. Cùng với đó là làm dịu niêm mạc mũi và ngăn ngừa viêm nhiễm phát triển. Có thể mua nước muối sinh lý tại các quầy thuốc Tây và thực hiện rửa mũi đều đặn 2 – 3 lần/ngày.
Dùng máy tạo độ ẩm: Cần dùng máy tạo độ ẩm, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô. Độ ẩm trong không khí duy trì ở mức ổn định sẽ hạn chế sự kích ứng lên niêm mạc mũi xoang. Đồng thời nó còn giúp làm dịu mô mũi, hỗ trợ làm loãng dịch nhầy và khai thông đường thở.
Các mẹo tự nhiên điều trị nghẹt mũi
Ngoài việc sử dụng thuốc và áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị nghẹt mũi tại nhà thì trong nhiều trường hợp, dùng các mẹo tự nhiên cũng có thể đáp ứng và giúp khắc phục hiệu quả triệu chứng nghẹt mũi không ngửi được mùi. Dưới đây là những liệu pháp rất đơn giản mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà:
Dùng trà nóng: Thật khó tin nhưng thực tế đã chứng minh, chỉ cần uống 1 tách trà bạc hà hay trà hoa cúc là có thể hỗ trợ khắc phục chứng nghẹt mũi. Tinh chất từ các loại trà nóng này có tác dụng làm loãng dịch nhầy trong mũi xoang để đẩy chúng ra bên ngoài dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trà hoa cúc hay trà bạc hà còn giúp làm dịu niêm mạc mũi, giảm viêm nhiễm và làm ấm cơ thể cũng như nâng cao hệ miễn dịch.
Xông hơi mũi xoang: Liệu pháp này là một liều thuốc tự nhiên hữu hiệu giúp khai thông đường thở và khiến cho tinh thần được thư giãn. Chứng nghẹt mũi cũng sẽ từ từ được đẩy lùi mà khả năng cảm nhận mùi cũng sẽ được cải thiện dần. Chỉ cần cho 1 ít gừng tươi giã nhỏ hay 1 ít tinh dầu (sả, bạc hà, tràm…) vào nước nóng và xông hơi. Chú ý khoảng cách giữa mặt và mặt nước xông để tránh hơi nước quá nóng gây bỏng hoặc kích ứng da.
Sử dụng hành tây hay tỏi: Đây cũng là một cách rất đơn giản, dễ thực hiện mà lại không tiềm ẩn tác dụng phụ. Bạn chỉ cần dùng tỏi hoặc hành tây (đều ở dạng tươi) cho vào cối giã nhuyễn. Sau đó dùng 1 miếng vải mỏng bọc kín lại và đưa lên gần mũi để ngửi. Tính chất nồng từ tỏi và hành tây có tác dụng khai thông đường thở rất hiệu quả.
Dùng hành tây hay tỏi trị nghẹt mũi rất đơn giản và dễ tìm nguyên liệu
Phòng ngừa bệnh nghẹt mũi mất khứu giác
Tình trạng nghẹt mũi không ngửi được mùi không chỉ dễ bắt gặp mà còn có nguy cơ tái phát rất cao ngay cả khi đã trải qua điều trị. Chính vì thế mà bạn cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu tâm:
- Khi ra ngoài đừng quên đeo khẩu trang để tránh bụi bẩn, khói thuốc lá và vi khuẩn xâm nhập vào mũi xoang.
- Dùng nước muối sinh lý súc miệng thường xuyên, đồng thời vệ sinh răng miệng sạch sẽ để đề phòng nhiễm trùng lây lan trên diện rộng.
- Giữ ấm cho cơ thể khi trời lạnh, nhất là thời khắc giao mùa, không ngâm mình quá lâu trong bồn tắm.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể, 2 – 2,5 lít mỗi ngày là lượng nước được khuyến cáo nên uống trong 1 ngày.
- Thêm các thực phẩm có hàm lượng vitamin cao như rau xanh hay trái cây vào chế độ ăn để giúp cho cơ thể có sức đề kháng tốt hơn.
- Hạn chế tiếp xúc hay dùng chung vật dụng cá nhân với những người đang mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Tình trạng nghẹt mũi kéo dài ảnh hưởng đến khứu giác cũng rất nguy hiểm, bạn nên đi thăm khám ở bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để được điều trị một cách phù hợp.
Lam Ngọc
Nguồn: Tổng hợp