1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Viêm mũi dị ứng có tự khỏi không? Các yếu tố ảnh hưởng

Quỳnh Loan

27/06/2025
Kích thước chữ

Viêm mũi dị ứng là tình trạng phổ biến xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với các yếu tố như phấn hoa, bụi mạt hoặc lông thú. Nhiều người băn khoăn không biết viêm mũi dị ứng có tự khỏi không và làm cách nào để phòng tránh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khả năng tự khỏi của bệnh cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.

Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý lành tính thường gặp do phản ứng của hệ miễn dịch với các dị nguyên từ môi trường như phấn hoa, bụi mạt, lông động vật hoặc nấm mốc. Viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi kéo dài. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp có thể tự thuyên giảm triệu chứng mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, để xác định rõ viêm mũi dị ứng có tự khỏi không cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau.

Nguyên nhân và triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ giải phóng histamin để chống lại tác nhân lạ. Tuy nhiên, chính histamin lại gây ra các phản ứng không mong muốn như ngứa mũi, sổ mũi, hắt hơi và ngứa mắt - đây là những dấu hiệu điển hình của viêm mũi dị ứng.

Một số chất gây dị ứng phổ biến bao gồm:

  • Phấn hoa từ cây cỏ hoặc hoa dại;
  • Mạt bụi nhà;
  • Vảy da hoặc nước bọt của chó mèo;
  • Nấm mốc trong không khí hoặc nơi ẩm thấp.

Các triệu chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng:

  • Ngứa mũi và hắt hơi liên tục;
  • Sổ mũi hoặc nghẹt mũi;
  • Ngứa họng, ho kéo dài hoặc đau họng nhẹ;
  • Ngứa mắt, chảy nước mắt hoặc quầng thâm quanh mắt;
  • Nhức đầu kéo dài;
  • Phát ban nhẹ ở mặt hoặc cổ.
Viêm mũi dị ứng có tự khỏi không? Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự khỏi bệnh 1
Các triệu chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng gồm sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho

Tùy cơ địa mỗi người, các triệu chứng có thể xuất hiện theo mùa hoặc kéo dài quanh năm. Khi tình trạng kéo dài nhiều tuần không thuyên giảm, người bệnh nên đến khám chuyên khoa tai, mũi, họng hoặc dị ứng để được tư vấn điều trị phù hợp.

Viêm mũi dị ứng có tự khỏi không?

Câu trả lời phụ thuộc vào mức độ triệu chứng cũng như tần suất tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Trường hợp viêm mũi dị ứng có thể tự thuyên giảm

Trong một số trường hợp nhẹ hoặc ngắt quãng, các triệu chứng viêm mũi dị ứng có thể tự giảm dần mà không cần dùng thuốc. Cụ thể:

  • Triệu chứng nhẹ như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc mắt đỏ, ngứa chảy nước thường tự thuyên giảm trong vài ngày nếu người bệnh tránh được yếu tố dị nguyên.
  • Triệu chứng không xuất hiện liên tục trong ngày và không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc học tập hay sinh hoạt hàng ngày.
  • Cơ thể có khả năng tự thích nghi với dị nguyên theo thời gian khiến mức độ phản ứng giảm nhẹ.
Viêm mũi dị ứng có tự khỏi không? Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự khỏi bệnh 2
"Viêm mũi dị ứng có tự khỏi không?" là thắc mắc được nhiều người bệnh quan tâm

Một số biện pháp hỗ trợ giúp triệu chứng thuyên giảm nhanh hơn như:

  • Tránh tiếp xúc với dị nguyên bằng cách đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, chăn, ga sạch sẽ và sử dụng máy lọc không khí.
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý để loại bỏ dị nguyên, làm sạch niêm mạc, giảm nghẹt mũi và ngăn chặn viêm kéo dài.

Tuy nhiên, không phải trường hợp viêm mũi dị ứng nào cũng tự khỏi hoàn toàn. Nếu triệu chứng kéo dài hoặc trở nặng, lúc này việc điều trị chuyên khoa là cần thiết.

Trường hợp viêm mũi dị ứng không thể tự khỏi

Một số dấu hiệu cảnh báo người bệnh không nên chủ quan và cần đến bác sĩ để được điều trị kịp thời:

  • Nghẹt mũi kéo dài kèm đau nhức vùng mũi hoặc hốc xoang;
  • Ho dai dẳng kèm theo sốt;
  • Khó thở, phù nề vùng mặt hoặc cổ họng do phản ứng dị ứng nặng;
  • Mất ngủ, sụt cân, chán ăn hoặc mệt mỏi liên tục;
  • Trẻ em có dấu hiệu bỏ bú, bỏ ăn hoặc quấy khóc kéo dài;
  • Triệu chứng kéo dài hơn một tuần hoặc tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập công việc và cuộc sống.
Viêm mũi dị ứng có tự khỏi không? Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự khỏi bệnh 3
Người bệnh mất ngủ, sụt cân, chán ăn, mệt mỏi, cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời

Khi bệnh tiến triển nặng, viêm mũi dị ứng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm xoang mạn tính, viêm tai giữa, hen phế quản hoặc ngưng thở khi ngủ. Do đó, người bệnh cần chủ động thăm khám và điều trị sớm để kiểm soát triệu chứng và hạn chế ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự khỏi của viêm mũi dị ứng

Như đã đề cập, viêm mũi dị ứng là phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, bụi mạt, lông động vật hoặc nấm mốc. Khi đó, cơ thể sẽ giải phóng histamin - một chất trung gian gây ra các triệu chứng như hắt hơi sổ mũi nghẹt mũi hoặc ngứa mắt.

Bệnh có thể được kiểm soát nếu người bệnh tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng kết hợp với điều trị đúng cách. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự khỏi của viêm mũi dị ứng:

Môi trường sống và mức độ tiếp xúc với dị nguyên

Nếu người bệnh thường xuyên sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi hoặc vào thời điểm giao mùa, nhiều phấn hoa thì khả năng tự khỏi của bệnh sẽ giảm đi đáng kể. Ngược lại, nếu hạn chế được việc tiếp xúc với các yếu tố này thì triệu chứng có thể cải thiện rõ rệt.

Tình trạng hệ miễn dịch

Người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thường kiểm soát phản ứng dị ứng tốt hơn. Trái lại, người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người mắc bệnh lý miễn dịch thường nhạy cảm với dị nguyên khiến triệu chứng kéo dài và khó tự khỏi.

Viêm mũi dị ứng có tự khỏi không? Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự khỏi bệnh 4
Trẻ nhỏ thường nhạy cảm với dị nguyên khiến triệu chứng kéo dài và khó tự khỏi

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp câu hỏi viêm mũi dị ứng có tự khỏi không. Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý mạn tính liên quan đến cơ địa dị ứng nên bệnh khó có thể tự khỏi hoàn toàn nếu không có biện pháp điều trị và kiểm soát phù hợp. Khả năng tự cải thiện triệu chứng có thể xảy ra ở một số trường hợp nhẹ hoặc khi người bệnh tránh được hoàn toàn các tác nhân gây dị ứng.

Tuy nhiên, để hạn chế biến chứng và ngăn tái phát kéo dài, người bệnh nên chủ động khám chuyên khoa tai, mũi, họng hoặc dị ứng miễn dịch lâm sàng để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin